Thứ Ba, 26/11/2024 01:56 (GMT +7)

Nghệ nhân thổi hồn cho hoa giấy Thanh Tiên

Thứ 3, 08/08/2017 | 10:14:00 [GMT +7] A  A

Nghệ nhân, họa sĩ Thân Văn Huy đã phục chế thành công nghề hoa sen giấy từ nguyên liệu hoa giấy Thanh Tiên, được ví như người “thổi hồn” cho hoa giấy Thanh Tiên phục hồi.

Sau khi được Hiệp hội Du lịch Việt Nam trao giải thưởng “Điểm đến hấp dẫn nhất Việt Nam” vào năm 2015, làng hoa giấy Thanh Tiên, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên – Huế càng được biết đến nhiều hơn, thu hút du khách trong và ngoài nước đến tham quan, mua sắm hàng lưu niệm.

Đối với làng nghề hoa giấy Thanh Tiên, vai trò nghệ nhân hết sức quan trọng trong việc chế tác mẫu hoa, mô phỏng các loài hoa tự nhiên như: Hoa bìm bìm (hoa loa kèn), hoa cúc đơn, hoa cúc kép, hoa mắm nêm, hoa tường vi, hoa quỳ cho thợ làm hoa giấy. Nghệ nhân, họa sĩ Thân Văn Huy đã phục chế thành công nghề hoa sen giấy từ nguyên liệu hoa giấy Thanh Tiên, được ví như người “thổi hồn” cho hoa giấy Thanh Tiên phục hồi và tìm được chỗ đứng trên thị trường.

Ông Thân Văn Huy giới thiệu với du khách nước ngoài về kỹ thuật làm hoa sen giấy. Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN

Theo nghệ nhân Thân Văn Huy, không riêng gì người dân xứ Huế, du khách đến đây đều ngưỡng mộ trước sự tài hoa, khéo léo và nghệ thuật làm hoa sen giấy của làng hoa Thanh Tiên. Một bó hoa sen gồm hoa, lá, nụ đứng ở tầm xa khoảng vài mét cứ ngỡ là bó hoa sen thật. Sản phẩm hoa sen giấy Thanh Tiên đã được quảng bá không chỉ trong nước, mà còn được giới thiệu ra các nước châu Âu, châu Mỹ… Khi hoa sen ra đời, nghệ thuật làm hoa giấy ở Thanh Tiên, từ chỗ chỉ làm các loại hoa (chủ yếu để thờ cúng) buôn bán cung cấp cho thị trường tại chỗ, đã vươn ra khỏi lũy tre làng.

Hiện hoa sen giấy Thanh Tiên đã trở thành biểu tượng đặc trưng trong các lễ hội lớn như Festival Huế, lễ hội áo dài Minh Hạnh, các chương trình giao lưu văn hóa nghệ thuật và được trưng bày ở Đại Nội – Huế, ở Nhà lưu niệm Bác Hồ ở Dương Nổ, nhà lưu niệm Nguyễn Chí Diểu (Thanh Tiên, Phú Mậu, Phú Vang). Tại các kỳ Festival Huế với chủ đề ” Sắc màu Thanh Tiên”, nghệ nhân Than Văn Huy đã liên tục tổ chức tại nhà của mình từ năm 2006 – 2008 – 2010 – 2012 – 2014; và hai kỳ Festival nghề truyền thống Huế với chủ đề “Tinh Hoa nghề Việt” vào các năm 2013 – 2015.

Sau nhiều kỳ Festival, với kiến thức và kỹ năng của một họa sĩ có nhiều tác phẩm về hoa sen, nghệ nhân Thân Văn Huy đã tự tìm tòi, sáng tạo để có một bộ hoa sen hoàn chỉnh như hiện nay có đủ hoa, lá, thân và đài sen. Tuy nhiên, để có được một bộ hoa sen hoàn chỉnh như hiện nay là cả một thời gian dài nhiều năm cần cù, vận dụng kiến thức, tìm tòi và sáng tạo để hoàn chỉnh kỹ thuật, mỹ thuật.

Chia sẻ các bí quyết để làm nên sản phẩm, nghệ nhân Thân Văn Huy cho biết, trước hết là chế tạo dụng cụ, tạo nếp gấp cho giấy đều, nhỏ, không bị lỗi, liên kết nếp và cánh hoa không bị thô, ráp; phối màu để màu hoa gần với tự nhiên, không bị bầm, không bị hoe, không bị úa. Chẳng hạn phối màu để có một lá sen trưởng thành, úa vàng ngã màu từ xanh, vàng, đỏ, tía, và lá sen ở giai đoạn gần như hoại tử…

Theo nghệ nhân Thân Văn Huy, để có một bộ hoa sen hoàn chỉnh như hiện nay, ngoài việc đòi hỏi nghệ nhân phải tìm tòi, sáng tạo, có nhiều kiến thức, cần cù, nhẫn nại để phát hiện ra kỷ thuật và quan trọng hơn là cái “tâm” của người thợ thủ công đối với nghề, đó là “làm ra đóa sen này, mong sẽ được tỏa đi khắp muôn phương, đem lại bình an, thanh tịnh cho mọi người”.

Nghệ nhân Thân Văn Huy nổi tiếng với các tác phẩm thiết kế và chế tác tiêu biểu: Hoa sen đại (có đường kính 20cm); hoa sen lớn (đường kính 15cm); hoa sen nhỏ và hoa sen tiểu (đường kính 10cm – 7cm); hoa sen ngũ sắc; hoa sen năm màu (kết thành một hoa sen); hoa sen điện bóng lồi; hoa sen điện có nhụy (bóng đèn lép dấu trong đài sen); hoa sen nở có đài (nhiều kích cỡ); lá sen cuốn; lá sen úa; hoa hồng hoang; cùng các tác phẩm sắp đặt “Hoa trái mùa”; “Hồ sen”; “Ao sen”.

Sản phẩm hoa sen giấy do nghệ nhân Thân Văn Huy làm. Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN

Hoa sen bằng giấy được người dân làng Thanh Tiên, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên – Huế làm cách đây 50 năm, tuy nhiên do vật liệu không hợp với thời tiết nên chỉ một, hai năm sau đã bị mai một, thất truyền. Học hỏi kinh nghiệm từ những người làm nghề trước đây, lại vốn là một họa sĩ, nên họa sĩ Thân Văn Huy đã nhanh chóng nắm bắt, tìm hiểu nhằm phục hồi cách làm hoa sen từ giấy sao cho tạo hình của hoa gần với tự nhiên nhất. Ông đã tìm ra loại giấy thích hợp, chịu đựng được nắng mưa cũng như cách nhuộm màu để hoa sen giấy đạt được màu sắc y như thật.

Vì lẽ đó, nghệ nhân Thân Văn Huy được Xác lập kỷ lục Việt Nam cho người đầu tiên phục hồi làm hoa sen bằng giấy; được tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch vì đã có thành tích tham gia đóng góp và thành công của triển lãm và lấy ý kiến nhân dân về “Quốc Hoa” Việt Nam; Bằng khen của Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh về những đóng góp tích cực cho triển lãm và lấy ý kiến nhân dân về “Quốc Hoa” Việt Nam, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; giải Nhì và giải Ba sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Thừa Thiên – Huế các năm 2011, 2013; cùng nhiều giải thưởng, chứng nhận khác.

Hiện tại, lúc đông nhất, làng hoa giấy Thanh Tiên có tới 30 hộ làm hoa. Thành công từ các sản phẩm của làng hoa giấy Thanh Tiên càng được mọi người biết đến nhiều hơn, là cơ hội để tuyên truyền quảng bá du khách trong và ngoài nước đến tham quan, mua sắm hàng lưu niệm. Từ đó, khơi dậy niềm đam mê làm nghề của những người dân nơi đây, góp phần bảo tồn và lưu giữ, tôn vinh giá trị văn hóa làng nghề truyền thống đối với vùng đất Cố đô Huế…

Quốc Việt (TTXVN)

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu