Thứ Ba, 24/09/2024 16:12 (GMT +7)

Tân Trụ: Hiệu quả từ mô hình canh tác lúa ứng dụng công nghệ cao

Thứ 6, 01/12/2023 | 13:25:53 [GMT +7] A  A

Sáng 1/12, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tân Trụ phối hợp với UBND xã Bình Lãng tổ chức Hội thảo mô hình Canh tác lúa ứng dụng công nghệ cao gắn với xây dựng nông thôn mới trong vụ Thu đông 2023 tại xã Bình Lãng.

Dự chương trình có  Bà Trần Thị Kim Hoa - Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện; Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp - Ông Nguyễn Công Hùng và sự có mặt của 25 nông dân xã Bình Lãng.

Mô hình canh tác lúa ứng dụng công nghệ cao gắn với xây dựng nông thôn mới

Mô hình Canh tác lúa ứng dụng công nghệ cao gắn với xây dựng nông thôn mới trong vụ Thu đông 2023 được thực hiện tại Ấp Thanh Phong, xã Bình Lãng, do ông nhóm của Lê Văn Dễ làm đại diện. Quy mô 10ha, giống sử dụng là đài thơm 8, ngày sạ từ 8/9/2023 đến 13/9/2023 với mật độ 100kg giống/ha, phương pháp sạ là sạ lan.

Tại buổi hội thảo, đoàn đã khảo sát thực tế mô hình, đồng thời thuyến trình đưa ra những đánh giá hiệu quả từ mô hình cũng như hướng dẫn bà con thực hiện phát triển mô hình.

Qua đánh giá kết luận mô hình canh tác lúa ứng dụng công nghệ cao gắn với xây dựng nông thôn mới năm 2023 cho thấy: Về mặt kỹ thuật, sử dụng giống xác nhận và giảm được lượng giống gieo sạ 20kg/ha so với mật độ sạ của địa phương; nông dân sử dụng phân hữu cơ vi sinh chế phẩm phân huỷ rơm rạ tạo điều kiện cho cây lúa sinh trưởng tốt ngay từ đầu, giảm lượng phân đạm nguyên chất 32kg tương đương với 69kg Ure; công tác thăm đồng thường xuyên và dự báo kịp thời phát hiện các đối tượng gây hại từ đó có biện pháp quản lý kịp thời; khắc phục hiệu quả 1 ha thừa đạm do lượng đạm còn tồn lại sau khi trồng dưa hấu; việc rút nước giữa vụ 2 lần vào 30 ngày và giai đoạn lúa chín sáp, bón phân cân đối đã hạn chế được đỗ ngã, giảm thất thoát sau thu hoạch.

Về mặt kinh tế, ruộng mô hình là 22.085.000 đồng và ruộng đối chứng là 23.900.000 đồng (giảm 11,7%); năng suất dự kiến của ruộng mô hình là 5.900 kg/ha và ruộng đối chứng 5.900kg/ha; tổng thu của ruộng mô hình là 53.100.000 và đối chứng là 53.100.000 đồng (chênh lệch 0 đồng); lợi nhuận của ruộng mô hình là 31.015.000 đồng, của ruộng đối chứng là 29.200.000 đồng  (tăng 9,2%); việc ghi chép sổ nhật ký giúp người nông dân theo dõi được quá trình canh tác và cũng như chi phí sản xuất trên cơ sở đó có sự điều chỉnh về mặt kỹ thuật để nâng cao hiệu quả kinh tế.

Về mặt xã hội, cung cấp cho nông dân những kỹ thuật canh tác tiến bộ hướng hữu cơ tiết kiệm chi phí; thay đổi tập quán gieo sạ với mật độ dày của nông dân sang sạ thưa 100kg/ha bằng máy phun hạt. Về mặt môi trường, sử dụng nước tiết kiệm thông qua rút nước 2 lần giữa vụ, sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật dạng sinh học đã góp phần thực hiện sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, hạn chế ô nhiễm môi trường và ít ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Mô hình Canh tác lúa ứng dụng công nghệ cao gắn với xây dựng nông thôn mới trong vụ Thu đông 2023 là sử dụng phân bón hữu cơ sinh học, chế phẩm phân huỷ rơm rạ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, áp dụng kỹ thuật tiến bộ, giảm ô nhiễm môi trường, tạo ra sản phẩm lúa gạo an toàn cho sức khoẻ con người.

Sự thành công của mô hình giúp mở rộng diện tích trồng lúa, khai thác tiềm năng và phát huy lợi thế của huyện, tạo ra được sản phẩm lúa gạo sạch, có nguồn gốc rõ ràng, đáp ứng được nhu cầu xuất khẩu đối với các thị trường khó tính như hiện nay. Đồng thời nâng cao thu nhập cho người dân, hướng đến sản xuất bền vững./.

Kế Vương

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu