Thứ Hai, 23/09/2024 02:16 (GMT +7)

Thạnh Hóa tổng kết mô hình sản xuất lúa theo hướng VietGAP

Thứ 5, 24/02/2022 | 10:03:00 [GMT +7] A  A

Ngày 23/2/2022, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp Long An phối hợp với Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Thạnh Hóa và UBND xã Thủy Đông tổ chức Hội nghị tổng kết mô hình sản xuất lúa theo hướng VietGAP tại ấp Nước Trong, xã Thủy Đông. Ông Trịnh Hoàng Việt Giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp tỉnh đến dự.

Mô hình sản xuất lúa theo hướng VietGAP

Mô hình được triển khai thực hiện trong vụ sản xuất lúa Đông xuân 2021- 2022 này, có 30 hộ nông dân tham gia, với quy mô 30 hecta, giống lúa được sử dụng là giống nếp IR 4625, với lượng giống gieo sạ cho mỗi hecta là từ 80 đến 100 kg.
Yêu cầu của mô hình là sử dụng giống lúa cấp xác nhận, có chất lượng tốt; giảm lượng phân bón hóa học thông qua việc sử dụng các loại phân bón thế hệ mới chậm tan, phân hữu cơ, phân Humic. Đồng thời, khi tham gia mô hình nông dân phải áp dụng đồng bộ kỹ thuật sản xuất và các biện pháp phòng trừ dịch hại IPM để giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học, đảm bảo các quy tắc an toàn khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và quản lý bao bì sau sử dụng; ứng dụng cơ giới hóa từ khâu gieo sạ đến khâu thu hoạch; thực hiện kỹ thuật tưới nước ngập khô xen kẻ, không đốt rơm rạ và các kỹ thuật đồng bộ khác để giảm phát thải khí nhà kính; nông dân ghi chép nhật ký sản xuất.

Hội thảo về mô hình

Qua đánh giá, diện tích lúa trong mô hình phát triển tốt, ít sâu bệnh, chi phí sản xuất thấp hơn so với ruộng ngoài mô hình khoảng 400 ngàn đồng/hecta. Đặc biệt, là giảm thiểu ô nhiễm môi trường, góp phần bảo vệ sức khỏe cho người sản xuất, người tiêu dùng, hướng đến nền sản xuất nông sản sạch, an toàn, bền vững.
Ông Nguyễn Duy Tuần ấp Nước Trong, xã Thủy Đông, huyện Thạnh Hóa, là hộ dân có gần 3 hecta lúa trong mô hình, cho biết: “ Khi tham gia mô hình sản xuất lúa theo hướng VietGAP có rất nhiều lợi ích, giảm sâu bệnh, giảm chi phí trong khâu đầu tư sản xuất, mà nhất là đảm bảo được sức khỏe cho người nông dân, tạo ra hạt gạo sạch, an toàn…”
Được biết, khi tham gia mô hình, mỗi hecta nông dân được hỗ trợ trên 3 triệu 600 ngàn đồng đối với trường hợp cấy máy và gần 2 triệu đồng đối với trường hợp sạ lan, bao gồm các chi phí như thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, tiền thuê máy cấy,… Ngoài ra, nông dân còn được tập huấn đầu vụ về kỹ thuật chăm sóc lúa theo tiêu chuẩn VietGAP; cán bộ kỹ thuật hướng dẫn cách sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật trong canh tác lúa theo hướng VietGAP và quy trình kỹ thuật 1 phải 6 giảm.
Bên cạnh đó, nông dân được cán bộ của Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện trực tiếp hướng dẫn cách kiểm tra dịch hại trên từng thời điểm của cây lúa, nhằm để cây lúa phát triển tốt, đạt năng suất cao./.

Trung Hưng

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu