Thứ Hai, 25/11/2024 06:19 (GMT +7)

Nhiều bệnh viện chưa hiểu tầm quan trọng của việc kiểm soát nhiễm khuẩn

Thứ 6, 24/11/2017 | 11:55:00 [GMT +7] A  A

Nếu làm tốt các biện pháp kiểm soát, có thể giảm đáng kể tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện, tuy nhiên, mới chỉ có hơn 37% bệnh viện thực hiện giám sát nhiễm khuẩn trong toàn bệnh viện.

Sự viêc nhiều trẻ sơ sinh, sinh non bị nhiễm khuẩn cùng một lúc là một bài học lớn về kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện.

Nhiều bệnh viện chưa quan tâm kiểm soát nhiễm khuẩn

Sự việc 4 trẻ sinh non tử vong trong cùng một buổi sáng tại Đơn vị Hồi sức sơ sinh, bệnh viện Sản nhi Bắc Ninh ngày 20/11 vừa qua, nghi do nhiễm khuẩn bệnh viện; cùng với 18 trẻ khác của bệnh viện này được chuyển lên tuyến trên ngay sau đó cũng đều trong tình trạng nhiễm khuẩn, thậm chí nhiều trẻ nhiễm khuẩn rất nặng, được coi là hiện tượng bất thường. Đây cũng là một hồi chuông báo động về tình trạng nhiễm khuẩn bệnh viện.

Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên, trước đó, sự việc hơn 100 trẻ em tử vong do dịch sởi năm 2014 cũng là một bài học đau đớn của việc kiểm soát nhiễm khuẩn kém dẫn đến tình trạng lây chéo trong bệnh viện.

Tiến sĩ Nguyễn Việt Hùng, Trưởng Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Hiện nay tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện ở nước ta chiếm từ 6- 8%, trong đó, nhiễm khuẩn huyết, nhiễm khuẩn tiết niệu là phổ biến nhất. Tình trạng nhiễm khuẩn bệnh viện không thể đổ lỗi tất cả cho bác sĩ, mà nó xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân, trong đó có việc các bệnh viện đầu tư cơ sở vật chất để khử khuẩn bệnh viện, sự tuân thủ các quy định về kiểm soát nhiễm khuẩn của nhân viên y tế, bệnh nhân, người nhà… Thậm chí việc kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện ở những nước hiện đại nhất hiện nay cũng vẫn còn là một vấn đề nan giải.

Các nguyên nhân gây ra tỉ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện ở Việt Nam còn cao là do cơ sở vật chất xuống cấp, thiếu đồng bộ của các trang thiết bị cho công tác khử khuẩn và ý thức của nhân viên y tế trong công tác kiểm soát nhiễm khuẩn chưa cao.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cũng phải thừa nhận, hiện nay nhiều cơ sở khám bệnh chữa bệnh vẫn chưa thật sự hiểu hết vai trò, tầm quan trọng của công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, chưa chú trọng đầu tư cho hoạt động kiểm soát nhiễm khuẩn cũng như các chính sách ưu đãi cho những người làm công tác kiểm soát nhiễm khuẩn. Hiện nhân lực cho việc kiểm soát nhiễm khuẩn tại các bệnh viện vẫn còn thiếu và yếu khi đa số nhân viên phụ trách công tác giám sát nhiễm khuẩn bệnh viện chưa được đào tạo bài bản để thực hiện giám sát chuyên trách.

Theo kết quả khảo sát từ tháng 2- 3/2017 của Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), hiện có hơn 92% bệnh viện có hội đồng kiểm soát nhiễm khuẩn, gần 89% bệnh viện có mạng lưới kiểm soát nhiễm khuẩn, hơn 72% bệnh viện có khoa kiểm soát nhiễm khuẩn. Tuy nhiên mới chỉ có hơn 37% số cơ sở thực hiện giám sát nhiễm khuẩn trong toàn bệnh viện, gần 24% cơ sở thực hiện giám sát nhiễm khuẩn với bệnh mới mắc tại các khoa trọng điểm…

Những tỷ lệ thấp này cho thấy tình trạng nhiễm khuẩn bệnh viện sẽ vẫn còn tiếp diễn và càng nguy hiểm khi các loại vi khuẩn đa kháng thuốc đang xuất hiện ngày càng phổ biến nếu không có biện pháp quyết liệt để kiểm soát.

Sẽ sớm đưa vào hệ thống giám sát nhiễm khuẩn quốc gia

Theo TS. Nguyễn Việt Hùng, các bệnh viện hoàn toàn có thể ngăn ngừa và giảm được tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện qua những chương trình kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng hiểu quả của chương trình kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện có thể giảm tới 33% nhiễm khuẩn bệnh viện, góp phần nâng cao chất lượng và giảm chi phí điều trị.

Thực tế thời gian qua, nhiều bệnh viện làm tốt các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn đã giảm đáng kể tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện. Đơn cử như bệnh viện Nhi Trung ương, theo PGS.TS Trần Minh ĐIển, Phó giám đốc bệnh viện: Năm 2010, bệnh viện có khảo sát tỷ lệ bệnh nhân sốc nhiễm khuẩn có nhiễm khuẩn huyết là 75%, sau đó bệnh viện tiến hành thực hiện chặt chẽ các biện pháp về kiểm soát nhiễm khuẩn thì tỷ lệ này hiện nay đã giảm xuống còn trên dưới 50%. Còn tại bệnh viện Bạch Mai, khảo sát tại Khoa Hồi sức tích cực cho thấy, tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện đã giảm gần 50% so với 10 năm trước nhờ đẩy mạnh các hoạt động kiểm soát nhiễm khuẩn như: Tổ chức tập huấn kiến thức, quy định về kiểm soát nhiễm khuẩn cho nhân viên tại các khoa, phòng; tập huẩn rửa tay đúng quy trình cho nhân viên y tế và cả bệnh nhân và người nhà bệnh nhân, hiện nay hầu như ai vào viện cũng đều nắm rõ về quy trình rửa tay…

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho rằng, các cơ sở y tế bên cạnh việc chỉ chú trọng vào việc mua sắm máy móc hiện đại, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cần làm tốt hơn nữa công tác kiểm soát nhiễm khuẩn và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm để đầu tư tương xứng.

Đặc biệt, hiện nay việc kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện được coi là một tiêu chí trong đánh giá chất lượng khám chữa bệnh nói riêng và chất lượng bệnh viện nói chung. Các bệnh viện phải thực hiện tốt thì mới có được số điểm đánh giá chất lượng cao.

Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ phối hợp với các tổ chức trong và ngoài nước xây dựng, đưa vào hoạt động hệ thống giám sát nhiễm khuẩn quốc gia. Cùng với đó, Bộ sẽ chỉ đạo, hỗ trợ 6 bệnh viện ở ba khu vực Bắc – Trung – Nam (gồm các bệnh viện: Bạch Mai, Chợ Rẫy, Trung ương Huế, Bệnh nhiệt đới trung ương, Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh, Nhi đồng 1) hoàn thiện mô hình mẫu về kiểm soát nhiễm khuẩn.Sau đó nhân rộng các mô hình mẫu này ra các bệnh viện, cơ sở y tế khác.

Tạ Nguyên/Báo Tin tức

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu