Theo ông Blinken, Nhà Trắng đã phối hợp với các ủy ban quan trọng trong Quốc hội Mỹ để thúc đẩy lệnh cấm này.
Reuters dẫn một nguồn tin quen thuộc với các cuộc thảo luận cho biết, châu Âu dù phụ thuộc vào nguồn dầu thô và khí đốt tự nhiên của Nga nhưng đã trở nên cởi mở hơn với ý tưởng cấm nhập khẩu 2 sản phẩm này trong 24 giờ qua. Còn Chủ tịch Hạ viện Mỹ nói rằng, cơ quan này đang xem xét dự luật cấm nhập khẩu dầu của Nga và trong tuần này Quốc hội Mỹ dự định ban hành khoản viện trợ 10 tỷ USD cho Ukraine.
Trước đó hôm 3/3, một nhóm thượng nghị sỹ lưỡng đảng Mỹ đã đưa ra dự luật cấm Mỹ nhập khẩu dầu của Nga. Dự luật đã nhanh chóng được xem xét và có thể trở thành phương tiện để áp đặt lệnh trừng phạt.
Sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine, Nhà Trắng đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với việc xuất khẩu công nghệ cho nhá máy lọc dầu của Nga và dự dán Dòng chảy phương Bắc 2. Tuy vậy, Mỹ vẫn chưa trừng phạt lĩnh vực xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt của Nga do lo ngại ảnh hưởng tiêu cực đối với thị trường dầu mỏ trên toàn cầu và giá năng lượng của Mỹ.
Mỹ đến nay vẫn là nước tiêu thụ nhiều xăng dầu nhất thế giới. Chính vì vậy, giá các mặt hàng này tăng cao sẽ đặt ra nhiều thách thức đối với quốc gia này. Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA), Mỹ nhập khẩu trung bình hơn 20,4 triệu thùng sản phẩm thô và tinh chế mỗi tháng vào năm 2021 từ Nga, chiếm khoảng 8% lượng nhiên liệu lỏng nhập khẩu của Mỹ.
Trước đó hôm 5/3, hãng tin Sputnik dẫn lời người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng một lệnh cấm vận tiềm tàng đối với dầu mỏ Nga sẽ tác động nghiêm trọng tới thị trường năng lượng toàn cầu./.
Ý kiến ()