Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Hai, 25/11/2024 06:53 (GMT +7)
Ngăn chặn ‘kẻ hủy diệt’ mang tên khói thuốc
Thứ 6, 31/05/2019 | 15:21:00 [GMT +7] A A
3,3 triệu là số người hút thuốc lá và tiếp xúc với khói thuốc lá tử vong trong năm 2017 do các bệnh liên quan đến phổi. Các nghiên cứu chỉ ra rằng hút thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây ra những căn bệnh khó chữa trị này.
Nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng và kêu gọi các nỗ lực phòng, chống tác hại của thuốc lá đối với lá phổi cũng như sức khỏe của con người, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã chọn chủ đề “Thuốc lá và các bệnh về phổi” cho Ngày Thế giới không thuốc lá (31/5) năm nay.
3,3 triệu là số người hút thuốc lá và tiếp xúc với khói thuốc lá tử vong trong năm 2017. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Phổi là bộ phận có vai trò quan trọng trong việc trao đổi khí cho cơ thể khi hai lá phổi chứa được trung bình khoảng 6 lít không khí. Ngoài ra, phổi còn giúp cơ thể chuyển hóa một vài chất sinh hóa và lọc một số độc tố trong máu. Tuy nhiên, bộ máy lọc khí này có nguy cơ bị hủy hoại bởi những chất độc hại, đặc biệt là những chất có trong khói thuốc lá.
Giới chuyên gia cho biết khói thuốc chứa tới hơn 7.000 chất độc hại, trong đó có 69 chất được cho là gây ung thư. Khói thuốc gây ô nhiễm không khí trong nhà và có thể tồn tại trong không khí đến 5 giờ đồng hồ, khiến những người tiếp xúc có nguy cơ mắc ung thư phổi, suy giảm chức năng phổi và các bệnh hô hấp mãn tính.
Theo WHO, mỗi năm thuốc lá cướp đi sinh mạng của ít nhất 8 triệu người trên thế giới. Hàng triệu người khác sống chung với ung thư phổi, bệnh lao, hen suyễn hoặc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính do thuốc lá.
Thống kê cho thấy 90% trong số trên 600.000 người mắc ung thư phổi hằng năm trên thế giới hút thuốc lá trong khi đây là dạng ung thư gây tử vong phổ biến nhất. Những người hút thuốc có nguy cơ mắc ung thư phổi cao gấp 22 lần so với người bình thường.
Hút thuốc còn là nguyên nhân của 75% các ca bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Cứ 5 người hút thuốc thì có một người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
Không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người hút thuốc, thuốc lá còn tác động ghê gớm đến những người xung quanh tiếp xúc với khói thuốc – những người được coi là bị hút thuốc lá “thụ động”.
Những người hút thuốc thụ động có nguy cơ mắc ung thư phổi cao hơn 30%. Trẻ sơ sinh tiếp xúc với khói thuốc lá từ khi còn trong bụng mẹ, thường gặp phải những vấn đề về sự phát triển và suy giảm chức năng của phổi. Trẻ nhỏ hút thuốc lá thụ động có nguy cơ mắc hoặc làm tăng mức độ nặng của bệnh hen, viêm phổi, viêm phế quản, cũng như các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp dưới.
Trên thế giới, khoảng 165.000 trẻ tử vong trước 5 tuổi do các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp dưới do hút thuốc lá thụ động. Nghiên cứu cũng cho thấy những người hút thuốc lá còn có nguy cơ mắc lao cao gấp 2 lần so với những người không hút thuốc.
Biện pháp hiệu quả nhất nhằm bảo vệ phổi cũng như sức khỏe của bản thân và những người xung quanh là nói không với thuốc lá. Nguy cơ mắc ung thư phổi có thể giảm nếu người nghiện thuốc từ bỏ thói quen xấu này.
Theo nghiên cứu, nguy cơ mắc ung thư phổi ở những người hút thuốc lá giảm 50% sau 10 năm cai thuốc lá. Ngừng sử dụng thuốc lá cũng giúp làm chậm diễn tiến bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và giảm các triệu chứng hen suyễn.
Với thông điệp ý nghĩa của ngày 31/5 năm nay, WHO khuyến khích các chính phủ trên thế giới tổ chức các chiến dịch nhằm nâng cao nhận thức về tác hại của thuốc lá đối với phổi và tuyên truyền vai trò quan trọng của phổi đối với sức khỏe của con người.
Các chiến dịch toàn cầu cũng đem đến một thông điệp biến lời nói thành hành động, cụ thể là các chính phủ cần những chính sách giảm tiêu thụ thuốc lá và thu hút các cá nhân, tổ chức ở mọi ngành nghề tham gia phong trào phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Theo đó, cơ quan y tế của Liên hợp quốc hối thúc các nước triển khai đầy đủ gói biện pháp kiểm soát thuốc lá MPOWER đã chứng tỏ hiệu quả trong khuôn khổ Công ước Khung về Kiểm soát thuốc lá (FCTC).
WHO khuyến cáo các chính phủ và cộng đồng trên thế giới nên ưu tiên kiểm soát thuốc lá để đạt được Mục tiêu phát triển bền vững (SDG), trong đó có mục tiêu đến năm 2030 giảm 1/3 số ca tử vong sớm do các bệnh không truyền nhiễm (NCD).
Thực tế, nhiều tổ chức quốc tế và chính phủ đã sớm triển khai những biện pháp hữu hiệu nhằm hạn chế nhu cầu sử dụng thuốc lá. FCTC ra đời từ năm 2005 và đến nay đã được 180 quốc gia thông qua kêu gọi các nước cấm hoạt động quảng cáo, tài trợ cũng như tăng thuế đối với thuốc lá nhằm kiểm soát “nạn dịch” đang lan tràn. Tại châu Á, Singapore là quốc gia đầu tiên tại châu Á ban hành lệnh cấm quảng cáo, tài trợ và khuyến mại thuốc lá từ năm 1971.
Australia trở thành nước đầu tiên trên thế giới ban hành Luật Bao bì thuốc lá đơn giản năm 2011. Tiếp đó, quy định về bao bì này cũng được thông qua tại một số nước khác như Pháp, Anh, Ireland, Hungary, New Zealand, Na Uy và Slovenia.
Những năm trở lại đây, đã có thêm nhiều nước trên thế giới thông qua các chính sách kiểm soát thuốc lá như bao bì đơn giản, tăng cường hình cảnh báo tác hại thuốc lá trên bao bì, đánh thuế cao với các sản phẩm thuốc lá, cấm hút thuốc nơi công cộng…
Những chính sách hạn chế sử dụng thuốc lá đã chứng tỏ tác dụng đáng kể. Theo báo cáo do WHO công bố hồi năm ngoái, tỷ lệ người hút thuốc trên toàn cầu đã giảm từ 27% năm 2000 xuống còn 20% năm 2016.
Một số nghiên cứu cũng cho thấy việc sử dụng thuốc lá đã giảm tại nhiều nước trên thế giới như Australia, Brazil, Anh nhờ áp dụng các biện pháp hạn chế người dân sử dụng những sản phẩm thuốc lá. Chính phủ Pháp thông báo số người hút thuốc mỗi ngày năm 2017 ít hơn 1 triệu người so với năm 2016.
Mặc dù thói quen hút thuốc đã giảm đáng kể từ năm 2000, tuy nhiên WHO cho rằng vẫn chưa đủ để đạt mục tiêu phát triển bền vững. Do dân số tăng, số người hút thuốc năm 2018 duy trì ở mức khá ổn định khoảng 1,1 tỷ người.
Tại một số nước, nhất là những nước kém phát triển, một bộ phận không nhỏ người dân, đặc biệt những người nghiện thuốc lá, vẫn chưa nhận thức đầy đủ về tác hại khôn lường của thuốc lá đối với phổi cũng như sức khỏe.
Vì thế, Ngày Thế giới không thuốc lá năm nay cũng là dịp để các cá nhân, tổ chức cùng lên tiếng cảnh báo về hiểm họa đối với sức khỏe toàn cầu, và cũng là cơ hội tác động đến các cơ quan chức năng hướng tới triển khai các biện pháp hữu hiệu hạn chế các sản phẩm thuốc lá.
Thông điệp của ngày 31/5 năm nay lan tỏa, thôi thúc các cá nhân xây dựng lối sống lành mạnh không khói thuốc nhằm bảo vệ lá phổi của chính bản thân, gia đình và cộng đồng, để mỗi ngày đều trở thành Ngày Thế giới không thuốc lá.
Ý kiến ()