Thứ Sáu, 22/11/2024 07:04 (GMT +7)

Tảo mộ - Nét đẹp truyền thống ngày Tết của người Việt

Thứ 2, 05/02/2024 | 12:46:31 [GMT +7] A  A

Tảo mộ ngày Tết là một trong những phong tục tốt đẹp của người Việt Nam, là nét truyền thống nhắc nhở con người về lòng hiếu thảo, sự biết ơn đối với ông bà, tổ tiên. Ở miền Nam, có gia đình tiến hành tảo mộ thông thường từ khoảng 20 tháng chạp kéo dài đến 25 âm lịch. Ngay từ lúc sáng sớm, từng dòng người tranh thủ tìm về quê xưa, chốn cũ để tảo mộ ông bà, tổ tiên.

Vệ sinh sạch sẽ các phần mộ của ông bà, tổ tiên

Trước khi bắt đầu việc tảo mộ, người cao tuổi nhất và có uy tín trong dòng họ sẽ đại diện thắp nhang, đốt đèn, mời rượu, cúng bánh và khấn vái trước khi động mộ. Công việc chính của tảo mộ là sửa sang các ngôi mộ của tổ tiên cho sạch sẽ, các gia đình dùng xẻng, cuốc để đắp lại nấm mồ, nhổ hết cỏ dại và những cây hoang mọc che lấp mộ, đồng thời trồng thêm cây xanh, hoa Tết.

Nhiều gia đình cho rằng, dịp tảo mộ cuối năm cũng là dịp để con cháu được giãi bày tâm sự với ông bà, tổ tiên những chuyện đã xảy ra trong năm. Trong những ngày này, không khí ở những khu mộ trở nên đông đúc và nhộn nhịp.

Khi đi tảo mộ, cha mẹ hay ông bà cũng thường dẫn con cháu theo, trước là để hướng dẫn cho con cháu biết những ngôi mộ của gia tiên, sau là để tập cho con cháu sự kính trọng tổ tiên qua tục tảo mộ.

Ở miền Nam, có gia đình tiến hành tảo mộ thông thường từ khoảng 20 tháng chạp kéo dài đến 25 âm lịch

Theo đó, sau khi dọn mộ xong, các cụ lớn tuổi thường ngồi lại phân tích mối quan hệ họ hàng, tên, tuổi của từng phần để con cháu tường tận về nguồn cội ông bà, tổ tiên. Còn tại nhà, các gia đình dọn dẹp sạch sẽ nhà cửa, bàn thờ gia tiên, chuẩn bị mâm cỗ để cúng tổ tiên. Tùy theo hoàn cảnh gia đình của mỗi người mà mâm cơm có thể khác nhau, quan trọng là mọi người chuẩn bị với một tâm thành kính để tạ lễ ông bà, tổ tiên. Ngày nay, khi điều kiện kinh tế phát triển, những ngôi mộ đất được thay bằng xi măng, ván gạch rất khang trang. Nhiều gia đinh nhà khá giả còn xây dựng nhà mồ với kiến trúc cầu kỳ không thua gì nhà ở.

Tiếp theo sau phong tục này ta có tục rước ông bà vào trưa ngày 30 âm lịch, và đưa ông bà, thường là vào trưa mùng 3 hoặc mùng 4 Tết, tùy theo tập quán ở mỗi địa phương và nếp sống của mỗi gia đình. Thường thì ngày tiễn đưa ông bà cũng là ngày cuối cùng của những ngày vui Tết, mọi người trong gia đình lại quay trở về với cuộc sống thường nhật. Họ trở về với lòng tin là sẽ được tổ tiên phù hộ cho những ngày tiếp sau đó.

Sau khi vệ sinh, thắp hương hoa, các thành viên trong gia đình, dòng tộc gặp nhau tại mộ phần để kể ôn lại kỷ niệm lúc sinh thời của người thân đã mất

Tảo mộ là một truyền thống tốt đẹp để giáo dục cho đời sau về lòng hiếu thảo, tri ân các bậc tiền nhân. Do đó bất kỳ ai cho dù đi đâu, ở đâu, làm gì hàng năm những người con xa xứ cũng nhớ quay về quê xưa, chốn cũ để tảo mộ. Đây cũng là nét đẹp trong văn hóa của người Việt và là niềm tin vào việc để gia tiền phù hộ cho con cháu làm ăn phát triển nhiều tiền tài trong năm mới./.

Ngọc Diệu - Chí Tâm

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu