Thứ Năm, 28/11/2024 02:31 (GMT +7)

Năng suất lao động của Việt Nam vẫn ở mức rất thấp

Thứ 5, 28/12/2017 | 15:38:00 [GMT +7] A  A

VOV.VN – Mức năng suất lao động của Việt Nam hiện nay vẫn rất thấp so với nhiều nước trong khu vực như Singapore, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Lào…VOV.VN – Mức năng suất lao động của Việt Nam hiện nay vẫn rất thấp so với nhiều nước trong khu vực như Singapore, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Lào...

Số liệu mới công bố của Tổng cục Thống kê cho thấy, mức năng suất lao động của Việt Nam hiện nay vẫn rất thấp và tiếp tục gia tăng khoảng cách so với nhiều nước trong khu vực.

nang suat lao dong cua viet nam van o muc rat thap hinh 1
Năng suất lao động của Việt Nam vẫn ở mức rất thấp (Ảnh minh họa)

Tại họp báo chiều 28/12 về tình hình kinh tế – xã hội năm 2017, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho biết, năng suất lao động toàn nền kinh tế theo giá hiện hành năm 2017 ước tính đạt 93,2 triệu đồng/lao động (tương đương khoảng 4.159 USD/lao động).

Tính theo giá so sánh năm 2010, năng suất lao động toàn nền kinh tế năm 2017 tăng 6% so với năm 2016, bình quân giai đoạn 2011-2017 tăng 4,7%/năm.

Theo ông Lâm, năng suất lao động (NSLĐ) của Việt Nam thời gian qua tuy có sự cải thiện đáng kể theo hướng tăng đều qua các năm và là quốc gia có tốc độ tăng NSLĐ cao trong khu vực ASEAN nhưng mức NSLĐ của Việt Nam hiện nay vẫn rất thấp so với nhiều nước trong khu vực.

Đáng chú ý là chênh lệch về NSLĐ giữa Việt Nam với các nước vẫn tiếp tục gia tăng. Tính theo sức mua tương đương năm 2011, năng suất lao động của Việt Nam năm 2016 đạt 9.894 USD, chỉ bằng 7,0% của Singapore; 17,6% của Malaysia; 36,5% của Thái Lan; 42,3% của Indonesia; 56,7% của Philippines và bằng 87,4% NSLĐ của Lào.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho rằng, cuộc cách mạng khoa học công nghệ lần thứ 4 tạo ra xu hướng tự động hoá, trao đổi dữ liệu trong sản xuất và khiến Việt Nam có nguy cơ tụt hậu mãi so với các nước phát triển. Các nhà kinh tế đánh giá, nếu Việt Nam không cố gắng vượt bậc sẽ không bao giờ đuổi kịp các nước phát triển, đây là một trong những thách thức lớn nhất với Việt Nam.

Tổng cục Thống kê cho rằng, cơ quan quản lý, các bộ ngành, lãnh đạo địa phương cần tiếp tục cải cách thể chế, môi trường kinh doanh. Đặc biệt giải pháp để nâng cao năng suất lao động phải đặt lên hàng đầu. Đồng thời, nghiên cứu kỹ các nội hàm, phương thức vận hành của cách mạng 4.0 để hoà chung vào dòng chảy thế giới./.

Trần Ngọc/VOV.VN

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu