Cam kết về mua sắm Chính phủ trong Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương là một trong những nội dung khó trong quá trình đàm phán hiệp định này. Các nguyên tắc chính của mua sắm chính phủ trong TPP, đó là: không phân biệt đối xử giữa các nhà thầu trong TPP với nhau; không được ưu đãi hàng hóa, dịch vụ hay nhà thầu nội và khuyến khích đấu thầu qua mạng.
Các chuyên gia cho rằng, việc Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương sẽ có tác động lớn đối với thị trường mua sắm chính phủ tại Việt Nam. Trong đó, đáng chú ý là Việt Nam đã đàm phán được lộ trình tương đối dài, mở cửa từ từ, bắt đầu từ những gói thầu có giá trị rất lớn, có thời gian quá độ để ưu tiên hàng hóa, nhà thầu trong nước.
Tuy nhiên, về lâu dài, khi thời kỳ chuyển đổi đã qua, nếu nhà thầu Việt Nam vẫn ì ạch, không chịu vươn lên, vẫn chờ đợi vào “quan hệ”, “dựa dẫm” thì thách thức là rất lớn. Bên cạnh đó, TPP cũng yêu cầu minh bạch hóa thông tin đấu thầu, minh bạch hóa các thủ tục ở tất cả các khâu và có quy định để bảo đảm liêm chính và xem xét khiếu nại.
Ông Lê Văn Tăng, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý Đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh: “Khó khăn không phải là kỹ thuật mà cái khó nhất mà chúng ta phải vượt qua chính mình bởi nếu áp dụng cái này thì tính minh bạch rất cao. Tôi cho rằng đây là khó khăn nhất, nhưng cũng lại là ưu thế nhất, vì nếu chúng ta vượt được qua thì giá trị của TPP mới thực sự mang đến cho Việt Nam. Sẽ rất là vất vả vì các nhà thầu buộc phải cạnh tranh với nhà thầu ngoại nhưng chúng ta được sự minh bạch, và minh bạch, công khai sẽ đem lại nhiều cái lợi. Đấy là điều người dân Việt Nam đang mong đợi và nếu chúng ta làm được thì chúng ta mới thành công.”
Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về triển khai cam kết mua sắm Chính phủ, ông Jean Heilman Grier, chuyên gia tư vấn quốc tế cho rằng, khi tham gia vào TPP, Việt Nam cần nêu ra những yêu cầu và nguyên tắc chung; các quy định và hướng dẫn cụ thể để đưa vào các văn bản dưới luật; đồng thời, cần chi tiết hóa các yêu cầu về đấu thầu, bao gồm các cam kết quốc tế về đấu thầu, áp dụng trên cả nước.
Ông Grier khuyến nghị: “Việt Nam cần sửa đổi Nghị định 63 về lựa chọn nhà thầu; tập trung vào các chương trình ưu đãi cho doanh nghiệp vừa và nhỏ; thành lập cơ quan giải quyết kiến nghị độc lập, có thể trực thuộc Văn phòng Chính phủ; đồng thời, phổ biến rộng rãi cam kết mua sắm Chính phủ trong TPP. Bên cạnh đó, cũng cần phải tăng cường đào tạo cho cán bộ làm công tác đấu thầu, xây dựng Bộ quy tắc ứng xử cho cán bộ làm đấu thầu cũng như quy định chặt chẽ hơn nhằm tránh mâu thuẫn lợi ích và phòng chống tham nhũng”./.
VOV-VN
Ý kiến ()