Thứ Tư, 23/04/2025 23:23 (GMT +7)

Trao truyền giá trị truyền thống trong thời đại số

Thứ 4, 23/04/2025 | 16:15:05 [GMT +7] A  A

Nhờ sự lan tỏa mạnh mẽ của mạng xã hội, những nét đẹp lịch sử, văn hóa tại từng địa phương đang đến gần hơn với thế hệ trẻ, bồi đắp lòng tự tôn dân tộc và tình yêu quê hương trong lòng mỗi người con Việt Nam. Để trao truyền các giá trị truyền thống trong cộng đồng, Đoàn Thanh niên (TN) các cấp, các trường học triển khai nhiều hoạt động thiết thực, thu hút đông đảo đoàn viên, TN tham gia, tạo nên những hiệu ứng tích cực trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Cuộc thi Sáng tạo clip ngắn quảng bá Long An thu hút sự tham gia sôi nổi của đông đảo bạn trẻ (Ảnh chụp màn hình)
Cuộc thi Sáng tạo clip ngắn quảng bá Long An thu hút sự tham gia sôi nổi của đông đảo bạn trẻ (Ảnh chụp màn hình)

Quảng bá nét đẹp Long An trên nền tảng số

Ngày nay, công nghệ số đóng vai trò quan trọng trong việc định hình lối sống, cách tiếp cận tri thức của thế hệ trẻ. Việc lan tỏa các giá trị truyền thống không còn giới hạn trong khuôn khổ lớp học, sách vở mà còn được hiện thực hóa qua những video clip, bức ảnh đăng tải trên Internet.

Nằm trong khuôn khổ Chương trình “Giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho TN, thiếu niên, nhi đồng trên không gian mạng giai đoạn 2022-2030”, Tỉnh Đoàn phát động cuộc thi Sáng tác clip ngắn quảng bá hình ảnh tỉnh Long An năm 2025 với chủ đề Tự hào Long An Trung dũng kiên cường. Cuộc thi diễn ra từ ngày 20/3 đến 15/4 với hình thức bình chọn trực tiếp trên Fanpage Tuổi trẻ Long An, TikTok TN Long An và chấm điểm từ Ban Giám khảo chuyên môn.

Các tác phẩm giới thiệu chân dung Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, anh hùng liệt sĩ, người có công với cách mạng; phản ánh nét đẹp văn hóa, thiên nhiên, di tích lịch sử, làng nghề truyền thống và hoạt động đền ơn đáp nghĩa, xây dựng quê hương Long An qua góc nhìn của thế hệ trẻ.

Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh Đoàn - Võ Minh Quốc, cuộc thi Sáng tạo clip ngắn quảng bá Long An thu hút sự tham gia sôi nổi của đông đảo bạn trẻ, thể hiện rõ tinh thần sáng tạo và trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với quê hương. Anh Quốc nhận định: “Chất lượng nội dung các clip rất đa dạng, phong phú cả về hình thức thể hiện lẫn thông điệp truyền tải. Nhiều tác phẩm khéo léo lồng ghép hình ảnh các khu di tích lịch sử, nét đẹp văn hóa truyền thống và những giá trị đặc trưng rất riêng của con người Long An. Điều này cho thấy sự quan tâm sâu sắc của giới trẻ đối với việc giữ gìn, lan tỏa bản sắc quê hương. Thông qua cuộc thi, Tỉnh Đoàn mong muốn đây sẽ là cầu nối để quảng bá hình ảnh Long An tươi đẹp, giàu bản sắc đến với đông đảo người dân trong và ngoài nước”.

Tham gia cuộc thi, em Phạm Như Phương (xã Thanh Phú, huyện Bến Lức) cùng tập thể Chi đoàn lớp 11A2, Trường THPT Nguyễn Trung Trực - Bến Lức sáng tạo nên video về truyền thống đấu tranh anh dũng của địa phương. Với góc nhìn đầy cảm xúc, các em không chỉ ghi lại những hình ảnh đẹp của quê hương qua ống kính mà còn gửi gắm thông điệp sâu sắc: “Long An không chỉ là nơi ta sinh ra mà còn là một phần trong bản sắc của mỗi người con nơi đây. Chúng em mong các bạn trẻ sẽ dành thời gian để khám phá quê hương bằng đôi mắt yêu thương và trái tim biết ơn, để thấy rằng nơi mình đang sống thật sự có rất nhiều điều đẹp đẽ và đáng tự hào”.

Thông qua việc làm video về quê hương, Phương có dịp khám phá những khía cạnh mà trước đây em chưa từng để ý đến. Từ Lễ hội Làm Chay ở huyện Châu Thành, Khu di tích lịch sử cách mạng tỉnh Long An (huyện Đức Huệ) đến chiến công của anh hùng Nguyễn Trung Trực,... Mỗi hình ảnh, tư liệu thu thập được không chỉ là chất liệu cho tác phẩm mà còn trở thành sợi dây gắn kết cá nhân với cộng đồng, hiện tại với quá khứ.

Tuổi trẻ Long An tiếp nối truyền thống

Không chỉ dừng lại ở những thước phim đầy cảm xúc, những người trẻ Long An còn lan tỏa tinh thần yêu nước và tự hào dân tộc qua những hoạt động cộng đồng đầy sáng tạo và ý nghĩa. Với tư duy hiện đại, cách tiếp cận linh hoạt và tình yêu quê hương sâu sắc, các bạn trẻ đang đưa văn hóa, lịch sử vào đời sống với chất liệu sáng tạo phong phú, dễ tiếp cận.

Dù đang ngồi trên ghế nhà trường nhưng Nguyễn Hoàng Gia Phú (xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa) sớm nuôi dưỡng đam mê đưa lịch sử đến gần hơn với cộng đồng thông qua các sản phẩm truyền thông số. Không chỉ học sử qua sách vở, Phú còn cùng bạn bè lên ý tưởng, quay dựng và thuyết minh những video clip ngắn giới thiệu về làng nghề nón lá An Hiệp, khu di tích Óc Eo hay nhân vật lịch sử Châu Văn Liêm để tham gia các cuộc thi về giới thiệu vùng đất Long An.

Phú chia sẻ: “Ban đầu, em chỉ thích biên tập video, chưa từng nghĩ mình sẽ dựng được video hoàn chỉnh. Nhưng dần dần, chính tình yêu với lịch sử và mong muốn giữ gìn giá trị truyền thống đã khiến em kiên trì học hỏi. Tuy nghiệp dư nhưng em muốn làm điều gì đó để bảo tồn văn hóa Việt Nam và lịch sử tỉnh nhà”.

Việc chuyển lịch sử thành những sản phẩm truyền thông số không chỉ là xu hướng mà còn là một cầu nối hiệu quả giữa quá khứ và hiện tại. Ngày hội STEM tại Trường THPT Nguyễn Trung Trực - Bến Lức là một trong những hoạt động nổi bật, góp phần nuôi dưỡng tình yêu với lịch sử và văn hóa dân tộc một cách đầy mới mẻ. Thông qua hoạt động này, học sinh không chỉ rèn luyện kỹ năng tư duy, vận dụng các kiến thức khoa học, liên môn mà còn chủ động tiếp cận lịch sử, văn hóa với các mô hình về địa danh nổi tiếng, di tích lịch sử, nhân vật lịch sử,... 

Các mô hình STEM do học sinh Trường THPT Nguyễn Trung Trực - Bến Lức thực hiện đều mang đậm tính dân tộc, gắn bó với văn hóa địa phương (Ảnh: Fanpage Tuổi trẻ Bến Lức)
Các mô hình STEM do học sinh Trường THPT Nguyễn Trung Trực - Bến Lức thực hiện đều mang đậm tính dân tộc, gắn bó với văn hóa địa phương (Ảnh: Fanpage Tuổi trẻ Bến Lức)

Bí thư Đoàn Trường THPT Nguyễn Trung Trực - Bến Lức - Nguyễn Thị Hồng Cúc chia sẻ: “Các mô hình STEM do học sinh thực hiện đều mang đậm tính dân tộc, gắn bó với văn hóa địa phương, đất nước Việt Nam và gần gũi với đời sống thường nhật. Điều đặc biệt là các mô hình này đang được nhà trường trưng bày, một số được đưa vào sử dụng thực tế trong chương trình giáo dục cho nhiều khối lớp. Nhờ đó, học sinh không chỉ hiểu hơn về lịch sử, văn hóa mà còn chủ động tiếp cận kiến thức một cách sinh động, hấp dẫn. Qua hoạt động này, các em thêm yêu thích môn học; đồng thời, hình thành ý thức bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống của dân tộc”.

Đẩy mạnh việc trao truyền các giá trị truyền thống trong thời đại số, Thành Đoàn Tân An cũng tổ chức nhiều cuộc thi trực tuyến để tôn vinh các giá trị văn hóa, lịch sử, thể hiện lòng yêu nước, tự hào dân tộc của thế hệ trẻ. Trong đó, cuộc thi ảnh online “Khoảnh khắc Tân An - Tết sum vầy” năm 2025 với hơn 70 tác phẩm dự thi đã ghi lại những khoảnh khắc gia đình ấm áp trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 kết nối giới trẻ với những điều bình dị, thân thương nhất của quê hương.

Không chỉ vậy, Thành Đoàn còn tổ chức hội thi “Tuổi trẻ Tân An hát Quốc ca tại địa chỉ đỏ” năm 2025 với chủ đề Tôi yêu Tổ quốc tôi. Qua đó, đoàn viên, TN sẽ thể hiện tình yêu nước và lòng biết ơn sâu sắc qua những video clip ghi lại khoảnh khắc hát Quốc ca tại các "địa chỉ đỏ", chia sẻ cảm nghĩ, khẳng định quyết tâm viết tiếp những trang sử vẻ vang của dân tộc.

Giữa bối cảnh thông tin đa chiều, không ít nội dung sai lệch về văn hóa, lịch sử lan tràn trên mạng xã hội, mỗi bạn trẻ cần chủ động trang bị kiến thức, chia sẻ những nội dung tích cực, chung tay xây dựng một không gian mạng an toàn, văn minh, bảo vệ những giá trị tốt đẹp của dân tộc./.

Hoàng Lan

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu