Thứ Hai, 25/11/2024 21:36 (GMT +7)

Sàn giao dịch và môi giới bất động sản vượt bão dịch COVID-19

Thứ 7, 21/08/2021 | 09:30:00 [GMT +7] A  A
Đã đăng vào 21/08/2021 lúc 9:30

Từ đợt dịch COVID-19 đầu năm 2020 đến nay, thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam đã hứng chịu thiệt hại nghiêm trọng bởi quy định giãn cách, nhất là sau đợt dịch lần thứ 4 bùng phát, diễn biến phức tạp, đã khiến hàng nghìn nhà môi giới BĐS thất nghiệp, kéo theo tâm lý khủng hoảng, bỏ cuộc của nhiều cá nhân, đơn vị môi giới BĐS và các sàn giao dịch.

Khó khăn chồng chất

Chia sẻ tại tọa đàm “Khó khăn của các dự án BĐS khi thị trường không thể giao dịch và vai trò của sàn giao dịch, môi giới BĐS trong bối cảnh dịch COVID-19″ ngày 20/8, bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng giám đốc Công ty CP BĐS Đại Phúc Land cho biết, thị trường BĐS đang đối mặt với hàng loạt thách thức, khó khăn chưa từng có do dịch bệnh gây ra. Giãn cách xã hội kéo dài tại nhiều tỉnh thành, đặc biệt là TP Hồ Chí Minh đã bước sang tháng thứ 3, khiến hầu hết doanh nghiệp BĐS buộc phải đóng cửa, chuyển sang chế độ làm việc tại nhà hoặc tạm dừng hoạt động.

Theo đo lường mới nhất trên các trang thông tin BĐS hàng đầu như batdongsan.com, nhà đầu tư vẫn có sự quan tâm BĐS, nhưng tỷ lệ quan tâm giảm xuống do tâm lý chờ đợi và thận trọng chờ tâm dịch qua đi. Ngoài yếu tố an toàn về sức khỏe, tình hình khó khăn chung của các doanh nghiệp là về dòng tiền, công ăn việc làm và thu nhập cũng ảnh hưởng đến quyết định đầu tư của khách hàng trong giai đoạn hiện nay.

Dịch COVID-19 khiến các dự án BĐS ngừng trệ hoạt động xây dựng

Dưới góc độ chủ đầu tư nguồn cung các dự án BĐS, đại diện các “ông lớn” BĐS đều phản ánh khó khăn chồng chất khó khăn như: Kế hoạch kinh doanh bị phá vỡ nghiêm trọng, buộc các doanh nghiệp phải điều chỉnh giảm từ 30% hoặc cao hơn; doanh thu bán hàng sụt giảm nghiêm trọng, trong khi chi phí đầu vào tăng dẫn đến hiệu quả hoạt động giảm sâu (năm 2021, các doanh nghiệp đạt được 50% kế hoạch đề ra đã là sự nỗ lực không đơn giản); nhiều doanh nghiệp đầu tư nền tảng bán hàng trực tuyến, nhưng chỉ phù hợp với thương hiệu lớn, uy tín, trong khi thói quen giao dịch truyền thống là rào cản của hình thức trực tuyến.

Chưa hết, hầu hết tiến độ thi công các công trình dự án đều bị ảnh hưởng tiến độ. Giá cả vật liệu leo thang làm gia tăng chi phí đầu vào đáng kể cho các công trình. Đại dịch cũng làm biến động nguồn lao động phục vụ cho công trường. Chính vì vậy, sau khi dịch bệnh qua đi, việc tìm kiếm nhân công lao động cho các dự án sẽ trở thành vấn đề lớn của các nhà thầu xây dựng. Bên cạnh đó, áp lực về nguồn tiền và khả năng trả nợ vay vô cùng lớn và rủi ro cao.

Ngoài ra, nguồn lực dự phòng cho các hoạt động phục hồi của các doanh nghiệp đang dần cạn kiệt. Hoạt động đầu tư kinh doanh BĐS luôn đòi hỏi nguồn lực lớn, nhưng sau gần 2 năm dịch bệnh, nguồn lực dự phòng của các doanh nghiệp đang “bốc hơi”, khi dịch bệnh qua đi, việc tái đầu tư để khôi phục các hoạt động đầu tư và bán hàng là thách thức lớn đặt ra…

Trước thực tế trên, ông Nguyễn Văn Đính, Tổng Thư ký Hội môi giới BĐS Việt Nam cho biết, trong tình huống khó khăn bao vây các chủ đầu tư, hệ thống các sàn môi giới BĐS cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Hơn 10 năm qua, hệ thống sàn môi giới BĐS đã phát triển nhanh chóng về cả số lượng và chất lượng. Nhiều sàn có quy mô lên đến hàng trăm nhân sự, thậm chí vượt con số 1.000 nhân viên kinh doanh. Đây là đội ngũ nòng cốt có vai trò quan trọng làm cầu nối giúp các chủ đầu tư phân phối sản phẩm BĐS đến với khách hàng.

Song, đối mặt với đại dịch, các sàn môi giới bị thiệt hại nặng nề do đa số các doanh nghiệp môi giới nguồn lực mỏng, không đủ dự phòng khi thị trường ngưng trệ kéo dài, không có sản phẩm để bán, dẫn đến doanh thu không có, trong khi các chi phí duy trì hoạt động như trả lương nhân viên, chi phí mặt bằng, điện nước và các chi phí khác vẫn phải chi. Ít nhất có khoảng 30% các sàn môi giới BĐS giải thể trong đợt đại dịch lần thứ 4 này.

Những khó khăn trên, cấp thiết cần sự lắng nghe và các giải pháp trợ lực kịp thời cho các doanh nghiệp BĐS vượt qua được giai đoạn căng thẳng hiện nay, với hy vọng vào quá trình phục hồi nhanh chóng và hiệu quả hơn sau đại dịch. Qua đó, giúp các doanh nghiệp tiếp tục đóng góp vào sự phát triển của thị trường BĐS và phát triển kinh tế cả nước.

Những kiến nghị cấp thiết

Ông Nguyễn Thọ Tuyển, Chủ tịch HĐQT BHS GROUP chia sẻ, các sàn giao dịch và môi giới BĐS trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn đang cố duy trì hoạt động bình thường, chỉ khác nhau về sức khỏe tài chính, chiến lược và khả năng của người lãnh đạo. Sau mỗi đợt khủng hoảng, sẽ có nhiều sàn đóng cửa và cũng có nhiều sàn mở mới. Sự thanh lọc giúp cho thị trường có những sàn khỏe mạnh hơn, minh bạch hơn.

Các sàn giao dịch BĐS cũng “đóng băng” do dịch

Tuy nhiên, các sàn đều có chung những đề xuất khẩn thiết như: Được tiêm vaccine dịch vụ càng sớm càng tốt để thị trường sớm trở lại bình thường hay cụ thể là Hiệp hội BĐS Việt Nam cần có Quỹ vaccine riêng cho ngành; giãn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế VAT đến cuối 2022; Chính phủ sớm cấp hộ chiếu vaccine cho những người tiêm đủ 2 mũi để hoạt động thương mại BĐS diễn ra bình thường.

Về vấn đề này, ông Phạm Lâm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Môi giới BĐS Việt Nam cho biết thêm, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, việc thu hồi công nợ của các chủ đầu tư hiện nay chậm và gặp nhiều khó khăn. Do đó, các doanh nghiệp BĐS đề xuất Hội có chính sách tác động để hỗ trợ thu hồi nhanh dòng tiền và công nợ, kiến nghị Chính phủ và các cơ quan quản lý Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn lãi suất 0% để chi trả các khoản cố định và đầu tư vào hoạt động kinh doanh, để sớm có doanh thu trở lại, ổn định đầu tư kinh doanh.

Ở góc độ kinh doanh, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Kênh thông tin số 1 về thị trường BĐS Việt Nam batdongsan.con.vn cho rằng, trong khi chờ sự hỗ trợ từ các kênh, để duy trì hoạt động, các doanh nghiệp, sàn giao dịch và môi giới BĐS cần triển khai các chương trình khuyến mại và giảm giá trực tiếp, bằng quà tặng hoặc giảm tỷ lệ đặt cọc; mở các trang thương mại điện tử bán, đặt cọc, quảng cáo online; khai phá các dữ liệu để tìm hiểu khách hàng, vận hành tối ưu bộ máy… nhằm phục vụ bán hàng đúng đối tượng.

Vân Sơn/Báo Tin tức

https://baotintuc.vn/bat-dong-san/san-giao-dich-va-moi-gioi-bat-dong-san-vuot-bao-dich-covid19-20210820114911161.htm

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu