Từ đầu năm đến nay, khi thị trường xuất khẩu sang Trung Quốc giảm mua đã khiến giá cá sấu rớt thê thảm dẫn đến người chăn nuôi loài vật này ở Đồng Nai thua lỗ nặng.
Nếu như năm 2014, có thời điểm giá cá sấu thương phẩm là 230.000-240.000 đồng/kg thì hiện nay giá bán chỉ còn 70.000 đồng/kg.
Vì vậy, người nuôi phải chịu lỗ gần 50.000 đồng/kg bởi, chi phí chăn nuôi, con giống, nguồn thức ăn và các chi phí khác của mỗi kg cá sấu khoảng 110.000-120.000 đồng/kg.
Trang trại nuôi cá sấu của bà Lưu Thị Hương với 4.000 cá thể được xem là lớn nhất huyện Định Quán.
Bà Hương cho biết giá cá sấu phải đạt 120.000 đồng/kg thì người nuôi mới có lãi.
Nhưng, giá hiện nay thấp dưới mức đầu tư nên bà phải giữ lại để tiếp tục nuôi nhưng cho cá sấu ăn ít đi để giảm tăng trọng lượng.
Tuy nhiên, cũng chỉ giữ được một thời gian, đến mức nào đó cũng phải xuất bán vì hiện nay thương lái Trung Quốc họ chỉ mua cá sấu có trọng lượng 18-20kg/con, nếu cá sấu càng lớn thì giá càng thấp.
“Cá sấu hiện nay bán bao nhiêu thương lái cũng mua, nhưng giá chỉ hơn 70.000 đồng/kg. Gia đình tôi nuôi cá sấu lâu năm có lúc lãi có lỗ còn bù cho nhau được, chỉ tội cho những người nuôi lần đầu, ít vốn coi như mất trắng,” bà Lưu Thị Hương chia sẻ.
Trường hợp gia đình ông Nguyễn Văn Nhật cũng rơi vào cảnh tương tự. Năm 2014 khi phong trào nuôi cá sấu phổ biến ở huyện Định Quán, gia đình ông Nhật đã đầu tư hàng trăm triệu đồng để xây chuồng trại và mua cá sấu giống về nuôi. Lứa cá đầu tiên ông xuất bán vào năm 2015 gồm 70 con cá sấu trưởng thành với giá 300 triệu đồng. Thấy lãi lớn, ông Nhật tiếp tục mở rộng quy mô lên 300 con.
Đến nay, đàn cá sấu của ông Nhật đã đạt trọng lượng 17-18kg/con (đủ trọng lượng để xuất bán), tuy nhiên ông Nhật cho biết, thương lái chỉ chào mua với giá 72.000 đồng/kg. Với giá này, nếu bán sẽ phải chịu lỗ gần 50.000 đồng/kg.
Ông Nguyễn Văn Chiểu, Phó hạt trưởng Hạt kiểm lâm Định Quán, cho biết hiện nay lượng cá sấu đến trọng lượng xuất bán đang tồn đọng nhiều, trong khi giá bán thấp, do đó lượng cá sấu xuất bán trong nhiều tháng nay rất thấp. Chính vì lượng cá sấu tồn đọng nhiều, nên các đơn vị kiểm lâm phải tăng cường kiểm tra đảm bảo an toàn chuồng trại tránh để thất thoát cá sấu ra môi trường bên ngoài.
Hiện nay, Hạt Kiểm lâm huyện Định Quán (Đồng Nai) đang quản lý đến 375 cơ sở, trại nuôi cá sấu trên địa bàn huyện Định Quán với gần 140.000 cá thể, chiếm trên 90% lượng cá sấu nuôi trên địa bàn toàn tỉnh Đồng Nai. Số liệu từ Hạt Kiểm lâm huyện Định Quán cho thấy, năm 2015 có thêm 132 cơ sở, trại nuôi cá sấu tăng mới trên địa bàn.
Đến đầu năm 2016, có 18 trại nuôi cá sấu đăng ký mới, nhưng từ nhiều tháng nay không có trại nuôi nào đăng ký mới.
Ông Nguyễn Văn Chiểu cho biết năm 2014 trước tình trạng người dân mở rộng quy mô nuôi, tăng đàn ồ ạt vì giá cao, Hạt Kiểm lâm huyện Định Quán đã khuyến cáo người dân trước những rủi ro về thị trường và giá, bởi cá sấu ở Định Quán chủ yếu bán cho thương lái xuất sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch.
Trong khi thị trường và giá không ổn định, khi phát triển ồ ạt, cung vượt cầu và thị trường Trung Quốc ngưng thu mua sẽ dẫn đến mất giá, thua lỗ.
Trước tình trạng người dân phát triển đàn cá sấu ồ ạt trong những năm qua, chính quyền huyện Định Quán cũng đã khuyến cáo người dân cần tìm hiểu nhu cầu bền vững của thị trường trước khi nuôi, để tránh tình trạng “được mùa thì mất giá.”
Ngoài vấn đề giá bán, thời gian qua, các cơ quan chức năng huyện Định Quán cũng đã tăng cường công tác kiểm tra vấn đề bảo đảm an toàn chuồng trại.
Vì huyện Định Quán là địa phương nằm ven hồ thủy điện Trị An, trước đây cũng đã từng có nhiều trường hợp cá sấu xổng chuồng thoát vào hồ Trị An khiến lực lượng chức năng mất nhiều thời gian để săn bắt, bảo đảm an toàn cho ngư dân trên hồ./.
Ý kiến ()