Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Hai, 25/11/2024 13:27 (GMT +7)
Trên 36% mẫu kiểm tra ớt bột vượt ngưỡng dư lượng độc tố aflatoxin
Thứ 6, 18/05/2018 | 09:39:00 [GMT +7] A A
Trong số 262 mẫu ớt bột, ớt khô nguyên liệu, cơ quan chức năng phát hiện 95 mẫu phân tích vượt ngưỡng dư lượng aflatoxin cho phép, chiếm 36,25%.
Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Thanh tra Bộ đã chủ trì phối hợp với Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Cục An ninh, kinh tế nông, lâm, ngư nghiệp (A86 – Bộ Công an) tổ chức các đoàn kiểm tra, xác minh ớt bột khô có chứa chất aflatoxin.
Ớt bột khô không nhãn mác, hạn sử dụng được bày bán công khai trên thị trường. Ảnh: Chương Đài/TTXVN
Thanh tra Bộ đã thành lập 2 đoàn kiểm tra đột xuất tại một số cơ sở sản xuất, kinh doanh ớt bột tại 10 tỉnh, thành, gồm: Hà Nội, Thừa Thiên – Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, TP Hồ Chí Minh , Đồng Tháp, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Phước.
Các nội dung kiểm tra tập trung vào điều kiện bảo quản ớt khô nguyên liệu, ớt bột khô sau chế biến tại các cơ sở sản xuất và bày bán tại các cơ sở kinh doanh (các chợ và siêu thị). Đoàn kiểm tra cũng lấy mẫu phân tích chỉ tiêu an toàn thực phẩm aflatoxin B1 và aflatoxin tổng số.
Qua 3 đợt lấy mẫu, đoàn kiểm tra đã lấy tổng cộng 262 mẫu ớt bột, ớt khô nguyên liệu tại các cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh trong chợ dân sinh và siêu thị để phân tích, phát hiện 95/262 mẫu phân tích vượt ngưỡng dư lượng aflatoxin cho phép, chiếm 36,25%. Trong số mẫu phát hiện tồn dư aflatoxin, chiếm tỷ lệ nhiều nhất là hộ kinh doanh trong chợ với 48,6%, siêu thị 21,62%, tại cơ sở sản xuất và kho bảo quản là 30,7%.
Đoàn cũng kiểm tra 5 công ty nhập khẩu và kinh doanh ớt bột, mặc dù có giấy chứng nhận sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm, nhưng phiếu kết quả kiểm nghiệm trong thời gian 6 tháng hoặc 1 năm, trong khi đó có rất nhiều lô hàng được nhập về trong thời gian này, cơ sở không rút mẫu kiểm tra chất lượng trong đó có chỉ tiêu độc nấm tố aflatoxin.
Đoàn đã lập biên bản vi phạm hành chính 5 cơ sở sản xuất, nhập khẩu có hành vi vi phạm với tổng số tiền 110 triệu đồng và buộc thu hồi, tiêu hủy toàn bộ số hàng vi phạm còn tồn trên thị trường.
Theo Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nguyên nhân sơ bộ là do các cơ sở sản xuất, chế biến, bảo quản, kinh doanh ớt bột khô có quy mô hộ gia đình, điều kiện chế biến, bảo quản không đảm bảo, dẫn tới sản phẩm ớt bột có độc tố vi nấm aflatoxin. Ngoài ra, người sản xuất và kinh doanh thiếu hiểu biết về quy trình sản xuất, bảo quản…
Bên cạnh đó, do ớt bột là gia vị sử dụng ít, nên thời gian qua, việc quản lý mới tập trung kiểm soát rodamin B (phẩm màu dùng trong dệt nhuộm công nghiệp) và vi khuẩn E.Coli, chưa chú ý đến kiểm soát aflatoxin.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản phối hợp Bộ Y tế tuyên truyền, phổ biến các quy định trong sản xuất, kinh doanh ớt bột khô và các mặt hàng nông sản có nguy cơ lây nhiễm nấm mốc, nhằm ngăn độc tố aflatoxin; triển khai kế hoạch giám sát chủ động chỉ tiêu aflatoxin; chú trọng thanh, kiểm tra điều kiện sản xuất, chế biến, kinh doanh, bảo quản ớt nguyên liệu, ớt bột…
Ý kiến ()