Thứ Bảy, 23/11/2024 13:57 (GMT +7)

Quảng Bình có thể tạo nên làn gió “Đại Phong” cho du lịch Việt Nam?

Thứ 7, 26/08/2017 | 09:31:00 [GMT +7] A  A

VOV.VN – Với lợi thế lớn về phát triển du lịch, Thủ tướng đặt vấn đề Quảng Bình có thể tạo nên một làn gió “Đại Phong” mới cho du lịch Việt Nam.

Chiều 25/8, tại Quảng Bình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cùng đoàn công tác của Chính phủ làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Quảng Bình về tình hình triển khai nhiệm vụ kinh tế- xã hội.

quang binh co the tao nen lan gio dai phong cho du lich viet nam hinh 1
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc.

Quảng Bình là tỉnh có nhiều lợi thế phát triển kinh tế – xã hội như giáp biển; có đường biên giới giáp Lào; có hệ thống giao thông khá đồng bộ với sân bay Đồng Hới, quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh, đường sắt Bắc Nam, cảng biển Hòn La có thể đón tàu từ 3 – 5 vạn tấn, quốc lộ 12A qua cửa khẩu quốc tế Cha Lo với Lào, Thái Lan, Myanmar và các nước Đông Nam Á.

Quảng Bình cũng có di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng và nhiều thắng cảnh là những thế mạnh du lịch hiếm thấy ở Việt Nam và thế giới.

Tuy vậy, kinh tế – xã hội của tỉnh vẫn còn khó khăn, nhất là năm 2016 được đánh giá là khó khăn nhất trong 30 năm qua, do sự cố biển miền Trung và thiên tai như mưa lũ, rét đậm, rét hại tác động xấu đến hoạt động khai thác hải sản và du lịch. Năm 2016, tăng trưởng kinh tế của tỉnh chỉ đạt 4,5%.

Về việc khắc phục và bồi thường, hỗ trợ thiệt hại do sự cố môi trường biển gây ra, tỉnh Quảng Bình đã tuyên truyền, vận động, đối thoại trực tiếp để tháo gỡ những vướng mắc của người dân, vận động nhân dân đoàn kết, vươn lên vượt qua khó khăn. Đến nay, tỉnh đã cơ bản hoàn thành việc hỗ trợ, bồi thường cho người dân với tổng số tiền là trên 2.634 tỷ đồng, bằng trên 99% số tiền đã phê duyệt.

Sau 7 tháng năm 2017, kinh tế – xã hội của tỉnh đã có sự khởi sắc trở lại. Trong đó, tình hình an ninh trật tự và an toàn xã hội đã ổn định. Kinh tế nửa đầu năm đã tăng 6,5%; sản xuất thủy sản có sự phục hồi, sản lượng khai thác tăng gần 15% so với cùng kỳ. Khách du lịch đến với tỉnh cũng đạt 1,5 triệu lượt. Thu ngân sách 7 tháng ước đạt gần 2.000 tỷ đồng.

Đóng góp về định hướng phát triển cho Quảng Bình, lãnh đạo các Bộ cho rằng, Quảng Bình hội tụ các loại hình du lịch nổi tiếng của Việt Nam với có tài nguyên du lịch độc đáo, hiếm trên thế giới là số lượng lớn và quy mô lớn. Thậm chí nếu chọn các điểm đến để xây dựng thương hiệu du lịch quốc gia thì chỉ có hang Sơn Đoòng của Quảng Bình và vịnh Hạ Long của Quảng Ninh. Do đó Quảng Bình cần tập trung cho mũi nhọn này. Cùng với đó là tập trung phát triển kinh tế biển và công nghiệp chế biến hải sản, đẩy mạnh xuất khẩu lao động.

Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng biểu dương tỉnh có đổi mới trong chỉ đạo để tăng cường tính hiệu quả. Đảng bộ, chính quyền tỉnh đoàn kết, có khát vọng và niềm tin, từ đó tìm ra định hướng phát triển.

Dù còn khó khăn nhưng từ đầu năm đến nay, kinh tế của tỉnh tăng trưởng tốt, trong đó nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ đều tăng, riêng du lịch tăng trưởng cao. Sản xuất của tỉnh phục hồi trong đó có khai thác chế biến thủy sản. Xây dựng nông thôn mới có nhiều cố gắng, đời sống người dân được nâng lên. Công tác bảo vệ rừng đầu nguồn tự nhiên được chú trọng triển khai. Dù có sự cố môi trường biển miền Trung nhưng tỉnh đã giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra những khó khăn, thách thức và điểm yếu của Quảng Bình, đó là 79% diện tích đất đai là đồi núi, thời tiết khắc nghiệt, thiên tai hạn hán thường xuyên, chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Là tỉnh nằm ở trung điểm hẹp của cả nước khiến khó liên kết phát triển. Cơ sở hạ tầng còn lạc hậu, quy mô kinh tế nhỏ và sức cạnh tranh thấp, các khu kinh tế và công nghiệp còn “vắng vẻ” nhà đầu tư.

Chất lượng nguồn nhân lực là thách thức lớn trước yêu cầu phát triển. Môi trường đầu tư kinh doanh còn đứng ở vị trí thấp, thứ 44 cả nước. Thủ tướng cũng lưu ý tỉnh còn tiềm ẩn những vấn đề về an ninh trật tự.

Về nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng lưu ý tỉnh với tinh thần không ai bị bỏ lại phía sau, Quảng Bình cần chú trọng phát triển và cơ cấu lại cả ba lĩnh vực phát triển là nông nghiệp – công nghiệp – dịch vụ. Nhưng con đường đi đến sự thịnh vượng của Quảng Bình đó là dịch vụ hóa nền kinh tế, lấy du lịch làm nền tảng phát triển. Bởi khi du lịch phát triển sẽ kéo theo sự phát triển của các lĩnh vực như bất động sản, thương mại, tiêu dùng, nông nghiệp chất lượng cao phục vụ du khách…

Theo Thủ tướng, Quảng Bình là một Việt Nam xanh thu nhỏ, giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, nhất là văn hóa bản địa với sự đặc sắc nhiều dấu ấn lịch sử. Chính những dấu ấn lịch sử và tiềm năng đó đã và đang thu hút khách du lịch trên khắp thế giới.

“Tại cuộc họp này, chúng ta nêu ra một vấn đề liệu Quảng Bình có thể tạo nên một làn gió “Đại Phong” mới cho du lịch Việt Nam hay không? Chúng ta phải nghĩ ra một làn gió “Đại Phong” mới về du lịch, dịch vụ ở Quảng Bình. Liệu Quảng Bình có thể là dấu ấn đầu tiên lan tỏa về hình ảnh Việt Nam, một vẻ đẹp không những bất tận mà còn huyền bí hay không? Đây chính là sứ mệnh của Quảng Bình đối với cả nước và cho bản thân Quảng Bình” – Thủ tướng nhấn mạnh.

Để thực hiện được điều đó, Thủ tướng cho rằng, việc trước mắt là Quảng Bình cần nâng cao chất lượng quy hoạch, có tầm nhìn, đồng bộ và không mâu thuẫn, triệt tiêu lẫn nhau. Đặc biệt là không đặt ra chiến lược phát triển kiểu đâu cũng là mũi nhọn. Cùng với đó là cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh một cách thực chất để phát triển doanh nghiệp.

Theo Thủ tướng, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, mà đòn bẩy chính là lãnh đạo đối thoại, tiếp xúc thường xuyên với doanh nghiệp để giải quyết khó khăn vướng mắc. Thành lập đường dây nóng, giải đáp hỗ trợ đăng ký kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính trực tiếp, xây dựng hệ thống chấm điểm thủ tục hành chính, dịch vụ công.

“Phải đối thoại với doanh nghiệp xem anh làm như thế nào, đánh giá cán bộ thực chất trên kết quả công việc đề ra, tạo động lực trong quá trình làm việc. Muốn phát triển được mạnh mẽ thì đầu tiên phải phát triển hệ thống doanh nghiệp, hợp tác xã. Tôi đề nghị các đồng chí đến năm 2020 đạt được 10.000 doanh nghiệp, giờ là 6.000”- Thủ tướng nhấn mạnh.

Cùng với tạo lập so sánh mới thông qua các cơ chế, để đáp ứng sự phát triển, Thủ tướng yêu cầu tỉnh cần đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tháo gỡ một số điểm nghẽn về cơ sở hạ tầng. Tỉnh cần thu hút nhân lực chất lượng cao, kể cả cán bộ quản lý giỏi về tỉnh. Trong quá trình phát triển, tỉnh cần chú trọng phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, sử dụng năng lượng tiết kiệm, sử dụng năng lượng sạch và hiệu quả.

Về khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao, tỉnh cần đẩy mạnh ứng dụng trong các lĩnh vực, kể cả nuôi tôm; gắn khoa học công nghệ với bảo vệ môi trường khu công nghiệp, môi trường biển, môi trường sông…

Tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cho ý kiến và chỉ đạo về một số kiến nghị của tỉnh Quảng Bình, trong đó có những kiến nghị về phát triển hạ tầng để phát triển du lịch./.

Vũ Dũng/VOV

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu