Thứ Hai, 25/11/2024 01:48 (GMT +7)

Phòng biến chứng nguy hiểm ở trẻ bị sốt xuất huyết

Thứ 6, 04/08/2017 | 09:35:00 [GMT +7] A  A

Dịch sốt xuất huyết vẫn diễn biến phức tạp với số ca mắc tăng nhanh khiến nhiều bệnh viện quá tải; trong đó, có không ít bệnh nhi với những biến chứng trầm trọng.

7 tháng đầu năm 2017, Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận, điều trị 177 bệnh nhi mắc sốt xuất huyết. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN

Bộ Y tế cho biết: Tích lũy 7 tháng đầu năm 2017, cả nước ghi nhận gần 60.000 ca mắc sốt xuất huyết và 18 trường hợp tử vong. Đặc biệt, hai thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh có số bệnh nhân gia tăng đột biến, khiến nhiều bệnh viện quá tải; trong đó có trẻ em và có những biến chứng nặng.

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, năm nay số trẻ đến khám sốt xuất huyết tăng cao gần 10 lần với so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó, hiện có 28 bệnh nhi điều trị nội trú. Đáng chú ý, 5 bệnh nhi trong số này có dấu hiệu cảnh báo vì biến chứng.

Tại Bệnh viện E, lượng bệnh nhi bị sốt xuất huyết đang gia tăng, có đêm khoa Cấp cứu tiếp nhận 6 trẻ bị sốt xuất huyết. Hiện tại khoa Nhi của bệnh viện có 18/42 bệnh nhi đang điều trị sốt xuất huyết với nhiều biến chứng nặng.

Theo các bác sỹ, bệnh sốt xuất huyết sẽ nguy hiểm với trẻ em do hệ miễn dịch kém. Vì vậy, người lớn phải theo dõi sát sao con em mình, khi có dấu hiệu tăng nhiệt độ cơ thể để nhận biết đúng bệnh và điều trị kịp thời. Khi trẻ mắc sốt xuất huyết nếu không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như sốc, xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết não, trụy tim mạch, hôn mê dẫn đến tử vong.

Các biểu hiện của bệnh sốt xuất huyết là: Trẻ sốt cao đột ngột, liên tục trên 38,5 độ C; toàn thân mệt mỏi, đau đầu, đau cơ, đau các khớp, chán ăn, buồn nôn, đầy bụng khó tiêu; xuất huyết dưới da dạng chấm, nốt; xuất huyết niêm mạc (chảy máu cam, chảy máu chân răng); đau bụng âm ỉ; buồn nôn, nôn hay nôn khan. Đặc biệt, khi đã xuất huyết tiêu hóa là dấu hiệu nặng như: nôn ra máu, đi ngoài phân đen hoặc ra máu đỏ tươi.

Các bác sỹ khuyến cáo: Cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất khi có những dấu hiệu như trẻ mệt, quấy khóc, lừ đừ, vật vã, vã mồ hôi, chân tay lạnh; trẻ buồn nôn và nôn; đau bụng; chảy máu chân răng, chảy máu mũi; tiểu ít, đi ngoài phân đen. Tất cả trẻ bị sốt cao từ ngày thứ 2 trở đi và ở trong khu vực có người bị sốt xuất huyết phải được đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được khám và theo dõi.

Bộ Y tế khuyến cáo, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh, để ngăn dịch bệnh bùng phát và lan rộng, kéo dài, thời gian tới, người dân phải đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.

Hàng tuần, người dân cần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ; lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối, dầu hoặc hóa chất diệt lăng quăng/bọ gậy vào bát nước kê chân chạn, các ổ nước đọng.

Các gia đình nên loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, hũ, mảnh chai, chum vại vỡ, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá…; ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày; tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

Khi bị sốt, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị; không tự ý điều trị tại nhà…

Thu Phương (TTXVN)

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu