– Sau hơn 2 năm khảo sát, giữa tháng 12/2018, biệt thự Phương Nam được xem là đặc trưng kiến trúc, văn hóa, nghệ thuật của thập niên 1920 tại Sài Gòn được mua lại vào cuối năm 2015 với giá 35 triệu USD (gần 800 tỷ đồng) sẽ chính thức được trùng tu.
Hội thảo về Không gian di sản với chủ đề “Bảo tồn & phát huy giá trị các công trình kiến trúc, lịch sử, văn hóa tại TP.HCM” đã cung cấp nhiều góc nhìn, từ đó gợi mở thêm nhiều giải pháp cho công tác bảo tồn di sản văn hóa tại TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung.
Ngày 27/11, gần 100 đại biểu là cán bộ quản lý nhà nước, chuyên gia trong và ngoài nước, đại diện các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu lịch sử, bảo tồn đã tham dự hội thảo về Không gian di sản với chủ đề “Bảo tồn & phát huy giá trị các công trình kiến trúc, lịch sử, văn hóa tại TP.HCM”, dưới sự chủ trì của GS.TS Nguyễn Trọng Hòa – nguyên viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển thành phố Hồ Chí Minh.
Hội thảo Không gian di sản gợi mở thêm nhiều giải pháp cho công tác bảo tồn di sản văn hóa tại TP.HCM
Hội thảo đã phác họa bức tranh toàn cảnh về hiện trạng các công trình cần nghiên cứu bảo tồn và chương trình bảo tồn mà thành phố đang thực hiện, đồng thời đi sâu vào phân tích các mô hình, giải pháp, kinh nghiệm trong nước và quốc tế về công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản kiến trúc, cảnh quan đô thị.
PGS-TS Nguyễn Trọng Hòa – nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM, cho hay Sài Gòn – TP.HCM với bề dày hình thành và phát triển hơn 300 năm, còn thừa hưởng những dấu ấn di sản kiến trúc cảnh quan văn hóa quan trọng. Trước động lực phát triển kinh tế, đang đặt ra các thách thức bảo tồn những không gian kiến trúc, cảnh quan đô thị có giá trị di sản.
Đã có 8 tham luận và nhiều ý kiến phát biểu trao đổi đến từ các chuyên gia của Việt Nam, Pháp, Ý, nhóm chuyên gia đến từ Thượng Hải, Singapore… được chia sẻ sôi nổi tại hội thảo. Một số địa điểm ở TP HCM được đề cập gồm Bảo tàng Lịch sử TP HCM, Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM, biệt thự Phương Nam (góc Võ Văn Tần – Bà Huyện Thanh Quan, quận 3, TP HCM) và một số công trình có giá trị lịch sử và văn hóa khác….
Tiến sĩ – Kiến trúc sư Tô Kiên nhận định: “Các quốc gia thường phải đối mặt với những khó khăn tài chính để bảo tồn và trùng tu di sản, trong khi áp lực phát triển từ cơ chế thị trường đe dọa sự tồn vong của các di sản đó. Tuy bảo tồn và phát triển thường có mâu thuẫn cố hữu với nhau, nhiều nước tiên tiến trong đó có Nhật Bản đã có những bài học về các cách đi khéo léo, thực dụng và hiệu quả để giúp hai yếu tố trên giảm thiểu “tương khắc”, tăng cường “tương sinh”. Di sản phải sống cùng hơi thở của thời đại”.
Biệt thự Phương Nam (110-120 Võ Văn Tần) là một trong số các công trình đặc biệt về văn hóa – lịch sử của TP.HCM.
Với riêng biệt thự cổ nổi tiếng Phương Nam, với diện tích 2.800 m2, được xem là đặc trưng kiến trúc, văn hóa, nghệ thuật của thập niên 1920 tại Sài Gòn được mua lại vào cuối năm 2015 với giá trị 35 triệu USD (gần 800 tỷ đồng), KTS Nicolas Viste (Pháp), chuyên gia nghiên cứu các dự án bảo tồn văn hoá, cho biết giá trị to lớn của biệt thự này chính là sự độc đáo mang đậm bản sắc Việt Nam, khiến nó trở thành một trong những công trình lịch sử quan trọng ở Việt Nam.
Sau hơn 2 năm khảo sát, giữa tháng 12/2018, biệt thự Phương Nam sẽ chính thức được trùng tu. Dự án tôn tạo sẽ đòi hỏi các bước thực hiện, từ tháo dỡ các công trình phụ, đến gia cố kết cấu, phục hồi tất cả các bộ phận cấu thành, bảo quản các bức hoạ trong ngôi nhà.
Dự kiến, trong 3 năm tới, biệt thự Phương Nam có thể phục hồi hoàn toàn như thiết kế ban đầu. Êkíp trùng tu gồm 9 thành viên là các chuyên gia đầu ngành về trùng tu, lịch sử, kiến trúc từ Ý, Pháp, Đức, Việt Nam…
Theo Đ.L/ Vietnamnet
Ý kiến ()