Thứ Bảy, 30/11/2024 06:42 (GMT +7)

Tháo gỡ những “điểm nghẽn” khiến đầu tư công chậm giải ngân

Thứ 4, 21/08/2019 | 09:40:00 [GMT +7] A  A

VOV.VN – Nguyên nhân dẫn đến giải ngân vốn đầu tư công chậm chủ yếu là do một số bộ, ngành, địa phương chưa chủ động, tích cực trong chỉ đạo triển khai...

Tiền đã vay được nhưng không tiêu được

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu, trong 7 tháng qua, cả nước giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công ước đạt 134.494 tỷ đồng, đạt 31,32% so với kế hoạch Quốc hội giao, thấp nhất trong cùng kỳ những năm gần đây.

Trong đó, tỉ lệ giải ngân vốn trong nước cũng thấp, chỉ đạt 35% kế hoạch Quốc hội giao. Đặt biệt, tỉ lệ giải ngân vốn vay từ nước ngoài rất thấp, chỉ đạt 8,6% kế hoạch của năm.

Thứ trưởng Trần Văn Hiếu chỉ rõ: Nguyên nhân chủ yếu là do một số bộ, ngành, địa phương chưa chủ động, tích cực trong chỉ đạo triển khai và một phần do các dự án, gói thầu mới cần được thực hiện theo trình tự, thủ tục quy định của pháp luật về đấu thầu, xây dựng, đất đai…

Giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công đang rất chậm. (Ảnh minh họa)

Tại cuộc họp với một số bộ, ngành và lãnh đạo hai thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh để đốc thúc tình hình, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, vốn đang rất chậm trong thời gian qua, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã phê bình Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) chậm trễ trong tổng hợp, tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ giao vốn đầu tư công, đồng thời không báo cáo cụ thể các nguyên nhân chậm giao vốn và giải pháp khắc phục.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ KH&ĐT trình Thủ tướng Chính phủ phân bổ hết 35.000 tỷ đồng vốn chưa giao trong tháng 8 này; trước 30/9/2019 trình Thủ tướng Chính phủ việc huỷ kế hoạch giao vốn với các bộ, ngành, địa phương, chủ đầu tư dự án “không chịu” giải ngân; trước 10/10/2019 báo cáo Thủ tướng việc điều chỉnh kế hoạch giải ngân vốn từ dự án chậm tiến độ sang dự án đang cần vốn và có tiến độ giải ngân cao, từ các bộ, ngành và địa phương có tỉ lệ giải ngân thấp sang các bộ, ngành có nhu cầu bổ sung vốn và tỉ lệ giải ngân cao; rà soát, tính toán kế hoạch đầu tư công năm 2020 sát thực tế từng bộ, ngành địa phương.

“Kiểm toán Nhà nước có kết luận không bố trí được 2.400 tỷ đồng cho Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của các vùng từ tháng 9 năm ngoái mà tới nay Bộ KH&ĐT chưa trình, sửa được Quyết định số 1256 của Thủ tướng. Vụ Kinh tế địa phương và lãnh thổ của Bộ phải chịu trách nhiệm về việc này”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ rõ.

Ngoài ra, với việc giao vốn chậm cho các địa phương, bộ ngành hay doanh nghiệp Nhà nước thực hiện các dự án khác, ông Vương Đình Huệ cũng nêu rõ trách nhiệm của lãnh đạo Bộ KH&ĐT và Vụ trưởng của các Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân, Vụ Kinh tế đối ngoại trong đốc thúc, thẩm định và tổng hợp các dự án.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ giao Văn phòng Chính phủ chủ trì soạn thảo Công điện của Thủ tướng Chính phủ về đốc thúc đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công và cho biết ngày 15/9 tới, Chính phủ sẽ họp trực tuyến toàn quốc về vấn đề này.

Theo đánh giá của TS. Nguyễn Đức Kiên – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, điểm nghẽn trong đầu tư công đã dẫn tới nghịch lý là tiền đã vay được nhưng không tiêu được, cho dù nhu cầu đầu tư của đất nước rất lớn, cơ sở hạ tầng còn hết sức hạn chế, cắt khúc và đã trở thành những nút thắt, rào cản cho sự phát triển kinh tế.

Việc có tiền, có kế hoạch nhưng không thực hiện được hoặc làm chậm, đã tăng thêm khó khăn cho nền kinh tế. Thực tế này đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương cần tích cực chỉ đạo quyết liệt các chủ đầu tư khẩn trương xử lý dứt điểm những dự án còn nhiều vướng mắc; chủ động phối hợp các cấp, các ngành liên quan xử lý các vướng mắc phát sinh trong quá trình giải ngân vốn, TS. Nguyễn Đức Kiên nêu ý kiến.

Cần “chấm điểm” dự án

Về vấn đề này, PGS. TS. Hoàng Văn Cường – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nêu quan điểm: Trong Luật Đầu tư công có nguyên tắc những dự án như thế nào sẽ được ưu tiên lựa chọn đưa vào kế hoạch hàng năm để phân bổ. Thí dụ, những dự án nào là trọng điểm quốc gia; những dự án thuộc về chương trình mục tiêu hoặc những dự án thuộc giai đoạn có chính sách ưu tiên như phát triển dân tộc, phát triển xóa đói giảm nghèo,… thì sẽ theo nguyên tắc ưu tiên.

Như vậy, ông Cường cho rằng, dựa vào nguyên tắc đó để lựa chọn dự án được ưu tiên trước để đưa vào danh mục đầu tư hàng năm. “Tuy nhiên, hiện nay nếu chúng ta chỉ dừng lại ở cách phân loại như thế thì vẫn chưa được cụ thể bởi khi ở cùng hạng mục như vậy có rất nhiều dự án cùng được ưu tiên”, TS. Hoàng Văn Cường nêu rõ.

Theo ông Cường, câu chuyện ở đây là chưa có những định lượng để phân loại dự án này quan trọng hơn dự án kia, hay ngược lại; đó chính là tiêu chí để đo lường, phân loại các dự án quan trọng hơn và xếp thứ tự ưu tiên.

“Thông thường, khi có tiêu chí định lượng, chúng ta sẽ dùng tiêu chí đó để cho điểm, dự án nào điểm cao đương nhiên sẽ được chọn trước và ngược lại dự án điểm thấp sẽ chọn sau. Như vậy, nếu chúng ta có tiêu chí định lượng sau đó cho điểm theo tiêu chí thì các đơn vị trình dự án sẽ biết ngay dự án của mình có được ưu tiên hay không và có được đưa vào kế hoạch đầu tư hay không hoặc nếu muốn được đưa vào, dự án sẽ phải thay đổi những gì để điểm được nâng cao lên”, TS. Hoàng Văn Cường nói./.

Theo Trần Ngọc/VOV.VN

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu