Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Bảy, 30/11/2024 12:33 (GMT +7)
Những dấu ấn nổi bật của tín dụng chính sách
Thứ 4, 03/01/2018 | 10:03:00 [GMT +7] A A
“Năm 2017, hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đạt kết quả cao nhất từ trước đến nay”, Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Lý (ảnh) đã chia sẻ về kết quả hoạt động năm 2017 của NHCSXH, cũng là năm thứ 15 hoạt động tín dụng chính sách xã hội theo Nghị định 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ.
Tập trung vốn cho xóa nghèo bền vững
Năm 2017, NHCSXH có lượng vốn tín dụng chính sách cho vay mới lớn nhất từ trước tới nay, đạt gần 60.000 tỷ đồng, tăng trên 5.000 tỷ đồng so với năm 2016. Xin ông cho biết, vốn chính sách xã hội thực hiện qua NHCSXH đã tác động thế nào tới đời sống của hộ nghèo và các đối tượng chính sách?
Trong năm 2017, nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp cho hơn 2,1 lượt triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn, góp phần giúp trên 400 nghìn hộ vượt qua ngưỡng nghèo; gần 210 nghìn lao động có việc làm; 62 nghìn học sinh, sinh viên (HSSV) có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; trên 1,2 triệu công trình cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; gần 41 nghìn căn nhà ở cho hộ nghèo… Đến hết năm 2017, tổng dư nợ của NHCSXH đạt khoảng 172.000 tỷ đồng, tăng gần 15.000 tỷ đồng, với trên 6,7 triệu hộ đang có dư nợ. Với nguồn vốn tăng thêm đó, NHCSXH dành 80% cho chương trình hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.
Nguồn vốn tín dụng chính sách trong năm qua đã được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trên cả nước, trong đó, tập trung ưu tiên cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới… Đặc biệt đối với các địa phương bị thiệt hại do thiên tai, ngoài việc động viên, thăm hỏi kịp thời và chỉ đạo nắm chắc thiệt hại để xử lý nợ bị rủi ro theo quy trình, đã kịp thời bổ sung thêm vốn khôi phục sản xuất. Đối với các địa phương bị thiệt hại do mưa lũ vừa qua, NHCSXH đã bổ sung gần 300 tỷ đồng để hỗ trợ kịp thời hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn khôi phục sản xuất, đồng thời đã xử lý rủi ro hơn 10.980 món vay, với số tiền trên 234 tỷ đồng của hộ vay vốn bị thiệt hại.
NHCSXH đã thực hiện những giải pháp gì để đảm bảo có đủ nguồn vốn thực hiện các chương trình tín dụng chính sách, thưa ông?
Để đảm bảo có đủ nguồn vốn thực hiện các chương trình tín dụng chính sách, NHCSXH đã thực hiện nhiều giải pháp về công tác nguồn vốn. Thứ nhất, NHCSXH thực hiện tốt công tác phát hành trái phiếu theo chỉ tiêu kế hoạch Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Thứ hai, NHCSXH nhận tiền gửi 2% của các tổ chức tín dụng Nhà nước. Thứ ba, NHCSXH tăng cường huy động tiền gửi từ các tổ chức và cá nhân tại trụ sở NHCSXH cũng như huy động tiền gửi tiết kiệm tại Điểm giao dịch xã. Bên cạnh đó, NHCSXH đã tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, các chủ đầu tư trong và ngoài nước chuyển vốn ủy thác sang NHCSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác… Đặc biệt, NHCSXH đã tích cực thu hồi tốt nợ đến hạn của các chương trình để thực hiện cho vay quay vòng, với số tiền trên 45.000 tỷ đồng.
Với kết quả thực hiện các chương trình tín dụng ấn tượng như thế, chất lượng tín dụng của NHCSXH năm qua như thế nào, thưa ông?
Trong năm qua, cùng với việc đẩy mạnh giải ngân các chương trình tín dụng chính sách, NHCSXH đã tích cực làm tốt công tác củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng. Nợ quá hạn chỉ chiếm khoảng 0,41% tổng dư nợ, thấp nhất trong toàn hệ thống các tổ chức tín dụng hiện nay. Quy trình cho vay và đối tượng cho vay được thực hiện nghiêm túc, Tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động đạt chất lượng tốt và khá đạt trên 96%, chỉ còn 1,62% tổ đạt chất lượng kém, công tác phối kết hợp với các tổ chức chính trị – xã hội và chính quyền địa phương được củng cố. Đặc biệt, việc sử dụng vốn và hiệu quả sử dụng vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác được nâng cao.
Mô hình “Điểm giao dịch của NHCSXH tại UBND xã/phường” là một bước tiến trong cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước. Năm qua, mô hình này đã được NHCSXH thực hiện như thế nào, thưa ông?
Để phục vụ tốt nhất cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác, NHCSXH thực hiện tốt việc tổ chức giao dịch tại 10.974 Điểm giao dịch đặt tại trụ sở UBND cấp xã. Tại Điểm giao dịch xã, các chính sách tín dụng của Nhà nước, danh sách hộ vay vốn và các quy trình thủ tục của NHCSXH được niêm yết công khai. Người vay giao dịch trực tiếp với NHCSXH vào ngày cố định hàng tháng để vay và trả nợ, cũng như thực hiện gửi tiền tiết kiệm, trước sự chứng kiến của cán bộ tổ chức chính trị – xã hội, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn và chính quyền xã.
Khách hàng giao dịch tại Điểm giao dịch xã được giao dịch một cửa thuận lợi và hiện đại như khách hàng giao dịch tại trụ sở ngân hàng.Năm 2017, NHCSXH đã tổ chức được gần 148 nghìn phiên giao dịch tại xã, với tổng giá trị hoạt động phục vụ của ngân hàng tại Điểm giao dịch xã chiếm trên 85% tổng giá trị hoạt động phục vụ của ngân hàng với khách hàng.
Phương thức quản lý vốn tín dụng chính sách đặc thù
Thưa ông, từ kết quả hoạt động tín dụng chính sách xã hội trong 15 năm qua có thể rút ra được điều gì?
Trong năm 2017, NHCSXH đã phối hợp với các Bộ, ngành tham mưu cho Thường trực Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố tổ chức thành công Hội nghị tổng kết 15 năm giai đoạn 2002 – 2017 thực hiện tín dụng chính sách xã hội và 03 năm thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Hội nghị đã được tổ chức từ cấp huyện, đến cấp tỉnh và Trung ương. Qua Hội nghị tổng kết đã khẳng định các chương trình tín dụng chính sách giao cho NHCSXH thực hiện đã phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng trong việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.
Từ kết quả hoạt động tín dụng chính sách xã hội trong 15 năm đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương và chính quyền địa phương các cấp đối với người nghèo và đối tượng chính sách khác; đã ưu tiên việc huy động và tập trung các nguồn lực tài chính, đáp ứng nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Kết quả hoạt động tín dụng chính sách xã hội trong 15 năm thể hiện mô hình tổ chức thực hiện tín dụng chính sách xã hội ngày càng được hoàn thiện, phù hợp với điều kiện, cấu trúc của hệ thống chính trị ở nước ta.Kết quả hoạt động tín dụng chính sách xã hội trong 15 năm cũng đã xây dựng và tổ chức thực hiện thành công phương thức quản lý vốn tín dụng chính sách đặc thù phù hợp với cấu trúc chính trị của Việt Nam, theo đó, việc phân công trách nhiệm của chính quyền cơ sở trong việc xác định đối tượng thụ hưởng chính sách; thực hiện dân chủ, công khai hoạt động tín dụng chính sách trong cộng đồng dân cư; kết hợp sự tham gia của 4 tổ chức chính trị – xã hội với vai trò vừa là người giám sát xã hội vừa làm ủy thác một số công việc trong quy trình nghiệp vụ tín dụng chính sách.
15 năm qua, chúng ta cũng đã xây dựng thành công bộ máy điều hành NHCSXH, cách thức hoạt động hoạt động có hiệu quả, được Đảng, Chính quyền, tổ chức đoàn thể từ Trung ương đến địa phương đánh giá cao. Thông qua hoạt động giao dịch tại xã đã tiết giảm chi chi phí cho người vay vốn, đồng thời phát huy dân chủ, giám sát xã hội, đảm bảo vốn tín dụng chính sách của Chính phủ được quản lý chặt chẽ, cho vay đúng đối tượng được thụ hưởng.
Thời gian tới, NHCSXH tiếp tục phát triển theo hướng ổn định, bền vững, hỗ trợ người nghèo và các đối tượng chính sách khác vươn lên thoát nghèo, góp phần thực hiện có hiệu quả các chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới; không ngừng nâng cao chất lượng các sản phẩm, dịch vụ, đẩy mạnh áp dụng công nghệ hiện đại, đa dạng hoá sản phẩm, dịch vụ nhằm tạo thuận lợi nhất cho người nghèo và các đối tượng chính sách trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội. Đội ngũ cán bộ làm tín dụng chính sách nhất thiết phải gần dân, sát dân, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người vay vốn.
Xin cám ơn ông!
Ý kiến ()