Thứ Hai, 25/11/2024 06:45 (GMT +7)

Thông tuyến khám chữa bệnh, bệnh viện tuyến trên lo vỡ quỹ

Thứ 5, 09/11/2017 | 10:06:00 [GMT +7] A  A

Thông tuyến khám chữa bệnh tuyến quận, huyện đang khiến cho các bệnh viện tuyến trên khó kiểm soát được chuyển tuyến, chi phí chuyển tuyến… đây cũng là một trong những nguyên nhân làm vượt quỹ khám chữa bệnh tại bệnh viện.

Tại buổi làm việc với Ban Văn hóa xã hội Hội đồng nhân dân TP Hồ Chí Minh vào ngày 8/11, đại diện bệnh viện Nhân dân Gia Định (quận Bình Thạnh) cho hay việc thông tuyến khám chữa bệnh khiến cho bệnh viện gặp khó khăn trong việc kiểm soát và điều phối nguồn quỹ, bởi bệnh viện không kiểm soát được số bệnh nhân đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại bệnh viện khi đi khám bệnh ở những nơi khác.

Theo thống kê của bệnh viện, số thẻ bảo hiểm y tế khám chữa bệnh ban đầu quý 2/2017 của bệnh viện là 234.272 thẻ với tổng quỹ khám chữa bệnh ban đầu là hơn 68 tỷ đồng. Tuy nhiên, chi phí cho tuyến trên là hơn 17 tỷ đồng.

TS.BS Nguyễn Anh Dũng, Giám đốc bệnh viện Nhân dân Gia Định, cho biết trong khi số lượt đến khám bệnh tại bệnh viện không giảm nhưng số tiền trả cho việc thông tuyến khám chữa bệnh bảo hiểm y tế lại tăng lên. Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm vượt quỹ khám chữa bệnh của bệnh viện. “Nếu như trước đây khi chưa thực hiện thông tuyến khám chữa bệnh ở tuyến huyện, trung bình một quý, bệnh viện chỉ phải chuyển khoảng 5 tỷ đồng cho thông tuyến, nhưng kể khi thực hiện thông tuyến quận huyện, bệnh viện phải chi trả 17 – 18 tỷ đồng”, bác sĩ Dũng nói.

Bệnh viện tuyến trên chưa thể kiểm soát được chi phí chuyển tuyến.

Theo quy định, bệnh nhân có bảo hiểm y tế thuộc diện đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại bệnh viện và diện bảo hiểm y tế ở các cơ sở khám chữa bệnh khác chuyển đến được chăm sóc và điều trị như nhau nhưng mức thanh toán khác nhau và quy định thanh toán phần vượt quỹ, vượt trần hàng năm khác nhau cũng làm ảnh hưởng không nhỏ đến quỹ khám bệnh của bệnh viện.

Trước chia sẻ của các đại biểu về việc người dân phải đóng tiền tạm ứng khi vào bệnh viện điều trị, TS.BS Nguyễn Anh Dũng cho hay, bệnh viện không thu tạm ứng đối với bệnh nhân đến khám và điều trị ngoại trú, nhất là bệnh nhân cấp cứu, cho dù bệnh viện phải can thiệp điều trị cấp cứu bằng kỹ thuật cao có chi phí lớn. Riêng đối với bệnh nhân nội trú có chỉ định sử dụng kỹ thuật điều trị chi phí cao thì thu tạm ứng phần chênh lệch mà người bệnh phải chi trả ngoài phần BHXH sẽ thanh toán.

Tại buổi làm việc, bà Thi Thị Tuyết Nhung, Trưởng Ban Văn hóa Xã hội Hội đồng nhân dân TP Hồ Chí Minh, cho rằng bệnh viện nên nghiên cứu và đề xuất giải pháp hỗ trợ kinh phí lại cho bệnh viện sau khi bệnh viện đã sử dụng các kỹ thuật cao để điều trị cấp cứu và đã cứu sống bệnh nhân nhưng người bệnh không có khả năng chi trả.

Bệnh viện Nhân dân Gia Định là một trong những bệnh viện đa khoa hoàn chỉnh đầu ngành của khu vực phía Nam, với quy mô 66 bàn khám ngoại trú, 1.500 giường điều trị nội trú. Mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận khám và điều trị ngoại trú cho 3.500 – 4.000 lượt bệnh nhân và 300 bệnh nhân cấp cứu.

Tuy nhiên, với quy định mức nhân lực và thời gian thực hiện dịch vụ kỹ thuật theo Quyết định số 3959/BYT ngày 22/9/2015 của Bộ Y tế quy định không vượt quá 45 lượt/bàn/ngày, định mức thời gian 1 ca siêu âm tim, mạch máu là 30 phút, siêu âm chẩn đoán là 15 phút… và vượt không quá 20% cũng là một thách thức rất lớn đối với bệnh viện khi số lượng bệnh nhân tới khám bệnh hàng ngày luôn trong tình trạng quá tải.

Theo lãnh đạo bệnh viện Nhân dân Gia Định, dù bệnh viện đã tăng số lượng bàn khám lên 66 bàn khám, tăng giờ khám nhưng trên thực tế số lượng bệnh nhân khám trên một bàn khám vẫn cao hơn mức quy định với 73 bệnh nhân/bàn khám/ngày.

Đan phương/ Báo Tin Tức

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu