Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Bảy, 23/11/2024 16:37 (GMT +7)
Thay đổi cách quảng bá du lịch
Thứ 4, 30/09/2015 | 00:00:00 [GMT +7] A A
Hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch sẽ góp phần quyết định lựa chọn điểm đến của du khách. Tuy nhiên, hoạt động này của Việt Nam vẫn theo lối mòn và chưa tạo điểm nhấn thu hút du khách.
Sau khi có tốc độ tăng trưởng vượt bậc giai đoạn 2009 – 2013 (từ hơn 3,7 triệu khách lên gần 7 triệu lượt khách quốc tế), gần đây, du lịch ViệtNam đã tăng trưởng chậm lại, thậm chí suy giảm do tác động của các yếu tố khách quan. Tuy nhiên, tại Thái Lan, đất nước thường xuyên chịu tác động biến cố chính trị, nhưng tốc độ tăng trưởng du khách vẫn đều đặn. Điều này cho thấy hoạt động xúc tiến, quảng bá cũng như cách làm mới sản phẩm du lịch của du lịch Việt Nam còn nhiều tồn tại.
Khách quốc tế đến Việt Nam thời gian gần đây tăng trưởng chậm lại. |
Hiện nay, hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam bị “chia năm xẻ bảy” do nhiều đơn vị thực hiện. Đơn cử như quảng bá hình ảnh du lịch do Cục Hợp tác quốc tế của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) triển khai như quảng cáo du lịch trên kênh BBC, xe buýt ở Anh… Sau vài năm triển khai, vẫn có nhiều ý kiến khác nhau về tính hiệu quả của hoạt động này; Bản thân Cục Hợp tác quốc tế cũng chưa có đánh giá cụ thể.
Trong khi đó, việc xúc tiến, quảng bá tại các hội chợ chuyên ngành du lịch lại do Tổng cục Du lịch triển khai và khá tản mạn. Theo ông Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng tư vấn du lịch quốc gia, gian hàng du lịch Việt Nam thường khiêm tốn so với các gian hàng các nước xung quanh. Thậm chí quy mô gian hàng Việt Nam còn bé hơn gian hàng của một tỉnh du lịch của Thái Lan, chính vì vậy, không tạo hình ảnh ấn tượng với các đơn vị du lịch đối tác, cũng như du khách tới hội chợ.
Nguyên nhân của tình trạng này được ông Vũ Thế Bình, nguyên Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch), Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam lý giải, là do tính bao cấp còn nặng nề trong hoạt động xúc tiến trong môi trường du lịch đa dạng, đầy biến động hiện nay. “Hoạt động xúc tiến trải đều quanh năm ở từng thị trường, tuy nhiên lại phân bổ theo ngân sách đến cuối năm mới được cấp. Do vậy, các hội chợ đầu năm, đơn vị giao phụ trách tổ chức phải vay tiền doanh nghiệp để tổ chức. Đó là lý do mà gian hàng du lịch Việt Nam thường “khiêm tốn”, các hoạt động phụ trợ bên trong nghèo nàn”, ông Vũ Thế Bình chia sẻ.
Kinh nghiệm sử dụng diễn đàn mạng xã hội thấy hiệu quả rõ nét qua cách làm của Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, khi mời những người nổi tiếng trên các diễn đàn trải nghiệm dịch vụ tại địa phương. “Họ được tự do trải nghiệm, viết theo cảm nhận của cá nhân và tư vấn dịch vụ, điểm đến trên diễn đàn du lịch. Thông tin này sẽ lan truyền trên cộng đồng mạng xã hội và rất thiết thực với những đối tượng du lịch tự do”, đại diện Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng chia sẻ.
Theo khảo sát của Hiệp hội Du lịch Việt Nam, trên 80% du khách lựa chọn điểm đến Việt Nam do bạn bè giới thiệu. Do đó, quảng bá xúc tiến du lịch Việt Nam vẫn phải làm tốt dịch vụ điểm đến, hạn chế tình trạng chèo kéo khách, mất an toàn và tạo sự thân thiện với du khách. “Điển hình của cách làm du lịch bền vững hiện nay của Việt Nam là điểm đến Đà Nẵng – Hội An. Đây là cách làm hiệu quả cần được nhân rộng tại các điểm đến khác của Việt Nam”, ông Nguyễn Văn Tuấn cho biết.
TTXVN
Ý kiến ()