Thứ Ba, 26/11/2024 05:51 (GMT +7)

Tâm thư xúc động của ca sĩ Thanh Lam nhân Ngày của Mẹ

Thứ 2, 15/05/2017 | 10:52:00 [GMT +7] A  A

“Có phải có những khi con khắt khe với mẹ để mong mẹ cố gắng hơn điểm này; hoàn thiện hơn ở điểm kia; con lấy sự hãnh tiến của mình để suy tư về mẹ. Rồi con ngộ ra rằng mỗi chúng ta ai cũng muốn hoàn thiện để có cơ hội tạo ra các thành tựu cho bản thân mình.”

Diva Thanh Lam và mẹ, NSƯT Thanh Hương.

Nhân “Ngày của mẹ” (Mother’s Day, được quy định là ngày chủ nhật thứ 2 của tháng 5, năm nay là ngày 14/5), nữ ca sĩ những tưởng đã lớn Thanh Lam; bỗng nhiên “bé bỏng” viết tâm thư đầy xúc động gửi mẹ.

“Mẹ!

Con cũng là một người mẹ; có những khi con đã tưởng chừng như mình đã hiểu được mẹ nhưng rồi ngày tháng qua đi; với những thăng trầm của cuộc sống con lại tự mình khám ra nhiều hơn về sự hy sinh và tình thương vô hạn của mẹ.

Để có một gia đình, chúng ta sẽ có được do nhân duyên và nỗ lực của mình, nhưng để giữ gìn và phát triển thì lúc đó mới thấy cần sự hy sinh của mẹ.

Gia đình là một tế bào và phải là tế bào tốt, thành tựu là điều ai cũng mong muốn, vươn tới và dành nó cho mình. Nhưng chỉ có mẹ, mẹ nghĩ đến thành tựu của cả gia đình; đó là thành tựu của ba, thành tựu của các con.

Có phải có những khi con khắt khe với mẹ để mong mẹ cố gắng hơn điểm này, hoàn thiện hơn ở điểm kia, con lấy sự hãnh tiến của mình để suy tư về mẹ. Rồi con ngộ ra rằng mỗi chúng ta ai cũng muốn hoàn thiện để có cơ hội tạo ra các thành tựu cho bản thân mình. Nhưng cái đó dù lớn thế nào vẫn là hữu hạn và phai nhoà theo thời gian. Chỉ có tình thương người mẹ mới đủ sức mạnh hy sinh bản thân mình; để nuôi dưỡng những thành tựu trở nên trường tồn như con nhện biết lấy thân mình làm thức ăn cho con; vì sự tồn tại của giống nòi.

Mấy ngày nữa là hai mẹ con mình đi nhận giải thưởng của Nhà nước trao cho ba, thành tựu này chứa đựng những giọt nước mắt hạnh phúc của mẹ! Người khán giả đầu tiên của mỗi ca khúc của ba luôn là mẹ; nhà phê bình cũng là mẹ. Và rồi khi ca khúc ra với công chúng; người khán giả trung thành và yêu thương vô điều kiện trong mỗi đêm diễn của con luôn là mẹ.

Mẹ đã lấy sự thành công của ba, của các con, của các cháu… làm thành tựu của mình để luôn hy sinh; hy sinh cho sự vô hạn. Để những gì chúng con có được hôm nay đều được thắp lên từ ngọn lửa yêu thương của mẹ.

Đó là lý do vì sao những đấng vĩ nhân như Napoleon đại đế đã thốt lên rằng: Tương lai của con luôn là công trình của người mẹ”.

Mẹ của diva Thanh Lam là NSƯT Thanh Hương, người phụ nữ tài sắc nhưng đã hy sinh sự nổi tiếng của mình, cho ánh hào quang của chồng và các con.

Từng là cô sinh viên Nhạc viện Hà Nội nổi tiếng bởi sự duyên dáng, đằm thắm, khiến nhiều chàng trai cùng lứa say mê, theo đuổi; nhưng NSƯT Thanh Hương khi đó chỉ “chấm” nhạc sĩ Thuận Yến – người con trai đất Quảng Nam – Đà Nẵng. Ngày đó, nhạc sĩ Thuận Yến vừa gầy, vừa đen, nhưng chính sự chân thành, giản dị và tài năng âm nhạc của ông đã chinh phục NSƯT Thanh Hương. Yêu nhau là tình đầu, và cũng là mối tình duy nhất cho đến giờ, nhạc sĩ Thuận Yến và NSƯT Thanh Hương luôn là tấm gương lớn cho con cái về tình yêu, sự chung thủy và hi sinh vì nhau suốt cả những năm chiến tranh cho đến khi về già.

Yêu nhau từ khi còn học trong nhạc viện Hà Nội, khi ra trường, nghệ sĩ Thanh Hương được phân công ở lại giảng dạy tại trường , còn nhạc sĩ Thuận Yến được lệnh vào chiến trường chiến đấu. Năm 1963 – 1964, khi nhạc sĩ Thuận Yến lên đường ra trận, ông đã đề nghị bà Thanh Hương đi cùng. Lúc đó tình yêu vừa mới chớm nở, nhưng bà vẫn bỏ công việc giảng dạy nhàn nhã để theo ông vào chiến trường, tham gia đoàn văn công giải phóng Thừa Thiên Huế. Yêu nhau từ năm 1960, nhưng đến năm 1968, nhạc sĩ Thuận Yến và nghệ sĩ Thanh Hương mới nên vợ nên chồng. Họ lấy nhau ngay giữa chiến trường, chứng nhân chính là những người đồng chí, đồng đội của họ.

Nhưng thời đó, cuộc sống ngoài chiến trường vô cùng khó khăn và khốc liệt. Sức vóc của một nữ nghệ sĩ đã không chịu đựng được những gian khổ đó, nên năm 1968, NSƯT Thanh Hương đã phải chia tay chồng để trở về Hà Nội chữa bệnh. Sau này, chính cái giây phút bịn rịn chia tay ở đường 9 – Quảng Trị, chưa biết sống chết của chiến tranh, chưa biết có hay không ngày gặp lại, đã là nguồn cảm hứng cho nhạc sĩ Thuận Yến sáng tác bài “Chia tay hoàng hôn” nổi tiếng cho đến tận bây giờ. Năm 1968 là năm cuộc kháng chiến chống Mỹ đang vào giai đoạn khốc liệt nhất. Khi vợ chồng nhạc sĩ Thuận Yến chia tay nhau, mỗi người một ngả, nhạc sĩ Thuận Yến không hề biết rằng khi đó vợ ông đang mang trong mình đứa con gái đầu lòng Thanh Lam.

Ngày đó, khi ra đến Hà Nội, một mình nghệ sĩ Thanh Hương phải tự lo chữa chạy bệnh tật, vừa phải lo công tác giảng dạy vô cùng vất vả. Nên khi biết tin mình có thai giữa hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt, nghệ sĩ Thanh Hương đã từng nghĩ đến việc bỏ đứa con đó vì lo mình không thể nuôi con giữa thời bao cấp và chiến tranh gian khó như thế. Nhưng khi ấy, rất nhiều người đã khuyên bà giữ lại giọt máu này, bởi ai cũng lo sợ chiến trường khốc liệt như thế, nhạc sĩ Thuận Yến có thể sẽ không bao giờ trở về. Vì muốn giữ lại giọt máu mình có với chồng, nghệ sĩ Thanh Hương đã vượt qua cuộc sống khó khăn để sinh con và nuôi nấng cô con gái đầu lòng của ông bà, cô bé mà sau này đã trở thành Diva nổi tiếng Thanh Lam.

Những năm tháng chiến tranh vừa phải xa chồng, vừa phải nuôi con nhỏ một mình là những năm tháng không thể quên với NSƯT Thanh Hương. Khi Thanh Lam mới ra đời, do không có điều kiện chăm sóc cẩn thận, chị đã bị trúng gió độc dẫn đến bị méo miệng, NSƯT Thanh Hương phải đưa con đi chữa chạy hết nhà thầy thuốc này đến nhà thầy thuốc khác. Có những lúc, bác sĩ châm lên mặt Thanh Lam 80 chiếc kim châm cứu. Vất vả gian nan suốt 1 năm trời mới chữa khỏi bệnh. Vì thế, có một Thanh Lam xinh đẹp và duyên dáng như ngày hôm nay là không biết bao nhiêu âu lo, vất vả của người mẹ…

Không chỉ với con cái, sau mỗi thành công của nhạc sĩ Thuận Yến sau này, đều có bóng dáng của người phụ nữ tảo tần, có phần lặng lẽ này…

PT/ Báo Tin Tức

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu