Quyết định mở bán 11,4 triệu tấn gạo lưu kho của Chính phủ Thái Lan được Ủy ban Chính sách lúa gạo Quốc gia Thái Lan phê chuẩn từ tháng 4 vừa qua. Việc xả bán này đã diễn ra trong suốt tháng 6. Trung bình mỗi phiên đấu giá, nước này bán ra khoảng 1 triệu tấn gạo, với hy vọng thu về 100 tỷ baht, tương đương 2,86 tỷ USD nhằm bù vào khoản lỗ trước đó mà nước này gánh chịu trong đợt mua gạo dự trữ.
Trong khi nhiều nước vẫn còn “hoang mang” về việc Thái Lan xả một khối lượng gạo khổng lồ như vậy thì những ngày đầu tháng 7, Bộ Thương mại Thái Lan cho biết sẽ tiếp tục đấu giá 1,1 triệu tấn gạo dự trữ với giá cao. Bên cạnh đó, nước này sẽ tiếp tục giải phóng lượng gạo tồn kho bằng nhiều cách, kể cả việc mở đấu thầu cho khu vực tư nhân và các nhà nhập khẩu nước ngoài.
Trước tuyên bố như vậy của Thái Lan, nhiều nhà quản lý, doanh nghiệp Việt Nam lo ngại rằng, Thái Lan luôn duy trì lượng gạo tồn kho với số lượng lớn. Đây là một trong những yếu tố được xem là ảnh hưởng trực tiếp đến giá gạo thế giới trong đó có Việt Nam.
Ông Lê Văn Bảnh, Cục trưởng Cục chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NN&PTNT) cho biết, chương trình giải phóng gạo tồn kho của Thái Lan đã được thực hiện từ những năm trước.
Tuy vậy, việc nước này xả lượng gạo tồn kho lớn trong bối cảnh hiện nay cho thấy tình hình thị trường gạo thế giới sẽ biến động khó lường. Các cơ quan liên quan cần có những giải pháp linh hoạt, chủ động trong công tác điều hành, tăng cường theo dõi sát thị trường để nắm chắc thông tin thị trường, chủ động điều chỉnh hoạt động kinh doanh, giảm thiểu rủi ro.
“Năm nay Việt Nam cũng đang tích cực tìm nguồn để xuất khẩu gạo. Mới đây, Bộ NN&PTNT đã làm việc với Hiệp hội lương thực, đề nghị Hiệp hội tích cực theo dõi việc xuất khẩu gạo của Thái Lan. Đồng thời, Bộ NN&PTNT cũng đã đề nghị Bộ Công Thương có văn bản với các tham tán ở nước ngoài để có động thái tích cực để ủng hộ và hỗ trợ cho việc xuất khẩu gạo của Việt Nam”, ônh Bảnh cho biết./.
Ý kiến ()