Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Hai, 25/11/2024 01:33 (GMT +7)
Phòng chống sốt xuất huyết: Khi người dân vào cuộc
Thứ 3, 15/08/2017 | 08:39:00 [GMT +7] A A
Thành phố Hồ Chí Minh đang là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về số ca mắc sốt xuất huyết. Tuy nhiên, theo thông tin từ Trung tâm Y tế dự phòng thành phố, trong 7 tuần trở lại đây, sốt xuất huyết đang có dấu hiệu chững lại.
Bên cạnh sự quyết liệt của lãnh đạo thành phố, tại nhiều địa phương cũng đã có những cách phòng chống dịch bệnh sáng tạo, hiệu quả.
Tổ xung kích phòng chống dịch bệnh
“Khu phố 4 xin thông báo hiện nay dịch bệnh sốt xuất huyết đang bùng phát trên địa bàn khu dân cư, rất mong bà con mình chú ý: Loại bỏ những vật dụng đựng nước, thường xuyên thay nước bình bông, vỏ xe, chai lọ, đó là những dụng cụ có thể phát sinh ra muỗi sốt xuất huyết…”.
Hơn 3 tháng qua, với chiếc loa phóng thanh trên tay, ông Nguyễn Văn Đức, thành viên của Tổ phòng chống dịch Khu phố 4, phường Hiệp Thành, Quận 12 đi khắp các con đường, ngõ hẻm trong khu phố để tuyên truyền, vận động người dân chung tay phòng chống sốt xuất huyết. Đây là một trong những hoạt động của Tổ phòng chống dịch tự quản mà phường Hiệp Thành, Quận 12 thành lập khi dịch bệnh sốt xuất huyết bùng phát nhanh chóng trên địa bàn.
Sốt xuất huyết đang có dấu hiệu chững lại ở TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Đan Phương |
Tổ phòng chống dịch bệnh hoạt động dựa trên lực lượng là các tình nguyện viên của các tổ chức đoàn thể như Chi hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh, Chi hội Nông dân… Hàng ngày, các thành viên chia thành tốp nhỏ đến tận từng hộ gia đình tuyên truyền, vận động diệt lăng quăng, diệt muỗi phòng chống bệnh sốt xuất huyết.
Với hành động “đến từng ngõ, gõ từng nhà” của Tổ phòng chống dịch bệnh, nhiều người dân đã bắt đầu ý thức hơn trong việc dọn dẹp vệ sinh môi trường tại nơi mình sinh sống. Chị Đỗ Thị Tuyết Loan, một người dân sinh sống tại Khu phố 4, phường Hiệp Thành, cho biết sau khi được các thành viên Tổ phòng chống dịch bệnh hướng dẫn các cách diệt muỗi, diệt lăng quăng, chị và gia đình đã tự giác, thường xuyên lật úp các vật chứa nước trong nhà, đồng thời tham gia dọn dẹp vệ sinh môi trường khi Tổ phòng chống dịch phát động.
Nhờ vậy, số ca sốt xuất huyết trên địa bàn phường Hiệp Thành đã giảm rõ rệt. Nếu trong tháng 5 và tháng 6, phường Hiệp Thành có hơn 160 ca bệnh thì trong tháng 7 giảm xuống chỉ còn 30 ca bệnh. Ông Nguyễn Văn Linh, Phó Bí thư Chi bộ Khu phố 4 cho biết: Cứ mỗi tổ dân phố lại có một Tổ phòng chống dịch bệnh, trong đó nòng cốt là Tổ trưởng Tổ dân phố và Tổ trưởng Tổ phụ nữ.
Đánh giá cao về mô hình Tổ phòng chống dịch bệnh tự quản, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, đây là mô hình hiệu quả, vận động được toàn bộ cộng đồng tham gia mà Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cần nhân rộng trong thời gian tới.
Cả hệ thống chính quyền cùng vào cuộc
Từng được coi là là “điểm nóng”, nhiều năm liên tục, Quận 8 luôn dẫn đầu thành phố về số ca mắc sốt xuất huyết. Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây Quận 8 đã trở thành điểm sáng khi luôn khống chế được tỷ lệ gia tăng ca bệnh sốt xuất huyết ở mức thấp. Từ đầu năm 2017 đến nay, Quận 8 có 542 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2016, mức tăng này được đánh giá thấp so với mức tăng chung 27% của toàn thành phố.
Bác sỹ Nguyễn Thị Hồng Biên – Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Quận 8 cho biết, để có được thành quả này, trước hết là nhờ sự quyết liệt của lãnh đạo quận và sự vào cuộc, đồng lòng của các ban, ngành và người dân trên địa bàn. Đích thân lãnh đạo Ủy ban nhân dân quận thường xuyên làm Trưởng đoàn đi khảo sát từng điểm nguy cơ, lên kế hoạch, sau đó giao cho các phường xử lý triệt để các điểm nguy cơ này.
Đối với các kênh rạch trên địa bàn, UBND quận giao nhiệm vụ cho Công ty Dịch vụ công ích Quận 8 thường xuyên xử lý, nạo vét, vớt rác, khơi thông… Với những ngôi nhà bỏ hoang, những điểm ô nhiễm không tìm được chủ, địa phương sẽ vận động các ban, ngành, đoàn thể dọn dẹp vệ sinh, rào kín, không để người dân tiếp tục vứt rác bừa bãi.
Đến nay, trong tổng số 66 điểm nguy cơ lớn của Quận 8, đã giải quyết triệt để được 59 điểm nguy cơ, chỉ còn 7 điểm nguy cơ chưa xỷ lý được. Cá biệt một số trường hợp vượt quá khả năng của các phường và ngành y tế, Ủy ban nhân dân quận sẽ vào cuộc chỉ đạo xử lý.
Đơn cử tại rạch Bà Rô nằm trên địa bàn Phường 16, một trong những điểm đen của quận về môi trường và dịch bệnh, trong đó có sốt xuất huyết. Đây là khu vực kênh rạch bị lấn chiếm, người dân làm nhà ngay trên kênh, rác thải vứt bừa bãi, ứ đọng quanh năm.
Trước tình trạng đó, Trung tâm Y tế Quận 8 đã kiến nghị Ủy ban nhân dân quận can thiệp và một dự án làm sạch con kênh đã được triển khai. Rạch Bà Rô đã thông thoáng, từ đầu năm 2017 đến nay không ghi nhận ca bệnh sốt xuất huyết ở khu vực này.
Một trong những thành công nhất của công tác phòng chống sốt xuất huyết tại Quận 8 là việc tuyên truyền, vận động người dân tham gia dọn dẹp vệ sinh môi trường, thay đổi tập quán sinh hoạt. “Chúng tôi đến từng nhà, vận động người dân thay đổi hành vi, thay đổi tập quán sinh hoạt, dọn dẹp vật chứa, rác thải, súc rửa lu vại chứa nước, diệt lăng quăng phòng ngừa sốt xuất huyết”, bác sỹ Nguyễn Thị Hồng Biên chia sẻ.
Ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh nhận định, địa phương nào cũng quyết liệt như Quận 8 và có cách làm sáng tạo như Quận 12 thì dịch bệnh sốt xuất huyết của thành phố chắc chắn sẽ giảm. Tuy nhiên, ông Hưng cho rằng, phải giữ được các phong trào phòng chống dịch bệnh một cách lâu dài, bền vững thì mới đẩy lùi được dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn.
Ý kiến ()