Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Chủ Nhật, 24/11/2024 22:38 (GMT +7)
Người dân thiếu hợp tác, dịch sốt xuất huyết diễn biến phức tạp
Thứ 2, 03/07/2017 | 16:01:00 [GMT +7] A A
Sau ca tử vong đầu tiên do sốt xuất huyết (SXH) vào tháng 5/2017, Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp để phòng chống dịch bệnh. Tuy nhiên, gần đây, dịch SXH vẫn rất nóng với số ca mắc tăng nhanh.
TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội đã trao đổi với phóng viên báo Tin Tức xung quanh vấn đề này.
Cán bộ y tế giám sát, kiểm tra ổ bọ gậy tại gia đình người dân tại đường Nguyễn An Ninh, phường Tương Mai. Ảnh: SYT |
Đề nghị ông cho biết cụ thể về tình hình dịch SXH đang diễn ra tại Hà Nội? Đâu là những điểm nóng về SXH đang làm “đau đầu” các cán bộ y tế dự phòng, thưa ông?
SXH là bệnh lưu hành tại Hà Nội với số mắc trung bình hàng năm vào khoảng 5.000 – 6.000 ca, có năm trên 15.000 ca. Trong 6 tháng đầu năm 2017, trên toàn thành phố đã ghi nhận 2.984 trường hợp mắc bệnh, 1 trường hợp tử vong. Số trường hợp mắc bệnh có tăng hơn so với cùng kỳ năm 2016 do dịch năm nay đến sớm hơn so với chu kỳ bình thường hàng năm gần 3 tháng.
Theo chu kỳ hàng năm, dịch SXH bắt đầu gia tăng từ tháng 8- 9 đạt đỉnh vào tháng 10 – 11, nhưng năm nay số mắc bắt đầu tăng nhanh ngay từ tháng 5 và tháng 6.
Bệnh SXH phân bố rải rác ở 30/30 quận, huyện, thị xã của Hà Nội nhưng tập trung chủ yếu ở khu vực các quận nội thành và các huyện ven nội như Thanh Trì, Hoài Đức, Thường Tín. Đặc biệt, các quận đông dân cư, nhiều nhà trọ và các công trường xây dựng, người dân có thói quen tích trữ nước nhiều như Đống Đa, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng, Ba Đình luôn là địa phương có ghi nhận số mắc cao hơn trong nhiều năm gần đây.
Tại sao Hà Nội đã tăng cường nhiều giải pháp nhưng hiện tại dịch bệnh vẫn “nóng”, thưa ông?
Ngay từ đầu năm 2017, dưới dự chỉ đạo của Sở Y tế Hà Nội, Trung tâm y tế (TTYT) Dự phòng Hà Nội đã phối hợp với các TTYT quận, huyện, triển khai phối hợp nhiều biện pháp để chủ động phòng và hạn chế sự lan rộng của dịch.
Trước hết là tuyên truyền bằng nhiều biện pháp để chính quyền, người dân cùng chung tay phòng chống dịch bệnh. Tích cực giám sát, phát hiện sớm bệnh nhân tại bệnh viện và cộng đồng, điều tra xử lý khu vực ổ dịch để hạn chế sự lan truyền của dịch bệnh.
Tổ chức các chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy phòng chống SXH đợt 1 ngay từ tháng 4/2017 tại 30 quận, huyện, thị xã. Chiến dịch phun hóa chất diện rộng được triển khai tại 8 quận, huyện có nhiều bệnh nhân SXH là Đống Đa, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Hà Đông… TTYT Dự phòng đã tổ chức 19 lượt phun bằng ô tô vào ban đêm bổ sung cho các phường có dịch…
Thực tế, công tác phòng chống SXH còn nhiều khó khăn, bệnh chưa có vắc xin và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Biện pháp phòng bệnh chủ yếu vẫn là tuyên truyền để người dân tránh muỗi đốt và thực hiện các biện pháp diệt muỗi, diệt bọ gậy.
Theo điều tra hàng năm, số dụng cụ chứa nước để muỗi vằn đẻ trứng, sinh sôi ngày càng tăng, chủ yếu là các bể chứa nước, thùng, xô, chậu, bồn cây cảnh, lốp xe, phế thải. Điều kiện vệ sinh môi trường ở các khu nhà trọ và các công trường xây dựng rất kém, nhiều đồ vật chứa nước có bọ gậy, chật chội, ẩm thấp, tích trữ nước để sinh hoạt do thiếu nước của người dân. Thời tiết nắng nóng, mưa nhiều cũng là điều kiện lý tưởng để muỗi truyền bệnh phát triển.
Ngoài ra, còn một khó khăn khi cán bộ y tế xử lý ổ dịch, số hộ vắng nhà còn cao, đi lại nhiều lần không gặp, một số hộ gia đình không hợp tác không cho cán bộ y tế vào hướng dẫn diệt bọ gậy và phun thuốc diệt muỗi truyền bệnh…
Hiện nay, nhìn chung các cấp chính quyền đã quan tâm đến công tác phòng chống dịch, đã chỉ đạo các ban ngành đoàn thể tham gia công tác phòng, chống dịch, phối hợp với ngành y tế các hoạt động tuyên truyền, diệt bọ gậy, phun hóa chất…Nhưng công tác phòng chống SXH cần sự tham gia tích cực của tất cả người dân, mầm bệnh nằm ngay trong nhà và xung quanh nhà, vì vậy riêng nỗ lực của cán bộ y tế và chính quyền sẽ rất khó khăn và không bền vững.
Ông có nhận định gì về diễn biến dịch SXH trong thời gian tới? Tới đây, Hà Nội có giải pháp gì mới, hiệu quả hơn để ngăn chặn dịch bệnh này bùng phát không, thưa ông?
Dịch bệnh SXH trong thời gian tới tiếp tục có những diễn biến phức tạp và khó lường do những nguyên nhân đã nói ở trên.
Do vậy, công tác phòng chống dịch cần tiếp tục để đảm bảo giảm thiểu thiệt hại về sức khỏe và kinh tế do dịch bệnh gây ra. Cần tiếp tục tuyên truyền để người dân tự phòng phòng bệnh cho bản thân, gia đình và những người xung quanh,
Ngành y tế tiếp tục tăng cường các hoạt động chuyên môn, tích cực giám sát bệnh nhân, côn trùng; điều tra, xử lý ổ dịch triệt để, không để kéo dài, lây lan, bùng phát; tổ chức các chiến dịch phun hóa chất diện rộng, sử dụng cả máy đeo vai vào từng nhà và phun thuốc diệt muỗi bằng máy phun cỡ lớn đặt trên ô tô.
Bên cạnh việc truyền thông về dịch bệnh trên các phương tiện truyền thông đại chúng, chúng tôi sẽ duy trì, nhân rộng việc truyền thông lưu động; tuyên truyền bằng loa cầm tay, loa di động, họp tổ dân phố tại các khu vực có bệnh nhân và ổ dịch để thông báo tình hình dịch bệnh và khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh.
Thời điểm này, để bảo vệ sức khỏe, nhất là tránh mắc sốt xuất huyết, người dân cần phải làm gì, thưa ông?
Hiện nay, ngoài SXH, Hà Nội vẫn ghi nhận rải rác các trường hợp mắc viêm não Nhật Bản, ho gà, uốn ván, sởi, nhiễm khuẩn liên cầu lợn, dại lên cơn ở người…. Để phòng các bệnh này, cha mẹ cần đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch theo quy định của chương trình tiêm chủng mở rộng. thực hiện đúng các khuyến cáo phòng bệnh của ngành y tế.
Bệnh SXH chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả là diệt muỗi, diệt loăng quăng/bọ gậy và phòng muỗi đốt. Do vậy, người dân cần đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng. Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, lốp xe cũ… Ngủ phải nằm màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.
Trong trường hợp bị sốt cao liên tục từ 2 ngày trở lên, người dân cần đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, đồng thời báo ngay cho trạm y tế khu vực mình sinh sống, tuyệt đối không tự điều trị tại nhà.
Xin cảm ơn ông!
Ý kiến ()