Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Hai, 25/11/2024 13:50 (GMT +7)
Phát triển mô hình ương cá chạch lấu nhờ nguồn vốn vay
Thứ 3, 09/11/2021 | 17:15:00 [GMT +7] A A
Nhờ số tiền 50 triệu đồng vay từ Chương trình “Hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm” của Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện Tân Hưng vào năm 2020 mà chị Lý Thị Lành, ấp Vĩnh Bửu xã Vĩnh Đại mới có thể duy trì và phát triển mô hình ương cá chạch lấu của gia đình. Mô hình đã xuất bán cá giống được 1 đợt và đã thu hồi được vốn, hiện đang chăm sóc đợt cá giống thứ 2.
Chị Lý Thị Lành cho biết: Vào đầu năm 2020, chị cùng chồng là anh Nguyễn Văn Dũng đã mạnh dạng đầu tư xây 2 bồn trên mặt sân của gia đình với diện 200 mét vuông để ương cá chạch lấu. Vì chi phí xây bồn và mua các thiết bị cần thiết khác là khá nhiều, lên đến 120 triệu đồng, ngoài dự định ban đầu của gia đình nên chị Lành không còn khả năng để mua con giống về ương. Tưởng chừng mô hình sẽ dừng lại ở đây nhưng nhờ Hội Liên hiệp phụ nữ xã Vĩnh Đại xét đề nghị về Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện Tân Hưng cho chị vay 50 triệu đồng. Nhờ số tiền này mà chị Lành mới có thể mua con giống về ương.
Do mới ương đợt đầu tiên nên tỷ lệ cá con bị hao hụt nhiều, dù vậy chị Lành cũng xuất bán cá giống được 30 ngàn con, giá mỗi còn là 7 ngàn đồng và vợ chồng chị Lành, anh Dũng đã thu hồi được vốn đầu tư ban đầu, còn 30 ngàn con còn lại của đợt này, vợ chồng chị thả xuống ao để nuôi cá thịt.
Được biết năm 2021 này, chị Lành, anh Dũng tiếp tục mua 100 ngàn con cá chạch giống về thả ương, đến nay cá được 1 tháng tuổi và phát triển khỏe mạnh. Theo chị Lành, từ khi bắt đầu thả cá bột xuống bồn thì 2 ngày sau là có thể cho ăn thức ăn và trong khoảng thời gian 3 tháng chăm sóc thì có thể xuất bán cho người dân thả nuôi. Tiền chi phí trung bình trong tháng đầu tiên khoảng 25 triệu đồng, riêng tháng thứ 2 và thứ 3 chi phí tăng lên khá nhiều, khoảng 100 triệu đồng/tháng, vì lúc này cá lớn nên ăn nhiều. Điều quan trọng trong của việc ương cá chạch lấu này là cần thay nước thường xuyên mỗi ngày và theo dõi sát sao tình hình phát triển của cá. Loại cá này chủ yếu là bị xuất huyết đường ruột và thúi đuôi, nếu chịu khó theo dõi phòng bệnh kịp thời thì giảm đáng kể tỷ lệ hao hụt đầu con.
Do lần thứ 2 này anh chị đã có kinh nghiệm nên việc ương cá giống khá thuận lợi, cá ít hao hụt đầu con, ước tính trong đợt này, chị Lành có thể xuất bán khoảng 80 đến 90 ngàn con cá chạch giống, giá hiện tại là 7 ngàn đồng/con, trừ chi phí chị Lành thu lợi nhuận khoảng 200 triệu đồng. Được biết, dù còn 2 tháng nữa mới xuất bán nhưng hiện tại có đã người đến đặt mua với số lượng hàng chục ngàn con.
Bà Nguyễn Thị Mười Ba Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Vĩnh Đại cho biết: Hội đang quản lý nguồn vốn vay từ Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện là 16,2 tỉ đồng với 413 hội viên được xem xét vay. Riêng đối với nguồn vốn 50 triệu đồng mà chị Lý Thị Lành đã vay vào năm 2020, qua kiểm tra thì chị Lành đã sử dụng nguồn vốn vay này để duy trì và phát triển mô hình ương cá chạch lấu, bước đầu mô hình này mang lại hiệu quả thiết thực.
Nhờ sự hỗ trợ kịp thời nguồn vốn vay từ Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện Tân Hưng không chỉ tạo điều kiện cho chị Lành có thể duy trì và phát triển mô hình ương cá chạch lấu của gia đình, tăng thu nhập ổn định cuộc sống. Mà qua đó, còn tạo ra nguồn cá giống tại chỗ đảm bảo chất lượng, thuận tiện cho người dân trong xã và các địa phương lân cận đến liên hệ mua thả nuôi cá thịt khi có nhu cầu./.
Văn Sách – Tấn Đạt
Ý kiến ()