Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Bảy, 23/11/2024 14:10 (GMT +7)
Phòng bệnh sốt xuất huyết ngay từ trong gia đình
Thứ 5, 30/06/2022 | 16:48:41 [GMT +7] A A
Hiện nay, tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn huyện Bến Lức đang gia tăng và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch nếu không có giải pháp ứng phó kịp thời. Trước tình hình đó, Trung tâm Y tế huyện đã tích cực vào cuộc triển khai quyết liệt các hoạt động phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết, khống chế không để dịch bệnh lan rộng trên địa bàn, đảm bảo sức khỏe Nhân dân.
Theo số liệu thống kê, đến nay toàn huyện Bến Lức ghi nhận 307 ca mắc sốt xuất huyết, số ca mắc tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xã Tân Bửu là một trong những địa phương có số ca mắc cao của huyện với hơn 30 ca mắc và 2 ổ dịch, so với cùng kỳ năm trước tăng gấp đôi. Trước tình hình đó, được sự hướng dẫn hỗ trợ từ ngành Y tế, Trạm y tế xã đã tham mưu với UBND xã triển khai quyết liệt các giải pháp dập dịch, trong đó tổ chức nhiều đợt chiến dịch diệt lăng quăng, nhằm ngăn chặn sự phát triển và lan rộng của dịch sốt xuất huyết kết hợp đi từng ngõ, gõ từng nhà vãng gia, tuyên truyền nâng cao ý thức người dân.
Ông Lê Quốc Thiện, Trưởng Ấp 3 xã Tân Bửu cho biết: “Để phòng bệnh SXH, mỗi người dân, mỗi gia đình cần thực hiện diệt lăng quăng, diệt muỗi. Cụ thể, dành 10 - 15 phút mỗi tuần để dọn dẹp vệ sinh nơi làm việc, sinh sống; từ trong nhà đến xung quanh nhà cần thu dọn, không để có vật chứa đọng nước làm phát sinh lăng quăng. Lật úp các xô, lọ, chai cũ không dùng đến; cọ rửa và thay nước lọ hoa, chén nước cúng ít nhất 01 lần/tuần, dọn dẹp mái hiên, nóc nhà, máng xối,… Đậy kín lu, hồ, phuy chứa nước khi không dùng đến để tránh muỗi đẻ trứng và phát sinh lăng quăng, muỗi. Đối với những nơi chứa nước không dùng để uống, sinh hoạt có thể thả cá để diệt lăng quăng. Sử dụng bình xịt muỗi, nhang muỗi, kem thoa xua muỗi, mặc áo quần dài tay, ngủ mùng kể cả ban ngày… để tránh muỗi đốt”.
Cùng với đó, huyện Bến Lức đã tích cực triển khai các biện pháp ngăn chặn, tuyên truyền trên hệ thống đài truyền thanh, loa di động, tờ rơi, áp phích, hướng dẫn các biện pháp phòng bênh như: thường xuyên vệ sinh môi trường xung quanh, kiểm tra, cọ rửa lu khạp hay vật dụng chứa nước diệt lăng quăng, duy trì các mô hình hay và phát động các phong trào diệt muỗi, diệt lăng quăng phòng bệnh sốt xuất huyết trong cộng đồng, v.v…; Nhất là ngay sau khi xuất hiện những ca mắc sốt xuất huyết ở các địa phương, Trung tâm Y tế huyện đã nhanh chóng khoanh vùng, tổ chức điều tra dịch tễ, giám sát nguồn lây, xử lý ngay các ổ dịch lẻ. Chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, hóa chất, huy động lực lượng phun dập dịch diện rộng toàn khu vực xảy ra ca bệnh. Qua triển khai quyết liệt các giải pháp đã nhận được sự quan tâm của người dân khi nhận biết và ý thức được tình hình dịch bệnh thì chính từng hộ gia đình sẻ chủ động cập nhật kiến thức và hình thành thói quen có ích trong phòng chống dịch bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, nhất là gia đình có trẻ nhỏ.
Bà Trần Thị Liễu, xã Tân Bửu chia sẻ:“Bệnh sốt xuất huyết có từ trước đến nay và cũng xuất hiện theo chu kỳ hàng năm, nhất là vào mùa mưa. Bệnh rất nguy hiểm nên gia đình tôi rất sợ và thường xuyên thực hiện vệ sinh môi trường xung quanh, nhà cửa thông thoáng, cách vài ngày kiểm tra lu, khạp để diệt lăng quăng; ban ngày cũng ngủ mùng, v.v….”
Chị Bùi Thị Kim Trúc, ngụ xã Tân Bửu chia sẻ thêm: “Bệnh sốt xuất huyết rất nguy hiểm nếu không điều trị kịp thời. Lúc trước con tôi đã bị bệnh sốt xuất huyết, bệnh trở nặng đến mức độ 4 nhưng nhờ chuyển đến bệnh viện kịp thời nên bệnh khỏi. Những ngày qua, trên địa bàn xuất hiện nhiều ca sốt xuất huyết nên tôi rất sợ và thường xuyên tuân thủ các giải pháp phòng bệnh do ngành y tế, các đoàn thể và đài tuyên truyền là không có lăng quăng, không có sốt xuất huyết. Cùng với đó, tôi cũng vận động bà con xung quanh chung tay phòng bệnh.”
Thực tế cho thấy, mặc dù huyện đã triển khai nhiều giải pháp phòng chống dịch nhưng tần suất xuất hiện dịch sốt xuất huyết vẫn ở mức cao, đặc biệt là các địa phương trọng điểm như: Thị trấn Bến Lức, Tân Bửu, Thanh Phú, Mỹ Yên, Phước Lợi, An Thạnh; ... Bởi theo chu kỳ của dịch bệnh sốt xuất huyết, cứ 3 đến 5 năm tái lại 1 lần, thời tiết diễn biến thất thường, tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi sinh sản và phát triển, một phần người dân vẫn còn thờ ơ với việc phòng bệnh. Chính vì vậy, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của ngành y tế, chính quyền địa phương thì người dân phải nâng cao ý thức, tự phòng tránh căn bệnh nguy hiểm này, không để ảnh hưởng đến tính mạng bản thân, gia đình và cộng đồng./.
Việt Hằng – Lê Hạnh
Ý kiến ()