Thứ Tư, 27/11/2024 09:45 (GMT +7)

Lo ngại biến thể Delta, nhiều quốc gia tiêm mũi vaccine thứ ba

Thứ 6, 09/07/2021 | 15:38:00 [GMT +7] A  A

Trước nguy cơ biến thể Delta vượt qua hàng phòng ngự vaccine, nhiều nước đang thúc đẩy tăng cường mũi tiêm vaccine thứ ba. Tuy vậy, đây lại là kế hoạch khiến WHO lo ngại.

WHO đã bày tỏ lo ngại việc tiêm mũi thứ ba sẽ làm gia tăng bất bình đẳng vaccine COVID-19. Ảnh: Bloomberg

Trước mối lo ngại về việc các loại vaccine COVID-19 được triển khai ở hầu hết các nước đang phát triển không có khả năng ngăn chặn biến thể Delta, một số quốc gia đang xem xét tiêm thêm mũi vaccine thứ ba để tăng cường khả năng miễn dịch chống lại biến thể lây lan mạnh mẽ này.

Tăng cường hàng rào phòng ngự của vaccine

Mặc dù vẫn chưa xuất hiện bằng chứng nào xác thực cho nhu cầu tiêm vaccine “tăng cường”, các quan chức y tế ở nhiều nước, từ Thái Lan cho đến Bahrain hay Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), đã quyết định tiến hành liều bổ sung cho một số nhóm đối tượng đã được tiêm đủ hai liều vaccine từ các nhà sản xuất như Sinovac, Sinopharm hay từ AstraZeneca.

Quyết định đó được thúc đẩy bởi mối lo ngại biến thể Delta và các biến thể khác dường như đã phá vỡ hàng rào phòng ngự của các loại vaccine. Những quốc gia như Mông Cổ và UAE vẫn chưa ngăn chặn được làn sóng gia tăng ca nhiễm mới. Tại Seychelles, 5 người đã tiêm đầy đủ vaccine vẫn tử vong vì COVID-19.

Tiêm vaccine Sinovac tại một trung tâm tiêm chủng ở Bangkok, Thái Lan. Ảnh: Bloomberg

Nghiên cứu cho thấy biến thể Delta thậm chí đủ mạnh để khiến cho cả vaccine công nghệ mRNA như của Pfizer và Moderna đều giảm hiệu quả, đẩy khả năng bảo vệ xuống mức dưới 90%. Trong khi đó hiệu quả của vaccine công nghệ vector truyền thống như của AstraZeneca chỉ còn 60% với các ca nhiễm, mặc dù vẫn có tỉ lệ ngăn chặn ca nhập viên tới trên 90%.

Các quốc gia đang hy vọng liều vaccine tăng cường, kể cả mRNA hay vaccine truyền thống, sẽ nâng cao khả năng bảo vệ trước khi thời tiết lạnh quay trở lại vào mùa thu đông, tối ưu cho sự lây lan của virus.

Không giống như các nhà phát triển phương Tây, Sinovac và Sinopharm không chia sẻ nhiều thông tin về hiệu quả vaccine của họ trước các biến thể COVID-19. Tiến sĩ Shao Yiming, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Trung Quốc, hồi tháng 5 cho biết các nghiên cứu sơ bộ chỉ ra rằng các loại vaccine của Trung Quốc vẫn có khả năng bảo vệ trước những biến thể xuất hiện từ Ấn Độ, nhưng ông không giải thích thêm.

Hai loại vaccine bất hoạt do Sinopharm sản xuất có hiệu quả 73% và 78% đối với bệnh COVID-19 có triệu chứng – theo kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3. Các kết quả khác nhau từ các thử nghiệm lâm sàng của Sinovac ở Brazil, Indonesia và Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy hiệu quả ở phạm vi rộng là từ 50-hơn 80%, một kết quả làm dấy lên những lo ngại về hiệu quả hoạt động của vaccine này.

Giáo sư Nikolai Petrovsky, thuộc Trường Y khoa và Y tế công cộng thuộc Đại học Flinders của Australia cho biết: “Chúng tôi nhận ra rằng các loại vaccine yếu hơn dường như mất khả năng bảo vệ trước COVID-19 tương đối nhanh, đặc biệt là trước các biến thể. Ngay cả những loại vaccine tốt hơn dường như cũng đang cho thấy mức độ giảm hiệu quả ngày càng tăng do các biến thể virus”.

Một số quốc gia sử dụng vaccine truyền thống đang đề xuất tiêm mũi thứ ba để tăng cường miễn dịch cho các nhân viên y tế. Ảnh: EPA-EFE

Mũi thứ ba sẽ gia tăng bất bình đẳng vaccine?

