Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Bảy, 23/11/2024 02:48 (GMT +7)
Tân Hưng tổng kết mô hình trình diễn phân bón Cà Mau trên cây lúa
Thứ 7, 30/03/2024 | 11:00:54 [GMT +7] A A
Ngày 28/3, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Tân Hưng phối hợp với Công ty Cổ phần phân bón dầu khí Cà Mau, tổ chức tổng kết mô hình trình diễn phân bón Cà Mau trên cây lúa vụ đông xuân 2023 - 2024. Đại diện Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội Nông dân huyện và hơn 30 nông dân trên địa bàn xã Hưng Điền B đến dự.
Mô hình triển khai thực hiện tại ấp Gò Pháo, xã Hưng Điền B trên diện tích 05 ngàn mét vuông của hộ anh Nguyễn Văn Mỵ và sử dụng giống Đài thơm 8, lượng giống gieo sạ là 120 kg/hecta. Theo đó, diện tích đối chứng bón phân theo tập quán của nông dân, còn diện tích trong mô hình bón phân theo công thức khuyến cáo của Công ty. Cụ thể, nông dân trong mô hình bón phân Mùa vàng 1 (NPK 20-10-10) cho 02 đợt đầu khi lúa ở giai đoạn 07 ngày sau sạ và 20 ngày sau sạ; bón đợt thứ 03 sử dụng phân Mùa vàng 2 (NPK 17-6-17) khi lúa được 38 ngày sau sạ và số lượng phân bón cho mỗi đợt là 150 kg/hecta.
Đánh giá qua quá trình canh tác cho thấy, diện tích lúa trong mô hình ít sâu, bệnh, cứng cây hạn chế đổ ngã và số bông/mét vuông cũng như tỷ lệ hạt chắc trên bông cao hơn ruộng đối chứng. Hiện tại, lúa trong mô hình đã cho thu hoạch, năng suất đạt 6 tấn/hecta, cao hơn đối chứng 405 kg/hecta và lợi nhuận cao hơn 01 triệu đồng/hecta.
Đại biểu và nông dân đánh giá cao 02 loại phân này của Công ty Cổ phần phân bón dầu khí Cà Mau, vì khi sử dụng giúp lúa phát triển tốt, ít sâu bệnh và cho năng suất cao hơn ruộng đối chứng. Ngoài ra, khi sử dụng phân này nông dân không cần trộn thêm các loại phân khác nên đỡ tốn công. Tuy nhiên, lượng phân sử dụng trong mô hình nhiều hơn ruộng đối chứng, đề nghị xem xét, nghiên cứu lại quy trình canh tác để giảm lượng phân hơn; Công ty cần nghiên cứu tăng thêm hàm lượng đạm của 02 sản phẩm phân này, nhằm phù hợp với thổ nhưỡng trên khu vực đất gò cao./.
Văn Sách
Ý kiến ()