Chủ Nhật, 24/11/2024 01:12 (GMT +7)

Thành phố Hồ Chí Minh chấn chỉnh tình trạng ‘chặt chém’ du khách

Thứ 3, 20/08/2019 | 14:53:00 [GMT +7] A  A

TP Hồ Chí Minh đã yêu cầu các đơn vị cùng vào cuộc để bảo vệ hình ảnh du lịch thân thiện của thành phố sau nhiều vụ hàng rong chèo kéo; taxi, xích lô “chặt chém” du khách.

Gần đây, báo chí liên tục phản ánh nạn “chặt chém”, chèo kéo, đeo bám, móc túi, thậm chí trấn lột du khách một cách ngang nhiên xảy ra tại TP Hồ Chí Minh. Tình trạng này thường xảy ra ở các tuyến đường và giao lộ, như Nam Kỳ Khởi Nghĩa – Lê Lợi , Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Du, Lý Tự Trọng, Nguyễn Trung Trực (quận 1), Nguyễn Thị Minh Khai – Lê Quý Đôn (quận 3)… Hoặc trước cổng các điểm du lịch nổi tiếng như Bảo tàng Chứng tích chiến tranh (quận 3), Bảo tàng Hồ Chí Minh (quận 4), khu vực trước Bưu điện TP Hồ Chí Minh (quận 1), khu vực trước Hội trường Thống Nhất (quận 1)…

Du khách tham quan Bảo tàng Chứng tích chiến tranh.

Cụ thể, tại khu vực đường Nguyễn Thị Minh Khai giao với Lê Quý Đôn (quận 3) thường xuyên xuất hiện những người đàn ông gánh dừa tươi chèo kéo du khách nước ngoài. Chiêu trò của những người bán dừa là khi thấy du khách, họ nhanh chân bám theo mời chào. Khi du khách dừng lại, họ nhanh tay choàng gánh dừa lên vai du khách và chụp ảnh du khách bên gánh dừa. Sau khi chụp ảnh xong, họ sẽ chèo kéo, “ép” du khách mua dừa với giá cao gấp nhiều lần. Nếu như bình thường, một trái dừa được bán cho người dân trong nước khoảng 20.000 – 30.000 đồng thì khi bán cho du khách nước ngoài, họ thường lấy 50.000 – 75.000 đồng/trái, thậm chí cón người còn “chặt chém” đến 200.000 đồng/trái.

Không chỉ gánh hàng rong tham gia chèo kéo, “chặt chém” du khách, mới đây, Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh còn tiếp nhận vụ việc một tài xế taxi công nghệ “chặt chém” du khách nước ngoài với giá 800.000 đồng cho một cuốc xe chỉ khoảng 200.000 đồng. Trước đó, dư luận cũng chưa hết bức xúc về vụ việc du khách Nhật Bản – ông Oki Toshiyuki (83 tuổi, ở Tokyo) đã phải trả 2,9 triệu đồng cho một cuốc xích lô 5 phút từ chợ Bến Thành về khách sạn Liberty Central Saigon Riverside (đường Tôn Đức Thắng, quận 1) hôm 3/8.

Theo báo cáo của Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, trong 6 tháng đầu năm, Sở đã phát hiện 2.652 trường hợp taxi, xích lô, hàng rong, ăn xin chèo kéo, đeo bám, làm phiền du khách hoặc thu quá giá quy định; các vụ việc mất cắp liên quan đến tài sản, tính mạng của khách…

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, cho biết việc “chặt chém” du khách không phải chuyện mới nhưng rất khó bắt quả tang. Bởi các hành động chéo kéo, “chặt chém” du khách thường diễn ra khá nhanh, không có chứng cứ; chưa kể một số du khách nước ngoài vì không hiểu tiếng Việt và không muốn rắc rối nên đã cho qua, không trình báo nên cơ quan chức năng…

Theo bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, nạn “chặt chém”, chèo kéo du khách là một trong những nguyên nhân làm ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh đất nước – con người Việt Nam nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng; gây tâm lý lo lắng và cảm giác không an toàn cho du khách khi đến du lịch tại thành phố.

“Để chấn chỉnh tình trạng này, nhiều năm qua, Sở Du lịch cũng đã phối hợp với Thanh niên xung phong tăng cường lực lượng trật tự viên du lịch tại các điểm có đông khách du lịch tham quan nhằm hướng dẫn, hỗ trợ và bảo vệ du khách góp phần giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn; tạo môi trường thân thiện, lành mạnh và đem lại sự yên tâm cho du khách khi đến TP Hồ Chí Minh”, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa cho biết.

Ngoài ra, để chấn chỉnh tình trạng “chặt chém” du khách sau những vụ việc vừa qua, UBND TP Hồ Chí Minh cũng chỉ đạo Sở Du lịch phối hợp với Sở Giao thông Vận tải và các đơn vị liên quan tăng cường công tác kiểm tra, nâng mức xử phạt đối với tình trạng xe taxi “dù”, xe nhái nhãn hiệu… xuất hiện tại các khu vực trung tâm thành phố, các điểm du lịch, khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, các bến xe khách, nhà ga Sài Gòn…; đồng thời phối hợp với Hiệp hội Taxi, Cảng hàng không Tân Sơn Nhất, lãnh đạo các bến xe, nhà ga để đưa ra một số tiêu chí lựa chọn các hãng taxi có uy tín vào hoạt động tại sân bay, các bến xe và nhà ga; thành lập hàng loạt trạm đón, trả khách taxi có phát phiếu kiểm soát… để ngăn chặn việc lừa đảo, ăn chặn tiền của du khách.

Ngoài ra, UBND TP Hồ Chí Minh cũng yêu cầu các quận trung tâm, như quận 1, 3, 5,10… lắp đặt các biển báo cấm buôn bán hàng rong tại các điểm tham quan, du lịch làm cơ sở hỗ trợ các lực lượng chức năng thực hiện nhiệm vụ; khuyến khích các quận, huyện lắp đặt camera giám sát; thành lập lực lượng tình nguyện viên, tổ phản ứng nhanh để hỗ trợ cho du khách và phối hợp giải quyết các vấn đề về an ninh trật tự du lịch xảy ra trên địa bàn.

Bài và ảnh: Hoàng Quân/Báo Tin tức

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu