Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Hai, 25/11/2024 14:31 (GMT +7)
Nâng giá thu mua giúp phục hồi vùng mía nguyên liệu
Thứ 5, 14/10/2021 | 16:09:00 [GMT +7] A A
Ngành mía đường Việt Nam đang trong giai đoạn chuẩn bị cho vụ trồng mới Đông Xuân và vụ ép mía 2021-2022.
Nông dân huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh thu hoạch mía. Ảnh: Thanh Hòa/TTXVN
Niên vụ 2021-2022 dự báo sẽ là một năm khởi sắc của ngành đường Việt Nam sau khi Bộ Công Thương có quyết định áp dụng thuế chống bán phá giá chống trợ cấp chính thức đối với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan. Bởi vậy, Hiệp hội Mía đường Việt Nam đã có văn bản gửi các hội viên khuyến cáo giá mua mía cho vụ ép 2021-2022.
Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, với biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp được áp dụng, thị trường đường trong nước sẽ có một mặt bằng giá mới, phản ánh chi phí sản xuất đường trong điều kiện cạnh tranh công bằng.
Ban Chấp hành Hiệp hội Mía đường Việt Nam đã thảo luận và thống nhất cao về định hướng phục hồi vùng nguyên liệu mía trong thời gian sắp tới thông qua việc nâng cao giá mua mía cho nông dân. Tùy vào hoàn cảnh thực tế tại địa phương, trong bối cảnh các chi phí đầu vào tăng cao, các nhà máy đường cần sớm xem xét hiệp thương với nông dân trồng mía và địa phương, điều chỉnh tăng giá mua mía cho vụ mới, sao cho giá mua mía bảo đảm người nông dân bù đắp đủ chi phí có thu nhập đủ sống với cây mía. Từ đó, giúp người nông dân yên tâm phát triển cây mía, phục hồi vùng nguyên liệu.
Giá mía cũng cần xây dựng bảo đảm cho người nông dân có thu nhập tương đương hoặc cao hơn so với cây trồng cạnh tranh chính tại địa phương. Có như vậy, người nông dân mới có thể an tâm tiếp tục đồng hành cùng các nhà máy đường trong việc phát triển, phục hồi diện tích trồng mía và ngành mía đường Việt Nam.
Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho rằng, việc nâng giá mía là biện pháp củng cố và phát triển chuỗi liên kết trong sản xuất mía đường và đồng thời thể hiện sự chia sẻ, đồng hành với người nông dân sau những vụ mía liên tiếp gặp khó khăn trong giai đoạn vừa qua.
Cùng với đó, Hiệp hội Mía đường Việt Nam cũng có văn bản gửi UBND các tỉnh có trồng mía về hiệp thương giá mua mía cho vụ ép 2021-2022. Hiệp hội Mía đường Việt Nam đề nghị UBND các tỉnh hỗ trợ các nhà máy đường trong việc hiệp thương với nông dân trồng mía và địa phương trong việc xây dựng giá mua mía bảo đảm lợi ích hài hòa cho các bên và cho người nông dân. Đồng thời, đảm bảo cho nông dân có thu nhập tương đương hoặc cao hơn so với cây trồng cạnh tranh chính tại địa phương.
Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết, niên vụ 2020-2021, mặc dù giá mía nguyên liệu có tăng khoảng từ 150.000 – 200.000 đồng/tấn so với niên vụ trước, nhưng vẫn là năm khó khăn chung của ngành mía đường. Nông dân không mặn mà với cây mía, bỏ mía không đầu tư chăm sóc hoặc chuyển đổi sang trồng cây khác dẫn đến năng suất, chất lượng và sản lượng mía đều giảm so với niên vụ trước.
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, tổng hợp từ số liệu của các địa phương có nhà máy đường, tổng diện tích trồng mía vụ 2020-2021 là 152.891 ha, giảm 16,27% so với vụ 2019-2020. Năng suất mía bình quân vụ đạt 63 tấn/ha, dẫn tới sản lượng mía vụ này chỉ đạt trên 9,635 triệu tấn, giảm 14,24% so với vụ 2019-2020.
https://baotintuc.vn/kinh-te/nang-gia-thu-mua-giup-phuc-hoi-vung-mia-nguyen-lieu-20211014114301228.htm
Ý kiến ()