Thứ Bảy, 30/11/2024 11:39 (GMT +7)

Năm 2018, lãi suất cho vay có thể ổn định hoặc giảm nhẹ

Thứ 5, 28/12/2017 | 15:42:00 [GMT +7] A  A

Lãi suất cho vay năm qua có giảm nhưng chưa được như kỳ vọng vì nợ xấu vẫn là rào cản lớn. Năm 2018, lãi suất sẽ có xu hướng như thế nào để các doanh nghiệp yên tâm sản xuất, đầu tư mở rộng kinh doanh? Ông Trương Văn Phước – Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính (UBGSTC) Quốc gia đã trả lời báo giới xung quanh vấn đề này.

Thưa ông, từ đầu năm, Chính phủ đã có chủ trương giảm lãi suất để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Ông đánh giá như thế nào về diễn biến lãi suất cho vay trong năm 2017?

Ông Trương Văn Phước-Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia. Ảnh: Minh Phương/Báo Tin tức.

Lãi suất bao giờ cũng có yếu tố tham chiếu quyết định đó là lạm phát. Trong 3, 4 năm nay, lạm phát của Việt Nam đã duy trì ở mức thấp, tăng trưởng kinh tế cao, phản ánh rõ nét về sự ổn định nền kinh tế vĩ mô. Nền kinh tế Việt Nam sức cạnh tranh còn yếu nên chi phí sản xuất là yếu tố rất quan trọng trong sản xuất kinh doanh. Lãi suất cho vay trong năm qua đã giảm nhưng chưa được như mong đợi do nhiều nguyên nhân. Nợ xấu còn cao (theo tính toán của cơ quan này, tỷ lệ nợ xấu của ngành ngân hàng là 9,5%-PV) nên các ngân hàng đã phải trích lập dự phòng rủi ro, lấy lợi nhuận để bù đắp khoản vốn bị mất. Điều này đã khiến lãi suất cho vay khó giảm nhiều, tuy nhiên cũng phải ghi nhận, ngành ngân hàng đã cố gắng giảm lãi suất.

Lãi suất huy động bình quân khá ổn định. Lãi suất huy động VNĐ kỳ hạn trên 12 tháng phổ biến ở mức 6,4-7,2%. Lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên đã giảm khoảng 0,5-1% so với đầu năm. Đối với khu vực sản xuất kinh doanh thông thường, lãi suất cho vay ở mức 6,8-11%/năm.
Mặc dù thanh khoản hệ thống khá tốt, các điều kiện vĩ mô tương đối thuận lợi, lãi suất có tín hiệu giảm nhưng chưa như kỳ vọng. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này là: Thứ nhất, thị trường tiền gửi và thị trường liên ngân hàng kém liên thông. Lãi suất liên ngân hàng duy trì ở mức khá thấp trong khi lãi suất trên thị trường tiền gửi giảm không nhiều, do thanh khoản dồi dào trên thị trường tập trung chủ yếu ở các tổ chức tín dụng lớn.
Lãi suất huy động trong năm qua không giảm vì chúng ta có nhu cầu vốn lớn. Thị trường bất động sản đã khởi sắc nên nhiều người rót tiền để đầu tư hay đầu tư chứng khoán.
Thứ hai, nợ xấu vẫn là rào cản lớn cho việc hạ lãi suất trong khi tỷ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM) của các tổ chức tín dụng vẫn còn ở mức khiêm tốn so với các nước trong khu vực. Tôi cho rằng, mặc dù lạm phát lạm phát thấp nhưng lãi suất có giảm, nhưng chưa mong đợi là do các yếu tố đó.
Dự báo năm tới, chúng ta cũng có thể có những điều kiện để giảm thêm lãi suất, nhưng tôi chắc là không nhiều. Nguồn cung cơ bản đó là cầu tín dụng nội địa còn lớn nên năm tới, lãi suất có thể ổn định, có thể giảm nhẹ.
Ông đánh giá như thế nào về mức dự trữ ngoại hối của Việt Nam đạt mức cao kỷ lục 47 tỷ USD?
Nguồn dự trữ ngoại hối dồi dào thể hiện nhiều ý nghĩa, đó là nền kinh tế mở cho Việt Nam thu hút các dòng vốn đầu tư trực, gián tiếp vào rất nhiều. Điều đó thể hiện niềm tin của các nhà đầu tư vào Việt Nam ngày một lớn.
Cán cân thanh toán tổng thể tiếp tục thặng dư nhờ: Cán cân thương mại tiếp tục xuất siêu; cán cân vốn và tài chính năm 2017 ước thặng dư ở mức khá cao (dự báo ở mức 4,03% GDP). Mục tiêu của Việt Nam năm nay nhập siêu vừa phải nhưng năm nay chúng ta đã đạt xuất siêu, lượng chuyển tiền kiều hối về đạt ở mức cao.
Thực ra, mức 47 tỷ USD, khả năng hết năm là 50 tỷ USD là mức mà chúng ta không mong muốn năm nay và dự kiến cho 2 năm tới. Dự trữ ngoại hối tăng có thể tạo dựng lòng tin cho nhà đầu tư về nền kinh tế và hệ thống ngân hàng và lợi thế khi Việt Nam thực hiện chính sách, kể cả tỷ giá hối đoái và thị trường vốn.
Theo đánh giá của UBGSTC Quốc gia, năm 2017, tỷ giá USD/VND khá ổn định. Tính đến tháng 12/2017, tỷ giá trung tâm ước tăng khoảng 1,5-1,7% so với đầu năm. Trong khi đó, tỷ giá ngân hàng thương mại giảm khoảng 0,2%, tỷ giá thị trường tự do giảm khoảng 1,5% so với đầu năm. Nguyên nhân khiến tỷ giá tương đối ổn định: Thứ nhất, đồng USD mất giá trên thị trường quốc tế (chỉ số USD Index giảm 9,1% so với đầu năm) bất chấp Fed tăng lãi suất nhiều lần do tác động của chính sách chống thâm hụt thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Thứ hai, chênh lệch lãi suất VND và USD vẫn còn ở mức lớn (khoảng 6-7%) nghiêng về việc nắm giữ VND. Huy động ngoại tệ tăng thấp, ước tăng 4% so với cuối năm 2016, trong khi NHNN mua được khoảng 7 tỷ USD từ hệ thống ngân hàng. Do vậy, có thể có một lượng lớn ngoại tệ được tổ chức kinh tế và cá nhân bán và chuyển sang VND.
Tín dụng có thể tăng trưởng ở mức ra sao trong năm tới, thưa ông?
Tính đến cuối năm 2017, tốc độ tăng trưởng tín dụng đạt 18,1%. Dự báo trong năm tới, tăng trưởng tín dụng tiếp tục tăng ở mức 18-19%/năm, thậm chí là 20% thì vẫn ở mức an toàn, không tác động nhiều tới nền kinh tế vĩ mô.
Tuy nhiên, chúng ta cũng phải lưu tâm đến việc để dòng vốn tín dụng đi vào đúng địa chỉ các ngành nghề sản xuất, kinh doanh, không bị lệch lạc trong thị trường để sinh ra những ‘”cơn sốt” nóng, ví dụ như đầu cơ bất động sản, chứng khoán. Việc phân bổ tín dụng mức độ nào, liều lượng ra sao để tương quan với các thị trường khác là bài toán hết sức khó khăn.
Nhưng tôi tin rằng, chúng ta đã có kinh nghiệm rồi, việc áp dụng công cụ trong điều hành chính sách tiền tệ để điều tiết cung ứng vốn cho nền kinh tế và hướng các dòng vốn đó. Dĩ nhiên, Ngân hàng Nhà nước phải sử dụng nhiều cách thức, ví dụ tính toán hệ sống rủi ro khi huy động chứng khoán, tín dụng tiêu dùng, bất động sản để có hệ số điều tiết, đảm bảo chỉ số an toàn trong tín dụng theo chuẩn mực quốc tế.

Xin chân thành cảm ơn ông!

Minh Phương/Báo Tin tức ((Thực hiện)

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu