Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Sáu, 22/11/2024 08:52 (GMT +7)
Rét đậm – người nhập viện tăng
Thứ 3, 22/12/2015 | 00:00:00 [GMT +7] A A
Cả nước đang phải gánh chịu đợt rét đậm có cường độ lạnh nhất từ đầu mùa đông tới nay. Mưa rét kéo dài suốt một tuần qua đã ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống của người dân, nhất là ở các tỉnh, thành phía Bắc và đặc biệt là ở vùng núi cao, vùng sâu, vùng xa. Trong đó, đáng lo ngại nhất là cái rét “cắt da, cắt thịt” đang khiến rất nhiều người, nhất là trẻ em và người già đổ bệnh phải nhập viện chữa trị.
Nhiều người già phải vào bệnh viện cấp cứu do rét đậm gây ra. Ảnh: Quốc Khánh
Ùn ùn nhập viện
Theo TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, trong những ngày rét đậm vừa qua, số bệnh nhi tới bệnh viện khám và phải nhập viện điều trị có chiều hướng tăng cao, khoảng 2.000 cháu/ngày. Trong đó, phần lớn là trẻ mắc các bệnh về đường hô hấp, sốt cao và tiêu chảy do thời tiết giá lạnh gây ra. Cùng với đó, ghi nhận tại Khoa Nhi của Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Xanh Pôn cũng cho thấy, số trẻ tới khám và nhập việc do thời tiết rét đậm, rét hại tăng khoảng 10%. Trong đó, có nhiều trẻ em bị viêm đường hô hấp, cảm lạnh, sốt cao và tiêu chảy, đặc biệt có một số trẻ đã phải cấp cứu vì viêm phổi nặng.
Thời tiết giá rét cũng ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe của người lớn, nhất là những người cao tuổi. Tại Bệnh viện Bạch Mai, Viện Tim mạch quốc gia, Bệnh viện Lão khoa Trung ương, số người cao tuổi mắc các bệnh tim mạch, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, bệnh về hô hấp phải nhập viện cũng nhiều hơn. Chỉ riêng Viện Tim mạch quốc gia, trong những ngày giá rét có từ 400 – 450 bệnh nhân tới viện điều trị, với các bệnh liên quan đến huyết áp, tim, mạch vành, đau thắt ngực và đều ở mức độ nặng do thời tiết quá lạnh.
Người bệnh và thân nhân co ro vì giá rét trong lúc chờ khám bệnh
Đáng chú ý, thời tiết rét đậm không chỉ làm gia tăng bệnh nhân trong các bệnh viện tuyến cuối ở Hà Nội mà nhiều bệnh viện tại các tỉnh miền núi như: Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Cao Bằng, Lạng Sơn… cũng trở nên quá tải do lượng bệnh nhân tăng đột biến. BS Vàng A Sàng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái cho biết, rét đậm mấy ngày qua cũng khiến số lượng bệnh nhân nhập viện tăng nhanh, bình quân mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận trên 300 lượt người đến khám chữa bệnh, số người phải nhập viện điều trị cũng tăng 6% – 8% so với tháng trước. Riêng Khoa Nhi đã tiếp nhận gần 100 trẻ trong tổng số hơn 450 bệnh nhân nhập viện điều trị ở các khoa trong tuần qua. Tuy chưa xảy ra tình trạng quá tải giường bệnh, nhưng đội ngũ y bác sĩ phải tăng cường làm việc để phục vụ người bệnh. Còn tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La, trong vòng hơn 1 tuần qua cũng có tới 4.000 lượt bệnh nhân tới khám và điều trị các bệnh do thời tiết giá rét gây ra, trong đó có gần 500 người phải nhập viện điều trị, tăng cao so với tháng trước. Hầu hết các bệnh nhân tới đây đều là người già, trẻ nhỏ, đều có những triệu chứng như: ho, sốt, khó thở hoặc đau nhức xương khớp. Thậm chí tại bệnh viện tuyến huyện như Trung tâm y tế huyện Tam Đường (Lai Châu), hơn một tuần qua cũng đã có hàng trăm lượt bệnh nhi nhập viện, trong đó trung bình mỗi ngày Khoa Nhi tiếp nhận gần 90 bệnh nhân đến điều trị, chủ yếu là các cháu bị viêm đường hô hấp do thời tiết rét buốt gây ra.
Chủ động chống rét cho người bệnh
Trước số lượng bệnh nhân nhập viện tăng cao do giá rét gây ra đã ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động của bệnh viện. Tại một số khoa phòng điều trị như: cấp cứu, hô hấp, nhi, tiêu hóa đã xảy ra hiện tượng bệnh nhân phải nằm ghép. Bệnh nhân tăng cao khiến y, bác sĩ đã phải căng sức làm việc mà bệnh viện cũng phải chuẩn bị nhiều hơn để giúp người bệnh chống rét. Tại một số bệnh viện lớn, hệ thống máy sưởi, điều hòa nóng và nước nóng phải hoạt động hết công suất để phục vụ người bệnh chống rét. Bên cạnh đó, do thời tiết giá rét khắc nghiệt nên bệnh viện cũng đã tạo điều kiện cho người bệnh và người nhà bệnh nhân được mang thêm chăn ấm, máy sưởi vào viện để chống rét. Trong khi đó, tại các bệnh viện ở miền núi do điều kiện cơ sở vật chất còn rất thiếu nên các bệnh viện cũng chỉ có thể tăng cường thêm chăn ấm, lắp thêm đèn sưởi, lò sưởi trong phòng và đóng kín cửa phòng điều trị để cho bệnh nhân đỡ rét hơn.
Theo dự báo vào cuối tháng 12 và tháng 1-2016, các tỉnh miền Bắc còn phải gánh chịu từ 2-3 đợt rét đậm, rét hại nữa. Do đó, để bảo vệ sức khỏe, phòng tránh các bệnh thường gặp do thời tiết giá lạnh gây ra, người già và trẻ nhỏ là hai đối tượng cần được quan tâm nhiều nhất tới việc giữ gìn sức khỏe. Theo một số chuyên gia y tế, để hạn chế việc trẻ nhiễm các bệnh trong thời điểm hiện tại, các bậc cha mẹ nên giữ ấm cho trẻ. Chế độ ăn uống phù hợp, nhiều chất dinh dưỡng để tăng cường sức đề kháng cho trẻ. Bên cạnh đó, nên giữ vệ sinh răng miệng cho trẻ. Cha mẹ cần đặc biệt chú ý mặc ấm cho trẻ vì nếu mặc quá nhiều áo, trẻ bị toát mồ hôi có thể ngấm lại vào cơ thể gây cảm lạnh, sốt cao. Ngoài ra, thời tiết mùa đông xuân cũng khiến cho trẻ dễ bị mắc các bệnh như sởi, tiêu chảy do rotavius, sốt virus. Vì vậy, cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay nếu trẻ bị sốt cao liên tục, li bì, nôn nhiều, đau đầu, co giật.
Đối với người cao tuổi, để bảo vệ sức khỏe trong những ngày giá lạnh, mọi người nên chú ý giữ ấm cổ, chân, khi đi ra ngoài đường cần đeo khẩu trang. Đặc biệt, những người có thói quen tập thể dục buổi tối hay sáng sớm vẫn nên duy trì tập thể dục đều đặn, nhưng phải mặc ấm khi ra đường và không nên ra đường quá sớm hay quá muộn để tránh nhiễm lạnh. Những người có bệnh mãn tính phải thường xuyên kiểm tra sức khỏe, đo huyết áp hàng ngày, chú ý luôn giữ ấm cơ thể, tránh nhiễm lạnh đột ngột, đồng thời ăn uống đủ chất, để tăng sức đề kháng.
MINH KHANG- SGGPO
Ý kiến ()