VOV.VN – Mô hình hợp tác sản xuất góp phần làm thay đổi nhận thức, tư duy mới của nhà vườn để sản xuất ra trái thanh long an toàn, phục vụ xuất khẩu ra các thị trường khó tính.
Quang cảnh nhập hàng sơ chế trái thanh long của HTX.
Tuy mới thành lập chưa được 1 năm, nhưng HTX Nông nghiệp sạch Hưng Thịnh Phát (tại ấp Long Thạnh, xã Quơn Long, huyện Chợ Gạo tỉnh Tiền Giang) đã có những bước đi đúng hướng, thu hút nhiều nhà vườn tham gia mô hình liên kết sản xuất trái thanh long sạch. Mô hình hợp tác sản xuất này đã góp phần làm thay đổi nhận thức, tư duy mới của nhà vườn để sản xuất ra trái thanh long an toàn, phục vụ xuất khẩu ra các thị trường khó tính.
Ông Đặng Hoàng Minh nhà vườn ở ấp Quang Ninh, xã Quơn Long cũng như nhiều nông dân trồng cây thanh long thương phẩm ở địa phương này cho biết, nhờ tham gia HTX Nông nghiệp sạch Hưng Thịnh Phát mà áp dụng thành công mô hình trồng cây theo tiêu chuẩn Viet GAP rồi đến Global GAP; đồng thời được trao đổi, chuyển giao kỹ thuật sản xuất thanh long đạt năng suất, chất lượng để xuất khẩu. Hiện nay, ông Minh đang là tổ trưởng tổ sản xuất của ấp Quang Ninh đã quy tụ được nhiều nhà vườn cùng tham gia mô hình liên kết sản xuất.
“Thời gian trước tôi đã từng tham gia HTX Tổng hợp và sau này là HTX Hưng Thịnh Phát. Vào HTX có lợi nhiều mặt trong sản xuất nông nghiệp, như nâng diện tích cây thanh long lên 7 công, cùng với đó là được chuyển giao khoa học kỹ thuật, áp dụng mô hình VietGAP, GlobalGAP để sản xuất hàng hóa xuất khẩu ra nước ngoài”, ông Minh chia sẻ.
Nhân công lao động tại HTX Nông nghiệp sạch Hưng Thịnh Phát.
Thành lập chưa được 1 năm, nhưng HTX Nông nghiệp sạch Hưng Thịnh Phát đã có chiến lược hoạt động rất mới, phù hợp với tình hình hiện nay; trong đó chú trọng hài hòa quyền lợi giữa Ban Giám đốc HTX và các thành viên.
Cụ thể trong lĩnh vực kinh doanh, phải đảm bảo cho các thành viên của HTX phải có lợi nhuận. Giá trái thanh long đầu vào HTX mua của xã viên luôn cao hơn mức giá thị trường ít nhất 1.000 đồng/kg; không kén chọn, ép giá như một số cơ sở kinh doanh hay doanh nghiệp khác. Các chính sách hỗ trợ của nhà nước đều quan tâm, triển khai đến người trồng cây thanh long… Hoạt động của HTX hướng đến sản phẩm sạch, xâm nhập các thị trường khó tính trong và ngoài nước.
Để đạt mục tiêu đề ra, HTX Nông nghiệp sạch Hưng Thịnh Phát đã xây dựng vùng trồng cây thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP rồi tiến đến Global GAP; tích cực cùng nhau xây dựng thương hiệu. Đến nay, HTX đã quy tụ được 39 thành viên tham gia sản xuất ở 8 tổ hợp tác tại các ấp trong xã Quơn Long. Tổng diện tích vườn cây của xã viên là 132 ha với các loại thanh long ruột trắng, ruột đỏ, ruột tím hồng…
Ngoài sản xuất, sơ chế trái thanh long, HTX Nông nghiệp sạch Hưng Thịnh Phát còn chọn thu mua các loại trái cây khác của nhà vườn trong và ngoài tỉnh như chanh dây, xoài, bưởi… để sơ chế cung ứng cho các đối tác. Trung bình mỗi tháng HTX sơ chế được từ 50-100 tấn trái thanh long, hơn 50 tấn trái cây khác để cung ứng cho các DN xuất khẩu sang Nhật, Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc….. và đưa vào các siêu thị, trung tâm thương mại trong cả nước.
Đặc biệt, nhờ có uy tín và sản phẩm chất lượng nên trong đợt dịch lần thứ 4 bùng phát này, HTX vẫn hoạt động thường xuyên, có đủ nguồn hàng theo hợp đồng với khách hàng và giải quyết việc làm cho hàng chục lao động tại địa phương. Ngoài ra, nhà xưởng, kho lạnh và các phương tiện bốc xếp, vận chuyển hàng hóa của HTX được đầu tư đảm bảo cho việc sản xuất, kinh doanh thuận lợi, giảm được lao động thủ công; trong đó kho lạnh có sức chứa 120 tấn trái cây.
Thanh long được trồng nhiều ở cả hai tỉnh Tiền Giang và Long An
Ông Võ Văn Lập, Chi cục trưởng, Chi cục phát triển nông thôn (thuộc Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang) cho rằng, HTX Nông nghiệp sạch Hưng Thịnh Phát tuy còn non trẻ nhưng hết sức sáng tạo, quy tụ được những nhà vườn tiêu biểu, phát huy được sức mạnh nội lực, tổ chức sản xuất phù hợp với nhu cầu thị trường.
“HTX Hưng Thịnh Phát mới ra đời chuyển từ DN lên có hướng tới ứng dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt để cung ứng cho khách hàng. HTX này có nội lực và phát huy các quy trình bài bản, có vùng nguyên liệu rõ ràng, hạ tầng cơ bản. Vừa qua, HTX đã liên kết với Sở NN&PTNT xây dựng nhà kho chuẩn châu Âu, hỗ trợ HTX mã vùng trồng, hỗ trợ chính sách theo Quyết định 04-06 của UBND tỉnh để mở rộng vùng thâm canh an toàn cho HTX”, ông Lập cho biết.
Với những tâm huyết của Ban Giám đốc và các thành viên cùng sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng, HTX Nông nghiệp sạch Hưng Thịnh Phát đang xây dựng kế hoạch sản xuất- kinh doanh theo chuỗi giá trị.
“HTX cố gắng xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp sạch về trái cây thanh long. Hiện tại, chúng tôi xây dựng lại từ cơ cấu, tổ chức, con người, hệ thống cũng như định vị mã vùng trồng, xác định lại vị trí từng thửa đất của hộ nông dân để xin cấp mã vùng cho sản phẩm xuất khẩu. Khi xin được mã vùng, HTX sẽ thực hiện Chương trình hợp tác tiêu thụ trái thanh long, liên kết với các công ty để sản xuất theo nhu cầu”, ông Nguyễn Trung Quý, Giám đốc HTX Nông nghiệp sạch Hưng Thịnh Phát cho biết thêm.
Có thể nói, mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, hướng đến xuất khẩu ra thị trường khó tính của HTX Nông nghiệp sạch Hưng Thịnh Phát tại xã Quơn Long, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang là hướng đi tất yếu phù hợp với nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế. Với chiến lược sản xuất, kinh doanh bài bản, đúng đắn, tin rằng mô hình sản xuất liên kết này sẽ đạt hiệu quả cao, góp phần làm thay đổi nhận thức, tư duy trong sản xuất trái cây thương phẩm của nhà vườn tại địa phương./.
Nhật Trường/VOV-ĐBSCL
https://vov.vn/kinh-te/mo-hinh-lien-ket-lam-thay-doi-tu-duy-san-xuat-cua-nha-vuon-907775.vov
Ý kiến ()