Chủ Nhật, 24/11/2024 01:10 (GMT +7)

Ngày Du lịch thế giới 27/9: Tạo cơ hội việc làm, không để ai bị tụt hậu

Thứ 3, 24/09/2019 | 15:00:00 [GMT +7] A  A

Thông tin từ Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) ngày 24/9 cho biết: Tổng Thư ký Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) Zurab Pololikashvili đã đưa ra thông điệp chủ đề của Ngày Du lịch thế giới (27/9) năm nay là “Du lịch và việc làm – Tương lai tươi sáng cho tất cả”.

Hướng dẫn viên đang giới thiệu tại một điểm tham quan tại Đà Nẵng. Ảnh: Báo Tin tức

Ông Zurab Pololikashvili viết: Du lịch có thể giúp chúng ta xây dựng một tương lai tươi sáng hơn cho tất cả mọi người. Trên khắp thế giới, du lịch đem lại nguồn việc làm hàng đầu, cung cấp nhiều triệu việc làm, thúc đẩy kinh tế phát triển cả ở cấp địa phương và quốc gia. Việc làm trong ngành du lịch đem đến cho phụ nữ, thanh niên và các cá nhân ở nông thôn cơ hội hỗ trợ bản thân, gia đình, hòa nhập sâu rộng hơn vào xã hội… Nếu được quản lý tốt, sự tăng trưởng liên tục của ngành du lịch sẽ đem đến cơ hội và cho phép du lịch thực hiện trách nhiệm xã hội toàn cầu của mình, không để bất cứ ai tụt hậu với thế giới.

Tổng Thư ký Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) Zurab Pololikashvili nêu rõ: Du lịch đang dẫn đầu trong việc cung cấp cho người lao động những kỹ năng và kiến thức cần thiết cho tương lai. Cập nhật và sáng tạo, hợp tác hiệu quả với các đối tác trong lĩnh vực công nghệ và các cơ sở đào tạo… sẽ góp phần tạo ra ngày càng nhiều việc làm với chất lượng tốt hơn trong ngành du lịch.

Theo thống kê sơ bộ, Việt Nam hiện có khoảng 1,3 triệu lao động phục vụ trong lĩnh vực du lịch (chiếm 2,5% tổng số lao động trong cả nước) nhưng có khoảng 20% chỉ được huấn luyện tại chỗ, chưa qua đào tạo chính quy, chuyên nghiệp.

Thông tin từ Tổng cục Du lịch cho thấy, mỗi năm toàn ngành cần khoảng 40.000 lao động, nhưng thực tế lượng sinh viên ra trường mỗi năm chỉ đạt khoảng 15.000 người, hơn 12% trong số này có trình độ cao đẳng, đại học trở lên. Dù được đào tạo chính quy nhưng khi được tuyển dụng, hầu hết doanh nghiệp du lịch phải đào tạo lại để nhân lực đáp ứng được yêu cầu công việc bởi nhiều sinh viên sau khi ra trường còn yếu về chuyên môn nghề nghiệp, đặc biệt là khả năng ngoại ngữ.

Hiện tại, cả nước có 346 cơ sở đào tạo về du lịch các cấp từ sơ cấp đến bậc đại học. Dự báo đến năm 2020, cả nước cần khoảng 2,5 triệu lao động trực tiếp làm việc trong các cơ sở dịch vụ du lịch, đó là chưa kể đến số lượng lớn lao động cung cấp cho loại hình du lịch tàu biển.

Theo đánh giá của các chuyên gia: Ngành du lịch vẫn còn bất cập trong khâu tổ chức đào tạo và phát triển nguồn nhân lực. Trong đó, quy mô đào tạo có tăng mạnh nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của thực tế. Hệ thống giáo trình thiếu cập nhật, chưa thực sự phù hợp với thực tiễn, nặng về lý thuyết trong khi ngành du lịch đòi hỏi thời gian thực tập nhiều hơn; chưa có sự liên kết chặt chẽ, đồng bộ giữa nhà trường, doanh nghiệp trong đào tạo…

Các chính sách và hành lang pháp lý cho việc tổ chức đào tạo cũng cần được đổi mới, nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của ngành.

Theo Thanh Giang (TTXVN)

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu