Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Ba, 26/11/2024 21:52 (GMT +7)
Những nỗi lo sau chiến thắng
Thứ 4, 22/09/2021 | 09:31:00 [GMT +7] A A
Trong cuộc tổng tuyển cử tốn kém nhất lịch sử Canada (có chi phí ước tính khoảng 470 triệu USD), người dân Canada cuối cùng đã lựa chọn tiếp tục cùng đảng Tự do của Thủ tướng Justin Trudeau “tiến lên phía trước, vì lợi ích của tất cả mọi người”.
Thủ tướng Justin Trudeau phát biểu tại Montreal, Quebec, Canada, ngày 21/9/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Như một cơn giông mùa hè, chiến dịch bầu cử liên bang đã ào đến và đi. Đó là một chiến dịch diễn ra với thời lượng ngắn nhất được luật pháp Canada cho phép (vỏn vẹn 36 ngày), được khởi động trong một mùa hè u ám và bị chi phối bởi một loạt nhân tố như cuộc khủng hoảng ở Afghanistan, số ca mắc COVID-19 gia tăng và sự chia rẽ trong dân chúng. Cuộc bầu cử đã đặt ra những thách thức chưa từng có tiền lệ đối với Cơ quan Bầu cử Canada (Elections Canada – chuyên tổ chức các cuộc bầu cử và trưng cầu ý dân tại Canada), khi làn sóng lây nhiễm thứ tư của đại dịch COVID-19 ồ ạt đổ bộ vào nhiều tỉnh của nước này.
Ở thời điểm chính phủ của Thủ tướng Trudeau nắm quyền chưa đầy 2 năm, không có lý do cấp bách nào liên quan đến lợi ích quốc gia hoặc chính sách công đòi hỏi phải có một cuộc bầu cử. Theo giới quan sát, lý do thực sự duy nhất để đảng Tự do kích hoạt một cuộc bầu cử vào thời điểm này là đảng Tự do dẫn đầu trong các cuộc thăm dò. Và Thủ tướng Trudeau đã đặt cược vào khả năng đây là thời điểm tốt nhất để chính phủ đảng Tự do chuyển từ thế thiểu số ở quốc hội thành thế đa số. Nhưng kết quả cuối cùng là “hình hài” của hạ viện sau cuộc kiểm phiếu đêm 20/9 không có quá nhiều khác biệt so với “phiên bản” bị giải tán hồi tháng 8 vừa qua, và tiếp tục làm dấy lên câu hỏi về tính cấp thiết của cuộc tổng tuyển cử lần thứ 44.
Nhà lãnh đạo đảng Tự do chỉ giành đủ số ghế để tiếp tục thành lập một chính phủ thiểu số – một chiến thắng có thể không được như ý đối với Thủ tướng Trudeau. Trong 6 năm cầm quyền vừa qua, đảng Tự do đã làm được nhiều việc quan trọng, như tiến hành cải cách thượng viện, đạt được một thỏa thuận thương mại mới với Mỹ, triển khai một trong những chiến dịch tiêm chủng thành công nhất thế giới… Tuy nhiên, chính phủ của Thủ tướng Trudeau trong thời gian tới sẽ phải đối mặt với không ít thách thức, trong bối cảnh nền kinh tế sa sút vì đại dịch, nợ nần chồng chất và lạm phát cao kéo dài.
Vấn đề cấp bách nhất vẫn là phục hồi kinh tế sau đại dịch. Tỷ lệ tiêm chủng cao ở Canada đã cho phép các doanh nghiệp mở cửa trở lại trong mùa Hè, với nhiều nhân viên chuẩn bị trở lại văn phòng vào mùa thu này. Nhưng biến thể Delta đang tạo ấn tượng về một kịch bản phục hồi nhiều chông gai. Một minh chứng điển hình là tình hình dịch bệnh ở tỉnh Alberta. Sau khi vội vã dỡ bỏ các hạn chế về y tế công cộng hồi đầu năm nay, Alberta đã chứng kiến số ca mắc COVID-19 tăng vọt, đe dọa hệ thống chăm sóc sức khỏe của tỉnh. Thủ hiến tỉnh Alberta, Jason Kenney ngày 15/9 đã lên tiếng xin lỗi về cách xử lý đại dịch và cho biết ông sẽ triển khai hộ chiếu vaccine. Alberta cũng đang áp dụng trở lại các hạn chế về giãn cách nơi công cộng; ra lệnh cho mọi người làm việc tại nhà…
Nền kinh tế Canada đang dần phục hồi sau đợt đóng cửa đầu tiên hồi mùa xuân năm 2020 và giá dầu lao dốc đã khiến nền kinh tế đi xuống với tốc độ mạnh nhất trong lịch sử. Trong khi đó, đại dịch COVID-19 tiếp tục phá vỡ chuỗi cung ứng toàn cầu, đẩy giá vận chuyển lên cao, gây khó khăn cho nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất và đè nặng lên xuất khẩu.
Những quyết định quan trọng nhất về y tế công cộng sẽ tiếp tục được thực hiện ở cấp tỉnh. Nhưng chính phủ liên bang trong thời gian tới cũng phải đối mặt với những lựa chọn quan trọng liên quan đến việc áp dụng các hạn chế ở biên giới và những yêu cầu tiêm chủng, nhất là đối với lĩnh vực giao thông vận tải. Chính phủ cũng có nhiệm vụ “nhạy cảm” là cắt giảm hỗ trợ dành cho các doanh nghiệp và cá nhân, chuyển từ cứu trợ trên diện rộng sang hỗ trợ có mục tiêu cho các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất mà không gây ra làn sóng phá sản và sa thải.
Thị trường lao động của Canada đang ở trong một tình huống kỳ lạ. Mặc dù vẫn còn một chặng đường dài để thị trường khôi phục hoàn toàn, nhưng các công ty thông báo đang gặp khó khăn trong việc lấp đầy các vị trí việc làm. Các nhà tuyển dụng đang đối mặt với một vấn đề dai dẳng: thiếu nhân lực có kỹ năng. Canada cần các chính sách táo bạo để đảm bảo có đủ người làm đúng việc.
Sự hỗ trợ của chính phủ dành cho các cá nhân và doanh nghiệp trong thời kỳ đại dịch đã khiến nợ công tăng cao chưa từng thấy. Thâm hụt ngân sách trong tài khóa vừa qua lên tới 335 tỷ CAD (tương đương 262 tỷ USD) và dự kiến năm nay là 138 tỷ CAD. Nợ liên bang dự kiến xấp xỉ 1.200 tỷ CAD trong năm nay, tương đương khoảng 48% GDP, theo ước tính của Văn phòng Ngân sách Quốc hội.
Với lãi suất ở mức thấp kỷ lục, chi phí trả lãi cho gánh nặng nợ vẫn có thể kiểm soát được. Nhưng tình hình sẽ khó khăn khi lãi suất chắc chắn sẽ tăng trong những năm tới, trong bối cảnh các ngân hàng trung ương đẩy lùi lạm phát và rút lại các biện pháp kích thích.
Hơn nữa, tất cả đang dựa vào những dự báo lạc quan về tăng trưởng kinh tế để giảm tỷ lệ nợ công/quy mô nền kinh tế. Tăng trưởng kinh tế mạnh sẽ không được đảm bảo, đặc biệt là khi dân số già đi và Canada tiếp tục vật lộn với tốc độ tăng năng suất thấp. Chuyên gia kinh tế hàng đầu của Ngân hàng Montreal Douglas Porter lưu ý nếu không thực hiện những biện pháp điều chỉnh về tài chính ngay bây giờ, trong giai đoạn phục hồi kinh tế, thì nền kinh tế có nguy cơ bị tổn thương mạnh trước các thách thức lớn trong tương lai.
Lạm phát của Canada trong tháng 8/2021 đã vọt lên mức cao nhất trong 18 năm (4,1%), trong bối cảnh các doanh nghiệp mở cửa kinh doanh trở lại, chuỗi cung ứng bị gián đoạn và giá cả tăng so với năm ngoái. Ngân hàng Trung ương Canada cho biết sẽ không tăng lãi suất cho đến khi thị trường lao động “lành lặn” và sản lượng kinh tế quay lại bình thường – một kịch bản khó có thể xảy ra trước nửa cuối năm 2022. Nhưng sau 5 tháng lạm phát vượt quá phạm vi mục tiêu 1 – 3%, Ngân hàng Trung ương Canada có thể đang cân nhắc lại lộ trình dỡ bỏ các biện pháp kích thích và tăng lãi suất.
Khả năng chi trả của người dân trong bối cảnh thị trường nhà đất không ngừng tăng nhiệt đã trở thành một chủ đề “nóng” trong chiến dịch tranh cử vừa qua. Nhưng vấn đề này đã tồn tại trong nhiều năm. Vấn đề quan trọng là nguồn cung: không có đủ nhà được xây dựng để theo kịp tốc độ tăng dân số, đặc biệt là ở các thành phố lớn như Toronto và Vancouver. Theo chuyên gia kinh tế hàng đầu của Bank of Nova Scotia, ông Jean-François Perrault, Canada có số lượng đơn vị nhà ở tính trên 1.000 dân thấp nhất trong Nhóm 7 nước công nghiệp tiên tiến hàng đầu thế giới (G7).
Còn vô vàn những nỗi lo khác đang chờ chính phủ của Thủ tướng Trudeau ở phía trước, khi Ottawa phải đưa ra những quyết sách liên quan đến biến đổi khí hậu, tương lai năng lượng, hoạt động giao thương và nền kinh tế số,… trong bối cảnh chiến thắng của đảng Tự do trong cuộc bầu cử ngày 20/9 không phải ở thế đa số, thậm chí có thể cũng không phải ở thế thiểu số mạnh hơn cách đây 2 năm. Nhưng đây vẫn là một chiến thắng mà Thủ tướng Trudeau cần “để đưa Canada vượt qua đại dịch và đến những ngày tươi sáng hơn ở phía trước” như ông cam kết.
https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/nhung-noi-lo-sau-chien-thang-20210921194730261.htm
Ý kiến ()