Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Hai, 25/11/2024 14:24 (GMT +7)
Thông toàn tuyến cao tốc Bắc Nam tạo cú hích cho nền kinh tế
Thứ 5, 28/10/2021 | 16:42:00 [GMT +7] A A
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa báo cáo Chính phủ về báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 trình Quốc hội xem xét quyết định chủ trương đầu tư. Dự kiến, quý III/2022 sẽ tiến hành đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư để thi công từ quý I/2023 và hoàn thành vào năm 2025.
Mục tiêu quốc gia
Dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 được đề xuất đầu tư toàn bộ bằng hình thức đối tác công tư (PPP), với tổng mức đầu tư khoảng 124.619 tỷ đồng, phần vốn hỗ trợ của Nhà nước khoảng 61.628 tỷ đồng.
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, hình thức PPP đầu tư dự án này nhằm hiện thực hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước về việc đẩy mạnh huy động nguồn lực xã hội để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, giảm áp lực cho ngân sách Nhà nước. Dự án gồm 12 dự án thành phần, tổng chiều dài khoảng 729 km, gồm các đoạn: Hà Tĩnh – Quảng Trị (267km), Quảng Ngãi – Nha Trang (353km) và Cần Thơ – Cà Mau (109km).
Đoạn tuyến cao tốc La Sơn – Túy Loan qua tỉnh Thừa Thiên – Huế đã hoàn thành.
Trước đó, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 52 ngày 22/11/2017 về chủ trương đầu tư xây dựng cao tốc Bắc Nam phía Đông dài 654 km được chia thành 11 dự án thành phần đi qua 13 tỉnh, thành phố: Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Tiền Giang, Vĩnh Long. Dự án đang được tăng tóc thi công để kịp cán đích trong năm 2023.
Cao tốc Bắc Nam phía Đông từ Cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) đến Cà Mau theo quy hoạch dài khoảng 2.063 km. Trên tuyến hiện đã đưa vào khai thác khoảng 478 km, đang đầu tư 829 km. Để thông toàn tuyến sẽ cần đầu tư thêm khoảng 729 km trên. Dự án đi qua 12 tỉnh, thành phố: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Cần Thơ, Hậu Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau.
“Cao tốc Bắc Nam khi được nối thông toàn tuyến sẽ là mạch máu dọc theo chiều dài đất nước, tạo thuận lợi trong lưu thông hàng hóa, giao thương, tạo cú hích lớn để phát triển kinh tế xã hội các vùng miền và đất nước”, tờ trình của Bộ GTVT nêu rõ.
Kinh phí giải phóng mặt bằng hơn 19.000 tỷ đồng
Về phương án đầu tư, Bộ GTVT đề xuất lựa chọn đầu tư xây dựng 9/12 dự án thành phần dài 552 km gồm: Bãi Vọt – Hàm Nghi, Hàm Nghi – Vũng Áng, Quảng Ngãi – Hoài Nhơn, Hoài Nhơn – Quy Nhơn, Quy Nhơn – Chí Thạnh, Chí Thạnh – Vân Phong, Vân Phong – Nha Trang, Cần Thơ – Hậu Giang, Hậu Giang – Cà Mau. Trong đó, tổng mức đầu tư của 9 dự án được đề xuất lựa chọn đầu tư xây dựng trong giai đoạn 2021 – 2025 khoảng 120.035 tỷ đồng và 3 dự án thực hiện giải phóng mặt bằng, tái định cư khoảng 4.584 tỷ đồng.
Đối với 3 dự án thành phần còn lại dài 177km: Vũng Áng – Bùng, Bùng – Vạn Ninh, Vạn Ninh – Cam Lộ sẽ giải phóng mặt bằng, tái định cư, còn lại cấu phần xây dựng sẽ triển khai đầu tư khi cân đối được nguồn vốn Nhà nước, trường hợp khó khăn sẽ chuyển tiếp đầu tư giai đoạn 2026 – 2030.
Đây là điều khác biệt so với dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2017 – 2020 khi có tới 8 dự án thành phần thực hiện bằng hình thức đầu tư công, chỉ có 3 dự án thực hiện bằng hình thức PPP.
Theo ông Nguyễn Viết Huy, Phó vụ trưởng Vụ PPP (Bộ GTVT), việc đề xuất đầu tư toàn bộ các dự án thành phần cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2021 -2025 theo hình thức PPP sẽ tận dụng và phát huy được thế mạnh của doanh nghiệp trong nước về công nghệ, kinh nghiệm quản lý để các doanh nghiệp ngày càng trưởng thành, từng bước nâng cao được vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế; đồng thời, đẩy mạnh đầu tư PPP còn giúp giải quyết nguồn công ăn việc làm, tạo ra môi trường ngày càng minh bạch giữa khu vực công và khu vực tư.
Đại diện đơn vị lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, ông Lê Thắng, Giám đốc Ban Quản lý dự án 2 (Bộ GTVT) cho biết, trường hợp được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư trong kỳ họp tới đây, các dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2021 – 2025 sẽ bắt đầu triển khai công tác thực hiện đầu tư từ năm 2022, với kinh phí giải phóng mặt bằng hơn 19.000 tỷ đồng, theo quy mô 6 làn xe, riêng đoạn Cần Thơ – Cà Mau theo quy mô 4 làn xe như quy hoạch đã được phê duyệt.
https://baotintuc.vn/kinh-te/thong-toan-tuyen-cao-toc-bac-nam-tao-cu-hich-cho-nen-kinh-te-20211028102807497.htm
Ý kiến ()