Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Hai, 25/11/2024 04:19 (GMT +7)
Thêm suất ưu tiên?
Thứ 4, 01/06/2016 | 00:00:00 [GMT +7] A A
Có một điều khá đặc biệt là nếu bơi lội Việt Nam không thể giành thêm vé chính thức dự Olympic 2016, nhiều khả năng Liên đoàn bơi lội thế giới – FINA sẽ dành cho suất ưu tiên, khi ít nhất 3 kình ngư nam là của Việt Nam là Hoàng Quý Phước, Lâm Quang Nhật và Trần Duy Khôi đều đáp ứng tiêu chí đã đạt chuẩn B ở các cự ly bơi sở trường.
Theo đó, ngoài nỗ lực tranh chuẩn A ở các giải bơi quan trọng tại châu Âu (do cả 3 VĐV nói trên đang tập huấn tại Hungary), họ vẫn còn một cơ hội may mắn lọt vào danh sách ưu tiên mà FINA gọi là chương trình học bổng mục tiêu đối với đấu trường Rio de Janeiro 2016.
Theo Trưởng bộ môn bơi (Tổng cục TDTT) đồng thời là Phó chủ tịch kiêm TTK Hiệp hội Thể thao dưới nước – ông Đinh Việt Hùng chia sẻ “Cơ hội để VĐV nam của chúng ta đạt tới chuẩn A Olympic trong nội dung của từng người vẫn là 50-50. Đạt được chuẩn A Olympic là rất khó. Tuy vậy, VĐV không chỉ riêng mục tiêu chuẩn A bởi họ còn nhiệm vụ là rút ngắn thông số chuyên môn để đạt những kết quả chuẩn B tốt nhất. Khi xét suất chính thức Olympic, Liên đoàn Bơi lội thế giới – FINA vẫn chọn những chuẩn B tốt nhất để có đủ 90 suất chính thức từng nội dung”.
Một điều tiếc cho các VĐV Việt Nam đó là họ không có cơ hội thi đấu giải vô địch Đông Nam Á 2016. Kế hoạch ban đầu, giải tổ chức tại Hà Nội trong tháng 5. Tuy nhiên, chúng ta đã phải hủy giải chuyển sang giai đoạn khác do thời điểm tháng 5, VĐV các quốc gia trong khu vực vướng những giải quan trọng khác nên không tham dự được. Giải Đông Nam Á 2016 là giải mà FINA có xét thành tích để tính chuẩn Olympic. Điều này đồng nghĩa, Nguyễn Thị Ánh Viên (tập tại Mỹ), Hoàng Quý Phước, Trần Duy Khôi, Lâm Quang Nhật (tập tại Hungary) sẽ thi đấu các giải ở nơi mình tập huấn mà không được tranh suất trên sân nhà.
Trong bối cảnh rất khó tranh chấp chuẩn A ở các cự ly bơi sở trường, Quý Phước và 2 đồng nghiệp Duy Khôi và Quang Nhật cũng cần có một chỗ dựa như vậy để có thể góp mặt ở ngày hội thể thao lớn nhất hành tinh. Nên nhớ, tính đến thời điểm hiện tại, khu vực Đông Nam Á mới chỉ có 3 kình ngư nam đạt tới chuẩn A (Joseph Scooling và Quah Zheng Wen của Singapore, Welson Sim của Malaysia), trong khi các quốc gia vốn được cho là tương đối mạnh như Việt Nam, Indonesia, Thái Lan vẫn chưa hoàn thành chỉ tiêu.
Chọn ai trong số 3 gương mặt nam của Việt Nam để nhận suất học bổng kể trên? Nếu căn cứ vào khả năng tranh chấp thành tích, có lẽ Lâm Quang Nhật là có cơ hội nhiều nhất, bởi lẽ cự ly bơi tự do 1.500m khá dài và kình ngư người TP.HCM vẫn tạo được bất ngờ. Trong khi đó, các cự ly bơi ngắn của Hoàng Quý Phước và Trần Duy Khôi (100m và 200m) quy tụ quá nhiều tài năng thế giới và cuộc chiến kể từ vòng loại ở Olympic thậm chí còn khắc nghiệt hơn giải VĐTG – nơi vốn dĩ đã trở thành quá tầm đối với bơi lội Việt Nam xưa nay.
Tiếc nhất là trường hợp của Quý Phước, bởi lẽ suốt một thời gian dài trước đây, kình ngư người Đà Nẵng được đánh giá là “của hiếm” sau thời Nguyễn Hữu Việt, tuy nhiên sức tiến bộ của Phước không mạnh mẽ và nhanh như dự kiến vì trục trặc về chiến lược đầu tư giữa ngành TDTT Đà Nẵng với Tổng cục TDTT. Nếu được chăm chút kỹ lưỡng hơn, giờ này Phước thậm chí đã trở thành kình ngư số 1 Đông Nam Á, hoàn toàn có cơ hội ở đấu trường châu lục lẫn Olympic.
Nguồn: QUANG HUY – thethaovietnam
Ý kiến ()