Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Tư, 27/11/2024 09:41 (GMT +7)
Mô hình ‘giữ trẻ ngoài giờ’ mang nhiều lợi ích cho người lao động
Thứ 7, 30/09/2017 | 10:06:00 [GMT +7] A A
Năm học 2016-2017, Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai Đề án giữ trẻ ngoài giờ cho con của công nhân ở khu chế xuất – khu công nghiệp (đến 17 giờ 30 hằng ngày và cả ngày thứ Bảy) tại ba trường: Trường Mầm non 30/4 thuộc quận Bình Tân; Trường Mầm non Khu Chế Xuất Linh Trung 1 và Trường Mầm non Khu Chế Xuất Linh Trung II thuộc quận Thủ Đức.
Tổng số trẻ được giữ ngoài giờ là 240 trẻ với 8 lớp. Năm học 2017 – 2018 thành phố tiếp tục thí điểm tại hai trường mầm non ở Khu chế xuất Tân Thuận quận 7 và Khu công nghiệp Tây Bắc huyện Củ Chi. Tuy mới thực hiện được 2 năm nhưng Đề án này đã mang lại hiệu quả thiết thực, giúp phụ huynh là những người lao động trong các nhà máy xí nghiệp giảm bớt nỗi lo chăm sóc con nhỏ.
An tâm khi gửi con
Nhiều công nhân ở các khu chế xuất – khu công nghiệp đã rất vui mừng khi thành phố chủ trương xây dựng các trường mầm non công lập nằm trong hoặc gần kề các khu công nghiệp, khu chế xuất để phục vụ con em của công nhân. Và niềm vui còn được nhân lên khi thành phố tiếp tục triển khai đề án giữ trẻ ngoài giờ ở các trường mầm non khu công nghiệp – khu chế xuất.
Đề án giữ trẻ ngoài giờ giúp người lao động giảm bớt nỗi lo chăm sóc con nhỏ. Ảnh: Đan Phương |
Anh Phan Thanh Tuyên, quê ở Đồng Tháp, làm tại Công ty Hansae thuộc Khu công nghiệp Tây Bắc huyện Củ Chi, có con 4 tuổi rưỡi chia sẻ: “Vì vợ chồng tôi đều là công nhân lại xa quê nên đã phải gửi con khi còn rất nhỏ. Ở ngoài khu công nghiệp Tây Bắc cũng có trường mầm non công lập nhưng xa chỗ chúng tôi làm nên bất tiện trong việc đưa đón. Hơn nữa trường công này lại không giữ ngày thứ bảy vì vậy chúng tôi phải gửi con ở các cơ sở tư thục. Gửi thì gửi nhưng không yên tâm nên chúng tôi đã phải đổi chỗ học liên tục cho con. Chúng tôi đã có ý định gửi con về quê để ông bà giữ nhưng khi biết năm học này Trường Mầm non Tây Bắc được đưa vào hoạt động và có giữ trẻ ngoài giờ, chúng tôi đã đăng ký cho con học ngay. Nhờ vậy, chúng tôi không phải xa con mà vẫn có thể tiếp tục công việc”.
Anh Lê Hoàng An, quê Tiền Giang, làm việc tại Công ty Cổ phần L.Q Joton thuộc Khu Công nghiệp Vĩnh Lộc quận Bình Tân cũng cho biết: “Trước đây ngày thứ 7 nào cũng phải đưa con (hơn ba tuổi) đi làm cùng hoặc hôm nào bận việc phải vất vả tìm người giữ hộ. Nhưng kể từ khi Trường Mầm non 30/4 có hoạt động giữ trẻ ngoài giờ tôi không còn lo lắng tìm nơi gửi vào ngày thứ 7 nữa”.
“Chắc chắn phụ huynh không muốn gửi con ở trường tư thục vì không an toàn, thức ăn không đảm bảo, chất lượng giáo viên… Nhưng với trường công lập những vấn đề trên sẽ đảm bảo hơn vì thế khi có trường mầm non công lập nằm trong khu công nghiệp cực kỳ tốt cho anh chị em công nhân ở đây. Vì công việc công nhân phải tăng ca nhiều mà đón trẻ đúng giờ thì kẹt quỹ giờ của công ty nên việc gửi con đến 17 giờ 30 phút giúp công nhân sắp xếp công việc” – anh An chia sẻ thêm.
Nỗ lực vì con em công nhân
Đề án mới thí điểm hai năm, hơn nữa nhu cầu gửi con ngoài giờ của công nhân ở các quận huyện có khác nhau nên có quận đạt chỉ tiêu số trẻ giữ ngoài giờ mà thành phố đưa ra nhưng cũng có quận số trẻ đăng ký giữ trẻ ngoài giờ chưa cao. Nhưng dù trẻ đông hay ít, các giáo viên ở các trường thực hiện Đề án này đều nỗ lực hết mình vì con em công nhân.
