Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Hai, 25/11/2024 04:27 (GMT +7)
Trái tim bật khóc của nhà báo Kim Cúc và cuộc chiến biên giới phía Bắc
Thứ 6, 22/02/2019 | 16:07:00 [GMT +7] A A
VOV.VN – Nhà báo Kim Cúc nhớ lại những năm tháng có mặt tại Lào Cai, Lạng Sơn để phản ánh về cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc.
“Chiều dài biên giới, dài theo bước chân chúng tôi” là chủ đề của chương trình giao lưu nghệ thuật do Đài TNVN tổ chức vào sáng ngày 21/2. Chương trình nhằm ôn lại trang sử hào hùng của đất nước, những đóng góp của Đài TNVN trong cuộc chiến, tri ân những cán bộ, phóng viên, biên tập viên, nghệ sỹ, kỹ thuật viên trong thời kỳ này.
Chương trình giao lưu nghệ thuật “Chiều dài biên giới, dài theo bước chân chúng tôi”.
Vào thời điểm đó, tại Đài TNVN, tất cả cán bộ, công nhân viên, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên, văn nghệ sĩ đều dành ưu tiên cao nhất, dành tình cảm lớn nhất cho vùng biên giới. Không ít phóng viên được cử ra chiến trường để có những tin, bài nóng hổi về trận chiến, kịp thời động viên tinh thần chiến đấu của quân và dân ta. Hoà trong không khí đó, nhà báo Kim Cúc-Nguyên Phó TGĐ Đài Tiếng nói Việt Nam khi ấy là phóng viên đã nhận nhiệm vụ lên biên giới phía Bắc để phản ánh quá trình sinh sống và chiến đấu của quân dân ta.
Nhà báo Kim Cúc kể lại: “Chỉ 2 ngày sau khi cuộc chiến đấu bảo vệ vùng biên giới phía Bắc của quân dân ta diễn ra, lãnh đạo Đài Tiếng nói Việt Nam đã cử nhiều đoàn phóng viên lên các tỉnh biên giới phía Bắc. Đoàn của chúng tôi gồm có anh Nguyễn Huy Dung, anh Văn Quân và tôi được phân công lên tuyến biên giới của tỉnh Hoàng Liên Sơn.
Nhà báo Kim Cúc-Nguyên Phó TGĐ Đài Tiếng nói Việt Nam
Trái tim phụ nữ của người làm báo đã khiến tôi tràn đầy xúc cảm khi chứng kiến cảnh tan hoang của thị xã Lào Cai, khi gặp gỡ với cán bộ chiến sĩ ở điểm chốt thị xã Lào Cai, cuộc gặp với một đồng chí bí thư huyện uỷ huyện Bát Xát, khi nhìn thấy những ngôi mộ mới…
Đến Lào Cai vào một buổi chiều tà, chúng tôi tìm đến Sở chỉ huy của lực lượng Công an vũ trang tỉnh Hoàng Liên Sơn (sau này là bộ đội biên phòng). Người đầu tiên tôi gặp là Thiếu tá Đỗ Văn Học, Phó Chính uỷ Công an vũ trang tỉnh Hoàng Liên Sơn. Anh là một con người nhiệt thành, đã tạo nhiều cơ hội và điều kiện tốt nhất cho chúng tôi gặp gỡ, làm việc với các chiến sĩ.
Công việc đầu tiên của tôi là cuộc phỏng vấn Thiếu tá Đỗ Văn Học trong khung cảnh chiến tranh rất nhanh, gấp gáp, khẩn trương. Sau đó chúng tôi được gặp các chiến sĩ đứng ở điểm chốt, đó là những người lính trẻ trung chỉ mới 17, 18 tuổi nhưng luôn giương cao tinh thần chiến đấu. Trái tim phụ nữ của tôi bật khóc khi nghe những người lính trẻ ấy giương cao quyết tâm chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Và hành trang trở về Hà Nội là đầy ắp những chi tiết, sự việc chúng tôi ghi được.
Đêm đó, ở Hà Nội, khi ngồi viết bài để sáng mai kịp giờ phát sóng, tôi đã khóc vì quá xúc động. Sau đó, tôi và anh Huy Dung còn lên Lạng Sơn. Có thể nói, sự hy sinh anh dũng của những người lính các tỉnh biên giới đã giúp tôi có thêm sức mạnh, thông qua những tác phẩm phát sóng trên Đài Tiếng nói Việt Nam. Đã 40 năm trôi qua nhưng những cảm xúc ngày ấy vẫn đầy ắp trong trái tim tôi”./.
Theo PV/VOV.VN
Ý kiến ()