Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Hai, 25/11/2024 13:59 (GMT +7)
Thực phẩm chức năng đang được quản lý ‘từ ngọn’
Thứ 6, 23/11/2018 | 11:01:00 [GMT +7] A A
Hiện nay thực trạng quảng cáo thực phẩm chức năng (TPCN) của Việt Nam vẫn đang lung tung, chưa quản lý được; nhất là việc quảng cáo công dụng sản phẩm như thần dược, sai sự thật… trên các trang mạng, chợ điện tử. Chất lượng TPCN cũng phải có cách quản lý theo hệ thống, nếu chỉ quản lý khâu hậu kiểm thì không “xuể”.
Đó là nhận định của PGS.TS. Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội thực phẩm chức năng Việt Nam tại Hội nghị khoa học quốc tế về thực phẩm chức năng lần thứ hai do Bộ Y tế tổ chức ngày 22/11 tại Hà Nội.
Hội nghị khoa học quốc tế về thực phẩm chức năng lần thứ 2 do Bộ Y tế tổ chức.
Méo mó, mất kiểm soát
Theo thống kê, Việt Nam hiện có khoảng 2.000 loại sản phẩm TPCN, trong đó 70% là sản phẩm sản xuất trong nước. Số người sử dụng TPCN cũng ngày càng tăng, nếu năm 2000 chỉ có khoảng 500.000 người sử dụng thì đến năm 2015 là hơn 15,5 triệu người, chiếm 17,2% dân số cả nước.
Việc nhu cầu sử dụng các sản phẩm TPCN tăng lên nhanh chóng, số lượng sản phẩm cũng tăng chóng mặt, trong khi việc kiểm soát chất lượng lại chưa chạy theo kịp khiến cho thị trường TPCN trở nên méo mó, mất kiểm soát.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường đánh giá: Sự xuất hiện ngày càng nhiều các loại sản phẩm TPCN góp phần vào việc chăm sóc sức khoẻ nhân dân ngày càng phong phú. Các sản phẩm bán ở nhiều nơi, từ cửa hàng, siêu thị, các nhà thuốc, shop online… Tuy nhiên, cùng với đó là những vấn đề liên quan đến các vi phạm, lạm dụng trong việc sản xuất, kinh doanh, quảng cáo sai sự thật, quảng cáo khi chưa được cơ quan quản lý thẩm định; sản xuất không đúng với giấy phép đăng ký, ghi nhãn quá sự thật, sản xuất khi chưa đăng ký…
Thuật ngữ TPCN được quy định trong Luật An toàn thực phẩm là khá rộng khiến nhiều nhà sản xuất lợi dụng để công bố công dụng, gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng. Mặc dù, đã có nhiều văn bản pháp luật quy định thu hẹp phạm vi quảng cáo TPCN như dán nhãn “Thực phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”, cấm “kê đơn, hướng dẫn điều trị, chữa bệnh với các loại sản phẩm không phải là thuốc”… nhưng do có quá nhiều loại sản phẩm, có sản phẩm lại có sự giao thoa trong quản lý và ý thức chấp hành của doanh nghiệp chưa cao nên việc thực thi trở nên khó khăn.
Cần quản lý theo hệ thống
Theo PGS.TS Trần Đáng, phải ghi nhận thời gian qua việc kiểm soát chất lượng chất lượng TPCN đã được các cơ quan chức năng đã vào cuộc rất quyết liệt để phát hiện, xử lý các vụ vi phạm quảng cáo, vi phạm chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên cách làm hiện nay chưa trúng hướng, vì kiểm soát thực phẩm là phải kiểm soát ngày từ những khâu sản xuất đến khi sử dụng chứ không phải khi sản phẩm ra thị trường rồi mới kiểm tra. Cách quản lý này đã khá lạc hậu vì chúng ta không có đủ lực lượng để làm được hết việc kiểm tra tất cả các sản phẩm trên thị trường.
Theo đó, phải có cách quản lý ngay từ khi các cơ sở có ý định vi phạm thì sau đó vấn đề hậu kiểm sẽ rất nhẹ nhàng. Chẳng hạn như kiểm soát ngay từ khâu nguyên liệu phải thật tốt, khâu chế biến, sản xuất phải đạt chuẩn, thì các cơ sở chỉ cần “bấm nút” là ra sản phẩm tốt. Còn nếu nguyên liệu trôi nổi, không quản lý được chất lượng các cơ sở sản xuất thì sẽ có hàng loạt sản phẩm kém chất lượng ra thị trường, lúc đó mới đi kiểm tra thì không xuể.
Đặc biệt, việc kiểm soát chất lượng phải làm gốc. Việt Nam hiện nay đang lấy quy chuẩn để kiểm soát là chưa phù hợp; trong khi thế giới đang sử dụng cách quản lý an toàn thực phẩm theo hệ thống (food standard). Theo đó, các tổ chức phải có hệ thống quản lý an toàn thực phẩm có thể tạo ra môi trường làm việc giảm thiểu rủi ro liên quan an toàn thực phẩm, sản phẩm được tạo ra có chất lượng và an toàn, nhằm thỏa mãn nhu cầu của khách hàng và yêu cầu luật pháp trên quốc tế.
“Hiện nay, hệ thống luật Việt Nam quy định chất lượng thực phẩm chức năng đã có đầy đủ với rất nhiều văn bản nhưng để có một văn bản chuẩn, đánh vào đúng vào tiêu chuẩn của thế giới, đúng quy luật của quản lý an toàn thực phẩm thì còn nhiều điều cần phải xem xét. Nguyên liệu của Việt Nam vô cùng phong phú, vấn đề là phải tiến hành trồng trọt đạt chất lượng, mới có sản phẩm an toàn, hạn chế tối đa việc mua nguyên liệu sản phẩm qua biên giới. Đặc biệt, kiểm soát được GMP trong nguyên liệu sản xuất và ngoài thị trường thì sẽ có một ngành thực phẩm chức năng như vốn có của nó là: Tăng cường sức khỏe, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và giảm thiểu nguy cơ bệnh tật, giảm phát sinh các bệnh không lây nhiễm”, PGS. TS Trần Đáng nhấn mạnh.
Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), thời gian tới Chính phủ cũng như các bộ, ngành sẽ triển khai quyết liệt việc quản lý TPCN như thực hiện nghiêm túc việc đăng ký bản công bố sản phẩm, xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm. Đặc biệt, từ ngày 1/1/2019, các cơ sở sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khoẻ phải áp dụng thực hành sản xuất tốt (GMP) thực phẩm bảo vệ sức khoẻ theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Việc áp dụng tiêu chuẩn GMP đã được thế giới áp dụng từ lâu, nếu kiểm soát tốt sẽ dần đưa chất lượng TPCN của Việt Nam vào “quỹ đạo”.
Ý kiến ()