Tuy nhiên, bất kỳ kế hoạch nào của các quốc gia giàu có về việc mua các liều vaccine bổ sung cũng sẽ gây áp lực lên nguồn cung toàn cầu và càng khoét sâu thêm khoảng cách bất bình đẳng, bỏ lại các nước nghèo với tỉ lệ tiêm chủng thấp.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã kêu gọi các quốc gia giàu có chia sẻ vaccine để giúp đạt được mục tiêu tiêm chủng cho ít nhất 40% dân số của mỗi quốc gia trên thế giới vào cuối năm nay. Số ca tử vong do COVID-19 trên toàn cầu đã vượt mốc 4 triệu trong tuần này, trong khi tình trạng bất bình đẳng đang đẩy nhiều quốc gia nghèo tới nguy cơ bùng phát dịch nhiều hơn.

Giáo sư Petrovsky cho rằng việc cung cấp liều vaccine tăng cường “có thể dễ dàng chuyển hướng 1-2 tỉ liều vaccine cho những người đã được chủng ngừa trong 12 tháng tới, vốn lẽ ra có thể đến tay những nước đang phát triển, nơi đa số người dân vẫn chưa được tiêm mũi đầu tiên”.

Hôm 7/7, Giám đốc điều hành Pfizer Albert Bourla đăng trên Twitter rằng công ty tin tưởng một liều vaccine tăng cường ‘có thể sẽ cần thiết để duy trì mức độ bảo vệ cao nhất” chống COVID, khi dữ liệu ban đầu trong nghiên cứu về liều tăng cường cho thấy liều bổ sung đã tạo ra đáp ứng kháng thể cao hơn gấp 5-10 lần”.

Pfizer ngày 8/7 đã đề xuất Chính phủ Mỹ cấp phép khẩn cấp cho mũi tiêm thứ ba vào tháng 8, dựa trên dữ liệu ban đầu cho thấy nó có thể tăng khả năng bảo vệ của hệ miễn dịch trước COVID-19. Trong khi đó, CDC Mỹ tuyên bố những người đã được tiêm chủng đầy đủ không cần tiêm nhắc lại vào thời điểm này, đồng thời nói thêm rằng trung tâm đã tham gia vào một quy trình khoa học để xem xét liệu hoặc khi nào liều thứ ba là cần thiết.

WHO đã bày tỏ sự thận trọng trong việc khuyến khích dùng liều vaccine thứ ba. Nhà khoa học trưởng WHO Soumya Swaminathan cho rằng khuyến cáo về tiêm mũi thứ ba là không cần thiết và quá sớm do dữ liệu về các mũi tiêm tăng cường còn ít ỏi và thực tế là những người có nguy cơ cao trên hầu khắp thế giới vẫn chưa được tiêm chủng đầy đủ.

Trung Quốc cũng đang tiến hành nghiên cứu đánh giá lợi ích của mũi vaccine tăng cường. Ảnh: Bloomberg

Tuy vậy, lúc này các chính phủ đang chạy đua phòng chống khi biến thể Delta lan rộng đến hơn 100 quốc gia/vùng lãnh thổ. Mối quan tâm đặc biệt lớn ở những quốc gia trước đây phụ thuộc vào vaccine của Trung Quốc. Tại Trung Đông, một số quốc gia đã bắt đầu đề xuất tiêm mũi tăng cường, bao gồm Pfizer và Sinopharm – cho những người đã hoàn thành tiêm chủng từ vài tháng trước.

Thái Lan lên kế hoạch dùng vaccine Astra và Pfizer để tiêm tăng cường cho nhân viên y tế đã tiêm hai mũi Sinovac. Hiệp hội Bác sĩ Indonesia tuần này kêu gọi tiêm mũi tăng cường cho nhân viên y tế, đặc biệt sau khi một số nhân viên y tế tử vong dù đã tiêm đủ hai mũi Sinovac và AstraZeneca.

Các nghiên cứu tại Thái Lan cho thấy, một mũi tiêm đầu của Sinovac, tiếp theo là một mũi AstraZeneca cách 3-4 tuần có thể tạo ra phản ứng miễn dịch mạnh hơn so với tiêm 2 liều Sinovac.

Ngay cả tại Trung Quốc, nơi đã tiêm đủ cho trên 1/3 tổng dân số 1,4 tỉ người bằng vaccine nội địa, cũng đang tiến hành nghiên cứu đánh giá lợi ích của mũi vaccine tăng cường.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo Bloomber)

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu