Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Sáu, 22/11/2024 20:47 (GMT +7)
Triển lãm và tọa đàm về Biển Đông tại Pháp
Thứ 2, 14/12/2015 | 00:00:00 [GMT +7] A A
Với chủ đề “Hướng về Biển Đông”, triển lãm trưng bày các bản đồ cổ do nhiều nhà hải dương học châu Âu vẽ, các châu bản thời Nguyễn khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Quang cảnh buổi tọa đàm “Hướng về Biển Đông”. Ảnh: Bích Hà |
Chiều ngày 12/12 tại Paris, một chương trình bao gồm nhiều hoạt động như triển lãm, chiếu phim, tọa đàm quốc tế về chủ đề Biển Đông đã được tổ chức trên cơ sở phối hợp của nhiều hội đoàn như Hội người Việt Nam tại Pháp (UGVF), Hội Hữu nghị Pháp-Việt (AAFV), Hội Sinh viên Việt Nam tại Pháp (UEVF), nhóm nghiên cứu “Biển Đông tại Pháp” và Trung tâm thông tin và tư liệu về Việt Nam (CID).
Mục đích của hoạt động này là nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết của bạn bè Pháp và cộng đồng người Việt Nam tại Pháp về những tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông cũng như quan điểm của các bên trong việc giải quyết các tranh chấp đó.
Với chủ đề “Hướng về Biển Đông”, cuộc triển lãm trưng bày một bộ sưu tập phong phú các tấm bản đồ cổ do các nhà thám hiểm và hải dương học châu Âu vẽ từ các thế kỷ XVIII và XIX, các châu bản, sắc phong thời Nguyễn khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Bên cạnh đó là các tấm bản đồ mới do Trung Quốc xuất bản với “đường lưỡi bò” chiếm gần như toàn bộ Biển Đông. Triển lãm cũng trưng bày những hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy hoạt động cải tạo đất phi pháp của Trung Quốc trên Đá Gạc Ma, Đá Chữ Thập, Đá Subi… cùng các hoạt động như tập trận quân sự trên các đảo nhân tạo này. Các hoạt động này cho thấy tham vọng bành trướng và thâu tóm toàn bộ Biển Đông của Trung Quốc.
Bạn bè Pháp xem bản đồ được trưng bày tại triển lãm. Ảnh: Bích Hà |
Tâm điểm của hoạt động “Hướng về Biển Đông” là buổi tọa đàm về tình hình Biển Đông với các diễn giả là Phó Giáo sư David Camroux, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế (CERI) – trường Khoa học Chính trị Paris với tham luận có chủ đề “Các nước ASEAN đối phó với sức mạnh đang lên của Trung Quốc”; Giáo sư Pierre Journoud, thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược – Học viện Quốc phòng Pháp (IRSEM), Giảng viên Đại học Paul Valéry Montpellier III, với tham luận về các thách thức của cộng đồng quốc tế trên Biển Đông. Bà Nguyễn Thanh Hương, thuộc trường Khoa học Chính trị Paris, thành viên Nhóm nghiên cứu Biển Đông tại Pháp cũng trình bày tham luận với chủ đề “Dư luận công chúng và chính sách đối nội của Trung Quốc, Việt Nam và Philippines”.
Trong các tham luận, các diễn giả đã bày tỏ mối quan tâm và sự lo ngại trước tình hình căng thẳng tại khu vực Biển Đông do các tranh chấp chủ quyền giữa nhiều bên. Việc Trung Quốc tăng cường sức mạnh hải quân đồng thời có các hành động khiêu khích như hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trong Vùng Đặc quyền Kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam hồi tháng 5/2014, sử dụng tàu sân bay Liêu Ninh để thực hiện các chương trình huấn luyện trên Biển Đông… đã làm cho nguy cơ xung đột ngày càng gia tăng.
Các diễn giả cũng phân tích sự ganh đua sức mạnh quân sự giữa Trung Quốc và Mỹ đồng thời cho rằng toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng nếu xảy ra xung đột trên Biển Đông. Giáo sư Pierre Journoud cho rằng một cuộc xung đột dù nhỏ nhất trong khu vực này đều có những ảnh hưởng tới các nền kinh tế châu Âu trong đó có kinh tế Pháp, do tuyến đường hàng hải quốc tế quan trọng đi qua vùng biển này. Trong phần trao đổi, diễn giả cũng như cử tọa đều bày tỏ mong muốn là các tranh chấp được giải quyết thông qua con đường đối thoại hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhằm đảm bảo hòa bình và ổn định cho khu vực, đảm bảo tự do hàng hàng trên Biển Đông.
Ý kiến ()