Vì mới đi vào hoạt động đầu tháng 9/2017 nên số lượng trẻ ở Trường Mầm non Tây Bắc (khu công nghiệp Tây Bắc huyện Củ Chi) chỉ có 106 bé nhưng có đến 80% là con của công nhân. Còn đối với hoạt động giữ trẻ ngoài giờ vì chưa vào thời điểm tăng ca nên số phụ huynh đăng ký giữ trẻ ngoài giờ chưa cao: 36 trẻ giữ ngày thứ 7 và 4 trẻ giữ đến 17 giờ 30 phút.
“Tuy mới có 4 trẻ đăng ký giữ trẻ ngoài giờ vào ngày thường (từ thứ 2 đến thứ 6) nhưng trường vẫn tổ chức giữ và trường chủ trương dưới 10 trẻ nhà trường sẽ không thu tiền phụ huynh. Giờ đón trẻ là 17 giờ 30 phút nhưng cũng có phụ huynh mãi đế 18 giờ 30 phút mới đến đón trẻ nhưng giáo viên vẫn vui vẻ giữ trẻ. Chúng tôi hiểu công nhân rất vất vả, mình giúp được họ cái gì thì sẵn sàng giúp” – cô Võ Thị Vững, Hiệu trưởng Trường Mầm non Tây Bắc chia sẻ.
Cũng theo cô Nguyễn Thị Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường Mầm non 30/4, nằm trong Khu công nghiệp Vĩnh Lộc quận Bình Tân, giáo viên của trường ai cũng có gia đình cũng có con cần phải chăm sóc. Nhưng khi nhà trường được chọn để triển khai hoạt động giữ trẻ ngoài giờ thì hơn một nữa giáo viên và cả cán bộ y tế, kế toán đã tự nguyện đăng ký tham gia. Điều đó cho thấy giáo viên và nhân viên của trường rất nhiệt tình với con em công nhân dù giờ làm việc bình thường của giáo viên đã hơn 200 giờ/năm.
Vẫn cần tháo gỡ những vướng mắc
Theo kế hoạch, năm học 2018-2019, Thành phố dự kiến thực hiện đại trà giữ trẻ ngoài giờ tại các trường mầm non khu công nghiệp, khu chế xuất ở các quận, huyện. Tuy nhiên, trước khi thực hiện đại trà Đề án này thành phố vẫn cần tháo gỡ những vướng mắc về giờ lao động cũng như khung giờ giữ trẻ ngoài giờ để thu hút hơn nữa số lượng trẻ đăng ký giữ trẻ ngoài giờ.
Theo cô Nguyễn Thị Thanh Toàn: Do số lượng trẻ đăng ký giữ ngoài giờ của trường chưa cao nên 20 giáo viên nhân viên của trường có thể chia nhau làm theo ca. Như vậy, thời gian làm thêm giờ cũng giãn ra, nhưng nếu số lượng trẻ tăng lên thì thời gian làm việc của các cô sẽ dày hơn, sẽ vi phạm luật lao động (không được vượt quá nhiều theo giờ làm việc quy định là 200 giờ làm/năm).
Không chỉ vậy, hiện nay số trẻ tham gia hoạt động giữ trẻ ngoài giờ chưa cao vì khung giờ mà thành phố đưa ra là giữ thêm ngày thứ 7 và giữ đến 17 giờ 30 phút các ngày thường chưa phù hợp với giờ làm việc của công nhân. Vì có công ty khi vào thời vụ sẽ cho công nhân tăng ca đến 19, 20 giờ.
Để tháo gỡ những vướng mắc này theo ông Ngô Văn Tuyên, Trưởng phòng Giáo dục & Đào tạo quận Bình Tân, vướng mắc thứ nhất về luật lao động, khi thí điểm có thể “châm chước” về số giờ làm việc của giáo viên nhưng khi thực hiện đại trà, thành phố cần cơ chế riêng cho những trường thực hiện đề án để tránh vi phạm luật lao động.
Vướng mắc về khung giờ giữ trẻ, dù có tăng giờ giữ trẻ ngoài giờ cũng không thể đáp ứng được nhu cầu gửi con của công nhân. Vì mỗi công ty sẽ có thời gian tăng ca khác nhau, có công ty tăng ca đến 18 giờ, 19 giờ nhưng cũng có công ty chỉ làm việc đến 17 giờ là về.
Chỉ có từng trường mầm non ở trong các khu công nghiệp mới hiểu được nhu cầu gửi trẻ của công nhân ở các công ty khác nhau. Do vậy, từng trường có hoạt động giữ trẻ ngoài giờ phải tự khảo sát nhu cầu của phụ huynh để từ đó chủ động đưa ra các khung giờ giữ trẻ hợp lý phù hợp nhu cầu của công nhân. Muốn làm được điều này, các trường cần được thành phố khoán kinh phí để tự điều chỉnh số giờ giữ trẻ, giáo viên…
Ý kiến ()