VOV.VN – Triều Tiên sáng 28/2 xác nhận, vụ thử tên lửa đạn đạo mới nhất của họ là nhằm phát triển hệ thống vệ tinh do thám. Từ các hệ thống vũ khí công nghệ cao đến hệ thống giám sát vệ tinh, Triều Tiên vẫn không ngừng mở rộng tham vọng hạt nhân giữa lúc đàm phán bế tắc với Mỹ và Hàn Quốc.
(Ảnh minh họa: SMH)
Theo hãng thông tấn chính thức Triều Tiên (KCNA), vụ thử đã góp phần xác nhận mức độ hoạt động chính xác của hệ thống chụp ảnh độ nét cao, hệ thống truyền dữ liệu và các thiết bị kiểm soát độ cao với việc chụp ảnh theo chiều dọc và chiều xiên của một khu vực cụ thể trên Trái đất với các camera được lắp trên vệ tinh do thám. KCNA cũng công bố hai bức ảnh chụp bán đảo Triều Tiên từ không gian. Phát triển vệ tinh do thám quân sự là một trong những bước tiến được nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Kim Jong-un khẳng định hồi năm ngoái, bao gồm cả vũ khí siêu thanh được thử nghiệm gần đây.
Người phát ngôn Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc Kim Joon-Rak cho biết: “Tên lửa mà Triều Tiên phóng đi đã bay tới tầm bắn 300km ở độ cao tối đa 620km. Hàn Quốc và Mỹ tái khẳng định cam kết đảm bảo khả năng sẵn sàng phòng thủ liên hợp vững chắc. Quân đội của chúng tôi đang theo dõi, giám sát các chuyển động liên quan và duy trì tư thế sẵn sàng.”
Vũ khí Triều Tiên trong một cuộc diễu binh (ảnh minh họa KCNA))
Đây cũng là vụ thử thứ 8 của Triều Tiên kể từ đầu năm đến nay và vụ phóng gần đây nhất là tên lửa đạn đạo tầm trung Hwasong-12 được gắn camera ở chóp. Là vũ khí lớn nhất được bắn thử nghiệm kể từ năm 2017, Hwasong-12 được cho là đã bay đến độ cao khoảng 2.000km và tầm hoạt động khoảng 800km. Theo nhà phân tích Shin Seung-ki tại Viện phân tích quốc phòng Hàn Quốc, trong bối cảnh những căng thẳng địa chính trị gia tăng và đàm phán hạt nhân bế tắc, thì việc Triều Tiên phát triển các hệ thống vũ khí tiên tiến, trong đó có tên lửa siêu thanh, tên lửa phóng từ tàu ngầm, toa tầu,…, vốn đang được các quân đội lớn trên thế giới phát triển, là một yếu tố gây lo ngại.
Sau hơn 3 thập kỷ theo đuổi tham vọng tự chế tạo tên lửa, chính quyền Triều Tiên được cho là đang sở hữu đủ nguồn nhiên liệu để sản xuất vũ khí hạt nhân hàng loạt. Các cuộc thử nghiệm diễn ra trong những năm gần đây được tổ chức nhằm hoàn thiện công nghệ chế tạo đầu đạn hạt nhân có kích cỡ thích hợp để gắn vào tên lửa và hướng tới những công nghệ tiên tiến hơn.
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc dự kiến họp kín ngay trong ngày hôm nay (28/2) để thảo luận tình hình bán đảo Triều Tiên. Các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cấm Triều Tiên thử tên lửa đạn đạo./.
Ý kiến ()