Thứ Bảy, 23/11/2024 09:46 (GMT +7)

Thiếu chuyên nghiệp, lượng du khách quay trở lại Hà Nội ngày càng thấp

Thứ 5, 25/05/2017 | 11:01:00 [GMT +7] A  A

“Khách Nhật Bản quay trở lại Việt Nam dưới 10% trong khi quay lại Thái Lan trên 50%” – Ông Takamoto Katsunori, Trưởng Chi nhánh Công ty Du lịch Apex tại Hà Nội, chia sẻ thông tin khiến bất kỳ ai cũng phải suy nghĩ về sức hút của du lịch Việt Nam đối với khách quốc tế.

Điều đó cho thấy, du lịch Việt Nam chưa để lại nhiều ấn tượng với khách du lịch quốc tế nói chung và du lịch Hà Nội cũng không tránh khỏi thực trạng đó.

Môi trường du lịch – Yếu tố quan trọng

Thống kê của Sở Du lịch Hà Nội cho thấy, khách quốc tế đến Hà Nội chiếm khoảng 40% so với tổng lượng khách đến Việt Nam. Trong số này, khoảng 80% khách quốc tế đến Hà Nội với mục đích nghỉ dưỡng, du lịch; 20% đến vì công việc.

4 tháng đầu năm nay, khách quốc tế đến Hà Nội đạt gần 1,8 triệu lượt, tăng 13% và khách có lưu trú đạt hơn 1,2 triệu lượt, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Con số này tăng trưởng khá so với năm trước nhưng so với các quốc gia lân cận như Thái Lan, Malaysia, Singapore… còn rất nhỏ, tỷ lệ khách quay trở lại càng nhỏ hơn.

Khách du lịch quốc tế tham quan đền Ngọc Sơn. Ảnh: Thanh Hà/TTXVN

Theo ông Takamoto Katsunori, ba điều lo nhất của du khách Nhật đến Việt Nam cũng như đến Hà Nội là an toàn giao thông, thái độ phục vụ của những người tham gia trong lĩnh vực dịch vụ du lịch và bất cập trong việc cấp visa. Theo điều tra của Công ty Du lịch Apex, sau mỗi chuyến du lịch của khách, điều khách quan tâm nhất là tai nạn giao thông có thể xảy ra. Mặc dù Hà Nội đang triển khai nhiều dự án giao thông nhưng lưu lượng xe tham gia đông, nhiều lái xe điều khiển không cẩn thận.

Trong khi đó, việc lái xe an toàn hoàn toàn có thể phòng tránh được như cơ quan quản lý có thể tổ chức lớp an toàn giao thông cho lái xe. Nhiều du khách Nhật không hài lòng về chất lượng dịch vụ lưu trú, nhà hàng, hướng dẫn viên, lái xe… bởi thái độ của nhân viên không thân thiện, phong cách phục vụ chưa tốt, thu tiền cao không đúng giá. Ông Takamoto Katsunori đề xuất, vấn đề này cần đưa vào trong các trường đào tạo du lịch để giảng dạy hoặc đưa vào các hội thảo hướng dẫn nhân viên ngành du lịch, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ du khách, quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam.

Những người hoạt động trong ngành du lịch Hà Nội cũng thừa nhận những bất cập này. Ông Nguyễn Quang Lân, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội thẳng thắn chỉ ra, so với yêu cầu phát triển, Hà Nội còn thiếu nhiều cơ sở dịch vụ chất lượng cao. Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, nạn ô nhiễm môi trường, thái độ ứng xử với du khách, trách nhiệm của chính quyền các cấp trong gìn giữ môi trường văn hóa, đầu tư sản phẩm du lịch còn nhiều bất cập.

Cải thiện môi trường du lịch

Cùng với việc tập trung phát triển sản phẩm du lịch tạo sức hút đối với du khách, Hà Nội quan tâm cải thiện môi trường du lịch.

Đối với nguồn nhân lực phục vụ trong hoạt động du lịch, Sở Du lịch Hà Nội thường xuyên tổ chức bồi dưỡng nghề, kiến thức du lịch, kỹ năng giao tiếp cho cộng đồng tại các điểm du lịch, nhân viên làm việc trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch. Đội ngũ lái xe, nhân viên phục vụ trên ô tô vận chuyển khách du lịch, lái xe xích lô được tham gia các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch, nâng cao khả năng giao tiếp, phục vụ. Hàng năm, Sở Du lịch Hà Nội phối hợp với Hiệp hội Du lịch Hà Nội tập huấn cho hàng trăm lái xe, nhân viên phục vụ xe du lịch.

Mới đây, Sở Du lịch Hà Nội gắn biển công nhận cơ sở đạt chuẩn phục vụ khách du lịch cho Không gian áo dài Việt tại số 18 đường Âu Cơ, quận Tây Hồ; không gian văn hóa Hanoia tại đình Đồng Lạc, 38 Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm và sắp tới là các cơ sở khác với mong muốn có được các điểm phục vụ khách du lịch chuyên nghiệp, tránh tình trạng kinh doanh lộn xộn, manh mún như thời gian vừa qua.

Theo ông Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, cơ quan này tiếp tục siết chặt quản lý, tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động kinh doanh lữ hành và hướng dẫn viên du lịch, đảm bảo môi trường du lịch Thủ đô hoạt động lành mạnh. Sở xác định phải quản lý chặt chẽ các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và các doanh nghiệp trên địa bàn phố cổ… không để xảy ra những ảnh hưởng bất lợi cho du khách.

Hiện bộ phận hỗ trợ khách du lịch của Sở Du lịch Hà Nội thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng kịp thời giải quyết các khiếu nại của khách du lịch liên quan đến các vấn đề cung ứng dịch vụ, chèo kéo, bắt chẹt khách. Một số quận trung tâm như: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Tây Hồ tiến hành kiểm tra, xử lý tình trạng trộm đồ, chèo kéo khách du lịch… đảm bảo an ninh, an toàn cho khách trong hành trình tham quan Thủ đô.

Bên cạnh việc tạo dựng môi trường du lịch an toàn, văn minh, Hà Nội triển khai trồng 1 triệu cây xanh trên địa bàn thành phố, cơ giới hóa việc thu gom rác thải, xây dựng 1.000 nhà vệ sinh công cộng… vừa để phục vụ đời sống người dân, vừa tạo ra bộ mặt đô thị sạch đẹp, văn minh thu hút khách du lịch. Mới đây, thành phố đang nghiên cứu đề án 100 tuyến phố du lịch xanh – sạch – đẹp và phong cách, hướng đến mục tiêu phủ ba tầng cây xanh với bốn mùa hoa, dự kiến thực hiện trong hai năm 2017 – 2018.

Tại Nghị quyết về phát triển du lịch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016 – 2020 và những năm tiếp theo, Hà Nội đặt mục tiêu tạo bước đột phá phát triển toàn diện du lịch cả về phạm vi, quy mô và chất lượng dịch vụ, đảm bảo tính bền vững để Hà Nội thực sự là điểm đến an toàn, thân thiện và chất lượng, hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước.

Đinh Thị Thuận (TTXVN)

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu