Thứ Bảy, 23/11/2024 02:43 (GMT +7)

Mùa đông kỳ lạ ở Canada

Thứ 4, 23/12/2015 | 00:00:00 [GMT +7] A  A

Sau nhiều ngày chờ đợi, đến giữa tháng 12 người dân Ottawa mới thấy tuyết rơi. Điều này dường như đang báo hiệu một mùa đông ấm và ngắn nhất từ trước đến nay ở Canada?

Thông thường, ở Canada mùa đông kéo dài từ cuối tháng 11 đến tháng 4 năm sau, độ lạnh phụ thuộc vào tốc độ gió của từng vùng. Gió mạnh từ 60-80km/giờ cùng với nhiệt độ -20oC thì độ lạnh có thể kéo xuống còn -30 đến -35oC. Mùa đông Canada phần lớn đều được phủ một lớp tuyết trắng khắp nơi, càng vùng cao, càng về phía Bắc sẽ càng lạnh và dài hơn.

Mùa đông ấm và ngắn

Mùa đông năm nay, theo những dự đoán của các nhà khí tượng sẽ ấm và không kéo dài. Cho đến giữa tháng 12, khi lễ Giáng sinh đang cận kề, nhưng nhiệt độ trung bình ở Ottawa vẫn luôn giữ ở mức 5-6oC, khác hẳn mọi năm khi thời gian này tuyết đã trắng xoá mặt đất. Theo nhận định của ông Anthony Farnell, Giám đốc khí tượng của đài Global News, đây có thể sẽ là mùa đông ấm kỷ lục ở Canada. 90% lãnh thổ Canada sẽ có nhiệt độ cao hơn nhiệt độ bình thường so với những mùa đông trước.

Sắp đến Giáng Sinh song nhiệt độ ở Ottawa vẫn ở mức 5-6 độ C.

Tại các tỉnh bang miền tây, với gió Chinook (Gió nóng vùng tây nam nước Mỹ) sẽ giúp cho nhiệt độ của bang Alberta cao hơn bình thường khoảng 3oC. Nhiệt độ ở bang Ontario cũng cao hơn nhiệt độ trung bình của các mùa đông năm trước.
Theo các chuyên gia, mùa đông ấm và ngắn là hậu quả trực tiếp của tình trạng biến đổi khí hậu. Tháng trước, các chuyên gia đã công bố một báo cáo về biến đổi khí hậu, trong đó chỉ rõ nhiệt độ tại Canada sẽ tăng thêm 20C vào năm 2020 và tăng thêm 40C vào năm 2050. Dưới tác động của biến đổi khí hậu, lượng mưa tại Canada trong tương lai sẽ có nhiều thay đổi.

Khu vực Bắc Cực sẽ chịu ảnh hưởng rõ rệt nhất với nhiệt độ tăng thêm 4oC vào năm 2020 và 80C vào năm 2050 cùng với lượng mưa tăng thêm tới 20% vào năm 2020 và 40% vào năm 2050. Biến đổi khí hậu sẽ làm gia tăng tình trạng bốc hơi nước và làm giảm lượng tuyết tan chảy, khiến cho nguồn nước ngọt trở nên càng khan hiếm hơn. Mùa hè khô hạn hơn ở khu vực Ontario sẽ làm mực nước của khu hồ Great Lakes giảm.

Tìm cách “cứu” mùa đông

Đứng trước những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, Chính phủ mới của Canada cam kết sẽ có những quyết sách mạnh mẽ trong vấn đề chống biến đổi khí hậu. Động thái trên được đánh giá là nằm trong nỗ lực giải quyết vấn đề môi trường sau gần 2 thập kỷ Canada hầu như không đạt nhiều tiến triển trong việc cắt giảm khí thải carbon.

Trước thềm Hội nghị Liên hợp quốc về chống biến đổi khí hậu tại Paris (COP 21) diễn ra hồi đầu tháng 12 vừa qua, Chính phủ Canada cam kết đóng góp 2,65 tỷ USD trong vòng 5 năm (2016-2021) cho Quỹ chống biến đổi khí hậu Liên Hợp Quốc nhằm giúp các nước đang phát triển ứng phó với những tác động của tình trạng Trái Đất nóng lên. Mức cam kết này tăng gấp đôi so với cam kết của chính phủ tiền nhiệm, cho thấy tân Thủ tướng Canada Justin Trudeau đang nỗ lực lấy lại vai trò là một trong những nước tiên phong chống biến đổi khí hậu toàn cầu.

Trước đó, tại cuộc họp báo đầu tiên sau khi thành lập chính phủ (4/11), Thủ tướng Trudeau khẳng định Canada sẽ là một thành viên quan trọng và có vai trò tích cực trong vấn đề biến đổi khí hậu cũng như những tác động của hiện tượng này, đúng như nguyện vọng của người dân.

Sự thay đổi trong mùa đông năm nay do tác động của biến đổi khí hậu cũng khiến người dân Canada hết sức quan ngại. Hồi cuối tháng 11 vừa qua, hàng chục nghìn người Canada đã đổ về khu vực trung tâm thủ đô Ottawa, khu vực gần Tòa nhà Quốc hội, để bày tỏ ủng hộ đối với cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu. Cuộc tuần hành do nhóm vận động môi trường Ecology Ottawa tổ chức và là cuộc tuần hành có quy mô lớn nhất từ trước tới nay tại thủ đô Ottawa với 25.000 người tham gia, kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới cam kết sử dụng 100% năng lượng tái tạo vào năm 2050.

Trường Giang (P/v TTXVN tại Canada)

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu