Thứ Ba, 26/11/2024 20:34 (GMT +7)

Liên hợp quốc với vai trò kết nối thế giới giải quyết các thách thức chung

Thứ 3, 28/09/2021 | 17:06:00 [GMT +7] A  A

Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng LHQ khóa 76, sự kiện thường niên lớn nhất của tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh vừa khép lại, với nhiều hy vọng, nhiều cam kết sẽ đẩy lùi những thách thức lớn nhất của thế giới trong thời gian tới.

Hơn 100 nhà lãnh đạo và quan chức cấp cao trên toàn thế giới ngày 21/9/2021 đã tham dự trực tiếp phiên khai mạc Tuần lễ cấp cao kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 76. Ảnh: THX/ TTXVN

Năm nay, sự kiện này đặc biệt thu hút sự chú ý bởi từ khi đại dịch COVID-19 lan rộng trên toàn cầu, đây là lần đầu tiên trụ sở LHQ tại New York lại tràn ngập không khí khẩn trương, nhộn nhịp đón nguyên thủ các quốc gia trở lại họp trực tiếp nhằm tìm giải pháp cho những vấn đề hóc búa mà cả thế giới đang đối mặt. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử hơn 75 năm kể từ khi thành lập LHQ, Tuần lễ cấp cao ĐHĐ được tổ chức kết hợp trực tiếp và trực tuyến. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc là một trong hơn 100 nhà lãnh đạo và quan chức cấp cao của 132 quốc gia thành viên LHQ đã tới tham dự trực tiếp. Tuy nhiên, lãnh đạo một số nước buộc phải lựa chọn tham gia trực tuyến do tình hình đại dịch vẫn diễn biến phức tạp và khó lường.

Nhìn vào bối cảnh thế giới hiện nay, không khó để hiểu vì sao cộng đồng quốc tế trông đợi vào sự kiện này đến vậy: đại dịch COVID-19 hoành hành gần hai năm qua, hậu quả của tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng hiện hữu rõ rệt hơn, bất bình đẳng hiện diện trong nhiều lĩnh vực, chưa kể các vấn đề khác như an ninh mạng và kỹ thuật số, vũ khí hạt nhân và vũ khí sinh học vẫn đang là câu hỏi nhức nhối chưa có lời giải rốt ráo. Dường như tất cả đang nóng lòng chờ đợi LHQ, cùng với lãnh đạo các nước, sẽ tìm ra chiếc chìa khóa vạn năng hóa giải những thách thức nêu trên.

Thế nhưng, LHQ không chỉ phải đối mặt với những thách thức của thế giới mà còn phải giải quyết những khó khăn riêng đã tồn tại từ lâu của chính tổ chức này. Trước đại dịch, LHQ đã phải vật lộn với nhiều áp lực yêu cầu cải tổ để tiếng nói của ĐHĐ có sức nặng hơn, để Hội đồng Bảo an, cơ quan quyền lực nhất của LHQ có quyền ra các quyết định mang tính ràng buộc bớt chia rẽ, bất đồng, để hệ thống LHQ vận hành hiệu quả hơn trong bối cảnh nguồn ngân sách các nước đóng góp cho LHQ giảm nghiêm trọng. Chưa hết, lời kêu gọi của Tổng thư ký Antonio Guterres nhằm ứng phó với hai cuộc khủng hoảng lớn của thế giới là đại dịch COVID-19 và biến đổi khí hậu dường như chưa nhận được sự hưởng ứng như mong muốn: đến nay vẫn có quá nhiều nước chưa được tiếp cận vaccine ngừa COVID-19 một cách công bằng và cũng còn quá nhiều nước chưa sẵn sàng hợp tác với LHQ trong ứng phó với biến đổi khí hậu. Theo ông Guterres, đúng vào lúc cần có sự hợp tác toàn cầu tốt nhất để đối phó với những thách thức chung thì thế giới lại “chia rẽ và phân cực”, không có được tình đoàn kết và mong muốn hợp tác mà đây lại là yếu tố tiên quyết để có thể tiến tới bất cứ giải pháp mang tính toàn cầu nào.

