Thứ Bảy, 30/11/2024 11:37 (GMT +7)

Lượng băng tích tụ trên sông băng lớn nhất thuộc dãy Alps xuống mức thấp kỷ lục

Thứ 7, 17/10/2020 | 11:23:00 [GMT +7] A  A

Theo một nghiên cứu hàng năm về tình trạng các sông băng do Viện Khoa học Thụy Sĩ công bố ngày 16/10, các sông băng ở Thụy Sĩ tiếp tục bị thu hẹp với tốc độ đáng báo động trong năm nay, trong khi lượng băng tích tụ trên sông băng Aletsch lớn nhất trên dãy núi Alps giảm xuống mức thấp kỷ lục.

Sông băng Aletsch. Ảnh: AFP

Nghiên cứu cho biết mặc dù năm 2020 chưa phải là năm có tỉ lệ băng tan đạt đỉnh, nhưng các sông băng ở dãy Alps của Thụy Sĩ vẫn không ngừng thu hẹp, mất 2% khối lượng băng trong năm nay. Tác giả của nghiên cứu, Matthias Huss thuộc Mạng lưới Theo dõi sông băng (GLAMOS), nhận định lượng băng bị mất trên là rất “đáng lo ngại” dù thấp hơn một chút so với 3 năm gần đây nhất khi nhiệt độ tăng cao. Ông nhấn mạnh lượng băng bị mất 2% chỉ trong một năm thực sự là rất nhiều.

Trong 60 năm qua, lượng nước đã mất trên các sông băng ở Thụy Sĩ đủ để lấp đầy hồ Constance nằm trên biên giới 3 nước Thụy Sĩ, Đức và Áo, trải dài 63 km.

Theo nghiên cứu, phát hiện đáng lo ngại nhất trong năm nay, có lẽ là lượng băng tích tụ trên sông băng Aletsch giảm xuống mức thấp kỷ lục.

Ông Huss cho biết kể từ khi công tác đo đạc được thực hiện tại khu vực này hơn 100 năm trước, lượng băng tích tụ trên sông băng Aletsch trong năm nay ở mức “thấp nhất”. Ông nhấn mạnh mặc dù nơi đây vẫn lạnh, song lượng băng vẫn tồn tại ở độ cao này vẫn quá ít, và đây chắc chắn là một dấu hiệu xấu cho sông băng Aletsch.

Sông băng Aletsch nằm trên diện tích 86 km2 và ước tính tích trữ khoảng 11 tỷ tấn băng, đã bị thu hẹp chiều dài khoảng 1km kể từ đầu thế kỉ 21 này. Sông băng này nằm trong số hơn 4.000 sông băng nằm rải rác trên dãy Alps, cung cấp nước cho hàng triệu người dân và tạo nên một số cảnh quan ngoạn mục nhất tại châu Âu.

Trong một nghiên cứu do đại học kỹ thuật ETH (Zurich, Thụy Sĩ) thực hiện và công bố hồi năm ngoái, khoảng 95% các con sông băng nói trên sẽ biến mất vào năm 2100 nếu các nước trên thế giới không kiểm soát được lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Theo dự báo này, ngay cả khi thế giới đạt được mục tiêu đề ra trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu ký năm 2015 là giữ nhiệt độ của Trái Đất ở mức dưới 2 độ C, thì vẫn có tới 2/3 số sông băng thuộc dãy Alps có nguy cơ biến mất.

Minh Tuấn (TTXVN)
https://baotintuc.vn/the-gioi/luong-bang-tich-tu-tren-song-bang-lon-nhat-thuoc-day-alps-xuong-muc-thap-ky-luc-20201017071014210.htm

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu