Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Bảy, 23/11/2024 20:45 (GMT +7)
Long An khai thác tiềm năng Du lịch Nông thôn
Thứ 2, 25/07/2022 | 13:14:10 [GMT +7] A A
Long An với xuất phát điểm là một địa phương có nền sản xuất nông nghiệp lâu đời trong khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, lịch sử địa phương gắn liền với nông thôn, nông nghiệp truyền thống, nên hình thái nông thôn Long An tương đối đa dạng cả về ngành nghề, chủng loại cây trồng, vật nuôi.
Đặc biệt, người nông dân Long An cần cù, sáng tạo, phóng khoáng và thích ứng nhanh với những tiến bộ của khoa học, đời sống văn hóa phong phú, do vậy nền sản xuất nông nghiệp cũng mang đặc trưng riêng dựa vào thổ nhưỡng địa phương, trong đó có vùng trồng chuyên canh cây thanh long ruột đỏ và nuôi thủy sản nước lợ thuộc hạ lưu sông Vàm Cỏ; Vùng đất ngập nước chuyên trồng cây dược liệu (tràm gió), lúa nước, nuôi thủy sản nước ngọt tại các huyện vùng Đồng Tháp Mười, Vùng nông thôn lân cận ngoại ô TPHCM chuyên chăn nuôi gia súc và các sản phẩm nông nghiệp bổ trợ … Đây là những điều kiện thuận lợi để ngành du lịch có thể lưu giữ được những nét văn hóa của cư dân nông nghiệp truyền thống, các giá trị nhân văn được bảo tồn và lưu truyền trong nông thôn, góp phần thúc đẩy du lịch nông thôn phát triển.
Ngoài ra, ở mỗi vùng nông thôn Long An có những đặc điểm, tài nguyên du lịch, đặc sản và phong cách sống đặc trưng hình thành nên nét văn hóa của cộng đồng dân cư phù hợp với xu thế phát triển du lịch hướng về nông thôn. Với địa hình bằng phẳng và hệ thống sông ngòi, kênh rạch đa dạng, nên tỉnh có điều kiện phát triển du lịch nông nghiệp sinh thái, đặc biệt là khu vực Đồng Tháp Mười. Đồng thời, với 8 làng và 4 nghề truyền thống được công nhận như: Làng nghề trồng mai (huyện Thạnh Hóa), Làng nghề bịt trống Bình An (huyện Tân Trụ); Làng nghề dệt chiếu Long Cang (huyện Cần Đước); Làng nghề bánh tráng Nhơn Hòa (TP. Tân An);…Đây là những mô hình rất phù hợp cho loại hình du lịch nông nghiệp. Một điểm nổi bật đóng góp vào nguồn tài nguồn phát triển du lịch của vùng đất cửa ngõ đồng bằng Sông Cửu Long chính là những mặt hàng nông sản trở thành thương hiệu, gắn với từng địa danh của Long An như: Gạo Nàng thơm Chợ Đào Cần Đước, dưa hấu đỏ Long Trì Châu Thành, dứa Bến Lức, đậu phộng Đức Hòa…
Long An có nguồn tài nguyên du lịch thiên nhiên và tài nguyên du lịch nhân văn khá phong phú, đa dạng, so với nhiều tỉnh của vùng Tây Nam Bộ, vùng đất đặc thù, vừa mang nét duyên dáng của vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, vừa mang vẻ đẹp mặn mà của miền Đông Nam Bộ, vùng đất là tổng hòa giao thoa của cả vùng miền tây sông nước hiền hòa và mang nét phố thị của nông nghiệp miền nam. Tuy nhiên, sản phẩm du lịch nông thôn tại Long An hiện nay tập trung vào các loại hình tham quan làng nghề, chợ truyền thống, đặc trưng văn hóa, sản vật du lịch miền sông nước, du lịch lễ hội nông thôn, khám phá vùng đất ngập nước Đồng Tháp Mười, trải nghiệm cuộc sống, thử làm người nông dân thực thụ…
Nhìn chung đa phần sản phẩm du lịch nông thôn Long An phát triển dựa theo nhu cầu và yêu cầu của du khách, chưa chủ động xây dựng sản phẩm, quảng bá sản phẩm du lịch nông thôn chuyên nghiệp, thu nhập từ hoạt động này ở mức trung bình, doanh thu từ hoạt động du lịch không phải là nguồn thu chính so với hoạt động nông nghiệp thuần túy, chưa đảm bảo trang trải cuộc sống của đối tượng tham gia.
Mặt khác, du lịch tại nông thôn mang tính thời vụ hết sức sâu sắc, thời vụ du lịch thường trùng vào mùa thu hoạch nông sản và các nguồn lợi nông sản khác nên muốn phát triển du lịch nông thôn cần giải quyết hài hòa vấn đề này.
Đồng thời, công tác kết nối, xây dựng tour tuyến, xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù, phù hợp đang là vấn đề khó khăn với người dân bản địa và các doanh nghiệp lữ hành, bởi chỉ dừng ở quy mô nhỏ và mang tính tự phát. Sản phẩm du lịch nông thôn của tỉnh hiện chưa đặc sắc, do tâm lý chưa sẵn sàng của người dân (người có nguồn tài nguyên du lịch nông nghiệp), còn lo âu, chú trọng tạo sản phẩm nông nghiệp hơn là phát triển dịch vụ của người nông dân cũng là rào cản đáng kể cho việc phát triển loại hình du lịch nông thôn tại Long An.
Mở ra cơ hội phát triển và giải quyết các rào cản, tỉnh cần có chủ trương, cơ chế và chính sách đồng bộ về quản lý đất đai, hạ tầng, về quản lý du lịch nông thôn, hỗ trợ du lịch nông thôn, quản lý lưu trú, liên kết chuỗi giá trị du lịch nông thôn. Bên cạnh đó, phát triển du lịch nông thôn gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Như vậy, người nông dân sẽ tự tin cho sản phẩm đầu tư của mình, vừa để bảo tồn vùng sản xuất truyền thống, tạo ra các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ hỗ trợ cho khai thác du lịch, làm phong phú cho chương trình du lịch, thu hút du khách, đồng thời quảng bá hoạt động du lịch, tiêu thụ và nâng cao giá trị cho các sản phẩm OCOP, tập trung thể hiện nét đặc sắc riêng cho du lịch địa phương./.
Kim Thoa (Trung tâm Thông tin, Xúc tiến Du lịch Long An)
Ý kiến ()