Phát biểu tại buổi đối thoại, với tinh thần cởi mở, sẵn sàng chia sẻ thông tin về Việt Nam, Thủ tướng cho rằng, mặc thời tiết ngoài trời rất lạnh, nhưng không khí của buổi đối thoại rất ấm áp, bởi sự có mặt của những lãnh đạo các tập đoàn công nghệ thông tin nổi tiếng, tập đoàn kinh tế lớn quan tâm đến Việt Nam.
Cùng với việc thông tin đến các nhà đầu tư về môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi của Việt Nam, Thủ tướng nêu rõ, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang làm thay đổi diện mạo thế giới và phương thức sống và làm việc của con người. Tại Việt Nam, lĩnh vực công nghệ thông tin đang phát triển bùng nổ và từng bước “thông minh hóa” nhiều lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, giao thông, y tế, giáo dục…
Trong 10 năm qua, Việt Nam là một trong những thị trường công nghệ thông tin, viễn thông tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới. Hiện nay khoảng 60% dân số Việt Nam dưới 35 tuổi có khả năng tiếp cận nhanh với công nghệ mới; có hơn một nửa dân số sử dụng Internet.
Năm 2016, kim ngạch xuất khẩu điện thoại, máy vi tính, máy ảnh và các loại linh kiện đạt hơn 55 tỷ USD. Việt Nam nằm trong Top 10 khu vực châu Á-Thái Bình Dương và Top 30 thế giới về gia công phần mềm. Đến năm 2020, Việt Nam phấn đấu đứng trong Top 10 thế giới về cung cấp dịch vụ gia công phần mềm và nội dung số với khoảng 1 triệu lao động làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
Năm 2017, Việt Nam đăng cai Hội nghị Thượng đỉnh APEC, với chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”, trong đó có chương trình ưu tiên là tăng cường năng lực cạnh tranh trong kỷ nguyên số và đổi mới, sáng tạo về công nghệ thông tin là một động lực tăng trưởng quan trọng hàng đầu.
Ngay sau phần phát biểu của Thủ tướng, đã có nhiều lãnh đạo tập đoàn công nghệ thông tin và một số lĩnh vực đặt câu hỏi với Thủ tướng về nhiều vấn đề quan tâm.
Ông Jim Baber, Chủ tịch Công ty UPS International, một công ty chuyên về vận tải, trong đó có lĩnh vực hàng không, cho biết đã có mặt ở Việt Nam từ năm 1995, đến năm 2013 đã có giấy phép hoạt động trong ngành vận tải nhanh.
Ông Jim Baber nói: “Trong bối cảnh Hiệp định TPP dù có được thông qua hay không thì chúng tôi hy vọng rằng Việt Nam sẽ tiếp tục cải cách hệ thống hải quan, thuận lợi hóa thương mại theo các tiêu chuẩn của WTO. Công ty tôi là công ty lâu đời, có đội bay lớn thứ 8 thế giới, nhưng chúng tôi chưa có cơ hội bay tại Việt Nam do những quy định về hải quan. Hy vọng rằng với những thay đổi và cải cách của Việt Nam thì chúng tôi sẽ được đưa các máy bay của mình vào Việt Nam và thuê các phi công Việt Nam cho các đội bay của mình”.
Trả lời câu hỏi của Công ty UPS, Thủ tướng nêu rõ: “Việt Nam có chủ trương mở cửa bầu trời. Chúng tôi sẵn sàng nghe để giải quyết thủ tục của ông để ông có thể liên kết với Việt Nam để đưa máy bay của ông vào Việt Nam như một số nước. Dù TPP ra sao đi nữa thì hiện Việt Nam đã có hàng chục Hiệp định thương mại tự do, trong đó Hiệp định FTA với EU và các Hiệp định liên quan khác. Việt Nam vẫn thực hiện chủ trương tự do hóa thương mại, tiếp tục cải cách hải quan, nhất là áp dụng hải quan điện tử rất tiến bộ trong thời gian gần đây. Việt Nam là một trong số ít nước ở khu vực Châu Á áp dụng visa điện tử cho các du khách. Đây là một một tiến bộ lớn. Hy vọng công ty của ông sẽ đóng góp cho công ty ông và Việt Nam”.
Ông Yorhiko Kojima, Chủ tịch tập đoàn Mitsubishi đặt câu hỏi với Thủ tướng, đánh giá vai trò của các công ty nước ngoài tại Việt Nam. Thủ tướng hoan nghênh Mitsubishi đầu tư thành công ở Việt Nam và nêu rõ, vai trò của các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đã được hiến pháp Việt Nam quy định. Hiện có 22 nghìn dự án FDI đầu tư vào Việt Nam, đóng góp cho nền kinh tế trên 20% GDP.
Chủ tịch tập đoàn Mitsubishi Yorhiko Kojima cũng đặt một câu hỏi khác với Thủ tướng: “Tăng trưởng Kinh tế của Việt Nam năm qua rất ấn tượng và một trong những ngành có lợi thế ưu tiên của Việt Nam đó là ngành công nghệ thông tin. Vậy theo Thủ tướng thì còn ngành lợi thế ưu tiên nào mà Thủ tướng quan tâm?”.
Về câu hỏi này, Thủ tướng đã ủy quyền cho Bộ Trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường trả lời. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, trong chuyến thăm Việt Nam vừa qua của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Abe đã thể hiện rõ sự quan tâm đến phát triển nông nghiệp công nghệ cao, trong đó đã tuyên bố quả lê của Nhật Bản được cấp phép nhập khẩu vào thị trường Việt Nam và trái thanh long ruột đỏ của Việt Nam được cấp phép nhập khẩu vào Nhật Bản. Hiện nông sản Việt Nam không chỉ nuôi sống 92 triệu người dân mà còn đang xuất khẩu 30-32 tỉ USD đi 180 nước trên thế giới.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói: “Nếu khai tốt tiềm năng lợi thế theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Việt Nam, coi nông nghiệp công nghệ cao là đột phá trong tái cơ cấu nông nghiệp, thì giá trị xuất khẩu nông sản của Việt Nam có thể tăng gấp nhiều lần con số 32 tỉ USD. Mong Mitsubishi đầu tư vào nông nghiệp Việt Nam cũng như nhiều doanh nghiệp khác của Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam”.
Trong khi đó, ông Alex Mocrazski, Chủ tịch Công ty MMC Internatoinal hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm, đã hoạt động tại Việt Nam từ năm 2005 đến nay, nêu vấn đề: “Tôi muốn đặt câu hỏi với Thủ tướng liên quan đến chiến lược phát triển của Việt Nam từ 2016 đến 2020, trong đó có nội dung tái cơ cấu ngành tài chính và bảo hiểm, vì phải có hệ thống bảo hiểm năng động thì mới bảo đảm sự thành công của các doanh nghiệp, các doanh nghiệp mới yên tâm kinh doanh. Trong chiến lược của Việt Nam có nói đến mở ra nhiều loại hình bảo hiểm mới, tôi mong ngài Thủ tướng chia sẻ kỹ hơn nội hàm của chiến lược này”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: “Tôi đồng ý với Ngài rằng trong kinh tế thị trường thì cần coi trọng bảo hiểm. Mặc dù đây là lĩnh vực nhạy cảm nhưng chúng tôi đã mở cửa thị trường bảo hiểm theo đúng cam kết với WTO. Chính vì vậy MMC, AIA, Prudential… đều có mặt ở Việt Nam. Và cũng như các ngành khác thì phải tái cơ cấu ngành này để có những đơn vị bảo hiểm có danh tiếng, uy tín cả nhân thọ và phi nhân thọ của Việt Nam trong thời gian tới. Tôi hoan nghênh MMC đầu tư mạnh mẽ hơn, thu hút bảo hiểm Việt Nam mạnh mẽ hơn, đóng góp vào sự phát triển của kinh tế Việt Nam”.
Ông Joe Kaeser, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Siemens đề xuất hợp tác trong lĩnh vực đào tạo thực tập sinh và sinh viên cho Việt Nam. |
Thủ tướng cũng hoan nghênh ông Joe Kaeser, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Siemens về đề xuất công ty này trong việc phối hợp với cơ quan, tổ chức của Việt Nam để xây dựng một chương trình đào tạo cho các thực tập sinh và sinh viên của Việt Nam ngay tại Siemens. Hiện Công ty công nghệ thông tin có lịch sử 200 năm này đã có chương trình đào tạo cho hơn 2.000 thực tập sinh cho 48 quốc gia trên thế giới. Đề xuất này xuất phát từ việc ông Chủ tịch của Siemmens đánh giá cao về sự năng động, sáng tạo của con người Việt Nam và nhấn mạnh đến việc phát triển con người mới là quan trọng nhất.
Thủ tướng chấp nhận đề xuất này và đánh giá đây là một đề xuất tuyệt vời, đồng thời giao cho đơn vị chức năng làm đầu mối liên hệ và báo cáo Thủ tướng./.
Ý kiến ()