Trước tình hình đó, với vị thế đã được khẳng định hơn 75 năm qua trong việc thúc đẩy hòa bình, an ninh và phát triển toàn cầu, một lần nữa LHQ lại chứng tỏ được vai trò không thể thiếu trong việc kết nối các quốc gia hợp tác, giải quyết những thách thức chung của nhân loại. Có thể thấy, những vấn đề quan trọng nhất đối với thế giới đã được đưa ra thảo luận tại Tuần lễ cấp cao ĐHĐ năm nay, cả ở các phiên họp chính, các hội nghị thượng đỉnh bên lề hoặc các sự kiện song phương.

Ngay trong ngày đầu tiên của Tuần lễ cấp cao 21/9, phát biểu của người đứng đầu LHQ Guterres và lãnh đạo nhiều nước đã nhấn mạnh tới các vấn đề đại dịch COVID-19, ứng phó biến đổi khí hậu cũng như thách thức an ninh toàn cầu, tình hình Afghanistan và chương trình hạt nhân của Iran. Ông Guterres kêu gọi thế giới ủng hộ phân phối vaccine công bằng và không thể để tình trạng phần lớn các nước giàu miễn dịch trong khi 90% người dân châu Phi thậm chí chưa được tiêm mũi vaccine thứ nhất. Ông cũng đặt ra mục tiêu thế giới cần tiêm chủng cho khoảng 70% dân số vào giữa năm 2022.
Phát biểu trước ĐHĐ ngày 21/9, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ quan điểm với người đứng đầu LHQ rằng để sớm đẩy lùi đại dịch COVID-19, cần tăng cường hợp tác và đoàn kết trên tinh thần trách nhiệm sẻ chia, ưu tiên vaccine cho những nước có tỷ lệ tiêm chủng còn thấp cũng như tạo điều kiện để các nước đang phát triển hợp tác sản xuất, cung ứng vaccine.

Liên quan vấn đề biến đổi khí hậu, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố nước này sẽ ngừng hỗ trợ cho các dự án nhiệt điện than tại nước ngoài; Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết Ankara sẽ phê chuẩn Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu; Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết Washington sẽ tăng gấp đôi ngân sách cho các khoản viện trợ ứng phó biến đổi khí hậu lên 11,4 tỷ/năm.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã đề xuất 3 nội dung hành động tập trung vào nỗ lực xây dựng các cơ chế đánh giá, dự báo và cảnh báo về các nguy cơ an ninh khí hậu từ sớm, từ xa để chủ động có các chiến lược, biện pháp về ngăn ngừa, xử lý hiệu quả; đặt lợi ích của người dân, đặc biệt là các nhóm dễ bị tổn thương, ở vị trí trung tâm để có thể xử lý hài hòa mối liên hệ mật thiết giữa an ninh, phát triển và nhân đạo; bảo đảm chủ quyền, vai trò chủ đạo và năng lực tự cường của các quốc gia trong giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Hội nghị thượng đỉnh về Hệ thống lương thực cũng đạt được những kết quả thực chất. Mặc dù đây là lần đầu tiên chủ đề này được đưa ra thảo luận tại ĐHĐ nhưng các nước thành viên LHQ trước đó đã nhất trí rằng đã đến lúc thế giới phải thay đổi, đại tu hệ thống sản xuất lương thực thực phẩm, hướng tới mục tiêu để người dân trên thế giới có được những bữa ăn lành mạnh, đảm bảo sức khỏe mà quy trình sản xuất lương thực, thực phẩm mới sẽ giảm thiểu tác hại với môi trường.

Theo LHQ, các hệ thống sản xuất lương thực, thực phẩm của thế giới đang tồn tại hiện nay thải ra môi trường khoảng 1/3 tổng lượng khí thải nhà kính toàn cầu, gây ra tình trạng mất rừng và phá hủy tới 80% sự đa dạng sinh học, chưa kể có tới 1/3 lượng lương thực, thực phẩm bị hao hụt, mất mát trong quá trình sản xuất. Lãnh đạo LHQ và các nước cho rằng bằng cách thay đổi các hệ thống sản xuất, con người sẽ đồng thời giải quyết được các thách thức khác như đói nghèo, biến đổi khí hậu, bất bình đẳng, đảm bảo cho người dân có được cuộc sống tốt đẹp hơn và Trái Đất cũng được bảo vệ tốt hơn, có thể phát triển bền vững.

Một chủ đề khác cũng thu hút sự chú ý là phiên thảo luận cấp cao nhằm tìm giải pháp cho vấn đề kép: khí hậu và an ninh. Từ lâu, lãnh đạo nhiều nước đã nhận ra rằng khủng hoảng khí hậu không chỉ liên quan vấn đề môi trường mà thực chất thiệt hại do nó gây ra ảnh hưởng tới mọi mặt kinh tế, xã hội, thậm chí cả hệ thống chính trị của nhiều quốc gia. LHQ chỉ rõ tình trạng thiên tai, hạn hán chính là nguyên nhân gốc rễ dẫn đến xung đột, mà một ví dụ điển hình là cuộc xung đột dai dẳng ở khu vực Sahel, Bắc Phi, hậu quả là hàng triệu người dân nơi đây phải tha hương, nghèo đói. Một ví dụ gần đây hơn là tình trạng xung đột bạo lực, vũ trang liên miên ở khu vực lưu vực Hồ Chad, mà nguyên nhân sâu xa là do nhiều quốc gia trong khu vực này cùng chia sẻ nguồn nước thiên nhiên, hiện đã giảm tới 90% so với thời điểm năm 1960.

Những ý kiến tại phiên đối thoại cấp cao về Năng lượng ngày 24/9 cho thấy phần lớn các nước đã thay đổi hẳn quan điểm về nhiên liệu hóa thạch và năng lượng tái tạo so với những năm 1980, thời điểm ĐHĐ lần đầu tiên tổ chức một phiên cấp cao về chủ đề năng lượng. Giờ đây, việc tạo ra nguồn năng lượng mới bền vững, đáng tin cậy với giá phải chăng là một trong các Mục tiêu Phát triển bền vững mà LHQ hướng tới sẽ đạt được vào năm 2030. Bên cạnh đó, LHQ cũng đặt mục tiêu kiểm soát khí thải nhà kính, nguyên nhân chủ yếu gây biến đổi khí hậu, về mức bằng 0 vào năm 2050 và đảm bảo nhiệt độ toàn cầu nóng lên không quá 1,5 độ C.

Chương trình nghị sự chung được Tổng thư ký LHQ Guterres công bố đã phác thảo một kế hoạch tổng thể với lộ trình cụ thể nhằm đưa thế giới vượt qua các cuộc khủng hoảng đại dịch, nhiệt độ toàn cầu tăng, mất việc làm, bất ổn xã hội để tiến tới một tương lai xanh, sạch và an toàn hơn. Người đứng đầu LHQ đã đề xuất các quốc gia cần thiết lập một chương trình nghị sự hòa bình mới với mục tiêu phòng ngừa xung đột, giảm nguy cơ các vụ tấn công an ninh mạng và tránh đối đầu hạt nhân. Ông cũng kêu gọi cần có thỏa thuận kỹ thuật số toàn cầu để giảm thiểu chia rẽ, bất đồng trong lĩnh vực này cũng như đảm bảo rằng các công nghệ mới, bao gồm cả trí tuệ nhân tạo được sử dụng để mang lại những điều tốt đẹp cho thế giới; điều chỉnh trong quản trị kinh tế toàn cầu trong bối cảnh hệ thống tài chính quốc tế còn nhiều lỗ hổng và tốc độ phát triển của các nước không đồng đều như hiện nay.

Tuy nhiên, chương trình nghị sự đầy tham vọng của LHQ chỉ có thể thực thi được nếu như tất cả các quốc gia thành viên đồng lòng ủng hộ và tham gia đóng góp vào nỗ lực chung thông qua cam kết và hành động mạnh mẽ. Như lời Chủ tịch ĐHĐ khóa 76 Abdulla Shahid, sức mạnh thực thi của ĐHĐ là rất lớn, chỉ có điều sức mạnh đó phụ thuộc vào sự đoàn kết của 193 nước thành viên LHQ.

Kể từ khi thành lập, ĐHĐ vẫn luôn là diễn đàn lớn nhất của LHQ – nơi các quốc gia thành viên đưa ra những tuyên bố mạnh mẽ, thảo luận những vấn đề hóc búa như tình trạng đói nghèo, các mục tiêu phát triển, hay giải pháp cho các vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống. Bất chấp còn nhiều thách thức, vai trò của LHQ nói chung và ĐHĐ nói riêng vẫn là không thể thiếu đối với toàn nhân loại mong muốn vươn tới một tương lai tốt đẹp hơn, lại càng không thể thiếu đối với hàng tỷ người dân yếu thế đang sống trong cảnh nghèo đói, xung đột và dịch bệnh hoành hành.

Hải Vân (Pv TTXVN tại Liên hợp quốc

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu