Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Hai, 25/11/2024 10:30 (GMT +7)
Mất cân bằng giới tính khi sinh ở mức cao nhất từ trước tới nay
Thứ 6, 18/01/2019 | 17:06:00 [GMT +7] A A
Năm 2018, tỷ số giới tính khi sinh tại Việt Nam là 115,1 bé trai/100 bé gái.
Tại Hội nghị triển khai kế hoạch năm 2019 về công tác Dân số – Kế hoạch hóa gia đình diễn ra ngày 18/1, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến yêu cầu trong năm 2019, ngành Dân số chủ động duy trì vững chắc mức sinh thay thế, hạn chế tốc độ tăng tỷ số giới tính khi sinh, nâng cao chất lượng dân số và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững.
Mất cân bằng giới tính khi sinh ở mức cao nhất từ trước tới nay, tỷ số giới tính khi sinh là 115,1 bé trai/100 bé gái. Ảnh: Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN
Năm 2018 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới. Công tác dân số tiếp tục nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Bộ Y tế và chính quyền địa phương. Song, công tác dân số cũng gặp nhiều khó khăn; một số văn bản, quy định, hướng dẫn thực hiện công tác dân số ban hành muộn, không đồng bộ. Năm 2018, Bộ Y tế giao 5 chỉ tiêu cơ bản và 8 chỉ tiêu chuyên môn, ngành Dân số đã hoàn thoàn 3/5 chỉ tiêu cơ bản và 3/8 chỉ tiêu chuyên môn. Nhiều chỉ tiêu chuyên môn không đạt do nhiều nguyên nhân, trong đó, có việc cấp kinh phí chậm.
Một số chỉ tiêu cơ bản đề ra trong năm 2019, đó là: Dân số trung bình 95,7 triệu người; tỷ lệ tăng dân số là 1,06%; tuổi thọ trung bình tính từ lúc sinh là 73,6 tuổi; tỷ số giới tính khi sinh 114 bé trai/100 bé gái sinh sống.
Về chỉ tiêu chuyên môn, tỷ lệ sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại đạt 68%; tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh là 0,4 điểm phần trăm; 45% bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh;là 70% trẻ sinh ra được sàng lọc sơ sinh; giảm 15% người chưa thành niên, thanh niên có thai ngoài ý muốn; 100% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế .
Báo cáo kết quả thực hiện công tác Dân số – Kế hoạch hóa gia đình năm 2018, bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình chia sẻ: Về quy mô dân số, năm 2018, dân số nước ta là 94,67 triệu người, tăng thêm 1 triệu người so với năm 2017. Số trẻ mới sinh trên toàn quốc là 1,38 triệu. Tổng tỷ suất sinh cả nước là 2,05 con, đây là năm thứ 2 liên tiếp, mức sinh dưới mức sinh thay thế (năm 2017 là 2,04). Tuy nhiên, mức sinh rất khác biệt giữa các địa phương. Hiện có 24/63 tỉnh, nơi kinh tế – xã hội còn nhiều khó khăn có mức sinh cao (trên 2,3 con), có nơi 2,5 con. Trong khi 16/63 tỉnh, thành, mức sinh đã xuống thấp (dưới 1,8 con), có nơi dưới 1,6 con. Tỷ lệ cặp vợ chồng chấp nhận sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại chỉ đạt 66,5%, không đạt chỉ tiêu kế hoạch năm (67,4%).
Về cơ cấu dân số, sau nhiều năm liên tục giảm, năm 2018, tỷ số giới tính khi sinh tăng nhanh và ở mức cao nhất từ trước tới nay. Tỷ số giới tính khi sinh là 115,1 bé trai/100 bé gái, tăng 3 điểm phần trăm so với năm 2017, không đạt kế hoạch (chỉ tiêu là 112,8 bé trai/100 bé gái).
Về chất lượng dân số, mạng lưới tầm soát, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh từng bước được mở rộng. Tỷ lệ bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh là 54,37% (chỉ tiêu là 40%). Số trẻ mới sinh được sàng lọc là 38,5%, không đạt chỉ tiêu (60%), lý do đa phần do tâm lý của bà mẹ.
Về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, có 94% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế, không đạt kế hoạch (chỉ tiêu là 100%). Tỷ lệ người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần/năm là 10,3%.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình, nhấn mạnh: Trong năm 2018, tổ chức bộ máy ngành Dân số có nhiều biến động cũng ảnh hưởng lớn đến triển khai công tác dân số. Kinh phí dành cho truyền thông dân số giảm, trong khi đây là giải pháp quan trọng trong công tác dân số nên ảnh hưởng tới kết quả. Chất lượng thông tin, số liệu chuyên ngành dân số cần được đẩy mạnh hơn.
Ngành Dân số đề nghị Chính phủ tiếp tục tăng cường đầu tư cho công tác dân số để thực hiện thắng lợi các mục tiêu đến năm 2020 với trọng tâm là nâng cao chất lượng dân số. Tổng cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính sửa đổi các quy định để đảm bảo kinh phí cho công tác dân số tối thiểu 50.000 đồng/người dân/năm; cho phép nhập khẩu trực tiếp phương tiện tránh thai từ cơ sở nước ngoài đối với loại phương tiện tránh thai chưa sản xuất được trong nước và không có văn phòng đại diện tại Việt Nam.
Ý kiến ()