Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Bảy, 23/11/2024 07:10 (GMT +7)
Từ 2016, người lao động tại DNNN đóng bảo hiểm xã hội theo mức lương
Thứ 3, 29/12/2015 | 00:00:00 [GMT +7] A A
Từ ngày 1/1/2016 đến 31/12/2017, tính đóng bảo hiểm xã hội theo mức lương và phụ cấp lương ghi trong hợp đồng lao động.
Chiều 28/12, tại Hội nghị cung cấp thông tin để triển khai Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), ông Trần Đình Liệu, Trưởng Ban thu Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết: Người lao động đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định sẽ được thực hiện theo lộ trình quy định tại khoản 2 Điều 89 của Luật Bảo hiểm xã hội.
Từ ngày 1/1/2016 đến 31/12/2017, tính đóng bảo hiểm xã hội theo mức lương và phụ cấp lương ghi trong hợp đồng lao động. Như vậy so với quy định trước đây, tiền lương tính đóng bảo hiểm xã hội giai đoạn 2016-2017 có thêm khoản phụ cấp lương. Từ ngày 1/1/2018 trở đi, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác ghi trong hợp đồng lao động.
Ảnh minh họa – TTXVN |
So với quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006, quy định này có điểm mới là người lao động trong doanh nghiệp nhà nước, hưởng lương theo hệ số theo Nghị định số 205/2004/NĐ-CP (quy định hệ thống thang lương, bảng lương và chế độ phụ cấp lương trong các công ty nhà nước), trước năm 2016 đang đóng, hưởng bảo hiểm xã hội theo hệ số, từ ngày 1/1/2016 trở đi tính đóng bảo hiểm xã hội theo tiền lương ghi trong hợp đồng lao động như những người lao động làm việc trong doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước, bình đẳng giữa hai khu vực. Tiền lương đóng bảo hiểm xã hội từ ngày 1/1/2016 là tiền lương ghi trong hợp đồng lao động, gồm thêm phụ cấp lương và từ ngày 1/1/2018 thêm cả các khoản phụ cấp khác.
Cũng theo ông Trần Đình Liệu, từ ngày 1/1/2016, những người hưởng lương theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định (công chức, viên chức nhà nước hưởng lương theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP), tiền lương để tính đóng bảo hiểm xã hội không thay đổi, vẫn đóng bảo hiểm xã hội theo tiền lương theo ngạch, bậc, cấp bậc quân hàm và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề (nếu có). Viên chức quản lý chuyên trách trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu đóng bảo hiểm xã hội theo hệ số tiền lương quy định tại Nghị định số 51/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chế độ tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với thành viên Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty, Kiểm soát viên, Tổng Giám đốc hoặc Giám đốc, Phó Tổng giám đốc, hoặc Phó Giám đốc, Kế toán trưởng trong Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu.
Tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc năm 2016 không thay đổi – ông Liệu cho hay. Tổng tỷ lệ đóng là 26% tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội; trong đó người lao động đóng bằng 8% tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội (đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất), người sử dụng lao động đóng bằng 18% tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội (14% vào quỹ hưu trí, tử tuất; 1% vào quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, 3% vào quỹ ốm đau, thai sản).
Trước băn khoăn của nhiều báo giới về việc một số doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần phải chuyển đổi theo Nghị định 49/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về tiền lương chưa xây dựng thang bảng lương kịp thời, ông Liệu cho biết, sau khi Nghị định ra đời, Chính phủ đã cho phép giãn lộ trình đến hết năm 2015. Như vậy đã có hơn 2 năm để tuyền truyền tới các doanh nghiệp về việc xây dựng thang bảng lương theo Nghị định 49/2013/NĐ-CP, không thể nói là không kịp thời xây dựng và không biết. Hai năm qua, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã thông tin rất nhiều cho doanh nghiệp và Bảo hiểm xã hội các địa phương đã làm việc và thông báo nội dung này cho doanh nghiệp. Theo Luật Bảo hiểm xã hội, từ năm 2016, doanh nghiệp phải tự xây dựng chuyển đổi thang bảng lương theo Nghị định này và theo Bộ luật Lao động. Hiện có khoảng 7.200 doanh nghiệp phải chuyển đổi tiền lương.
Từ năm 2016, doanh nghiệp phải xây dựng thang bảng lương, thỏa thuận với người lao động và thỏa ước tập thể theo đúng quy định của Bộ luật Lao động. Những khoản nào được xây dựng và cơ cấu tiền lương, doanh nghiệp tự hạch toán vào giá thành thỏa thuận. Khoản nào thỏa thuận với người lao động, khoản nào là phụ cấp lương, doanh nghiệp cũng phải thống nhất với người lao động. Những việc đó đều phải gửi cơ quan quản lý nhà nước về lao động ở địa phương để thống nhất quản lý. Cơ quan bảo hiểm xã hội đóng vai trò cơ quan thực hiện, căn cứ vào thang bảng lương và đăng ký với cơ quan nhà nước để thu bảo hiểm xã hội. Việc này không tác động lớn đến các doanh nghiệp khi doanh nghiệp nghiên cứu kỹ văn bản của Bộ luật Lao động – ông Liệu khẳng định.
Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân cho rằng: Vấn đề xây dựng hệ thống thang bảng lương là vấn đề nghiệp vụ đòi hỏi phải có thời gian, có những doanh nghiệp triển khai còn chậm, như vậy có thể từ ngày 1/1/2016 phải tạm thời thu trên nền bảo hiểm xã hội cũ và trong quý I/2016 doanh nghiệp phải hoàn thành việc xây dựng hệ thống thang bảng lương.
Theo ông Phạm Minh Huân, lưới an sinh hiện rất mỏng manh, gần 80% người trong độ tuổi lao động không có lưới bảo vệ, khi không còn sức lao động, không có thu nhập sẽ không bảo đảm cuộc sống. Vì vậy, Luật Bảo hiểm xã hội đặt vấn đề mở rộng đối tượng tham gia, đa dạng hóa hình thức bảo hiểm, ngoài bảo hiểm bắt buộc, cần làm tốt bảo hiểm tự nguyện và mở thêm hình thức bảo hiểm hưu trí bổ sung, đáp ứng yêu cầu của người lao động.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi nhận định từ ngày 1/1/2016, 1.171.000 lao động của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp cổ phần chưa áp dụng thang, bảng lương theo quy định của Bộ luật Lao động là chậm, lợi bất cập hại, Bộ Lao động – Thương binh và xã hội cần hết sức lưu ý để chỉ đạo.
Tại cuộc họp, Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Minh Thảo cho biết, đối với 5 nhóm đối tượng do ngân sách nhà nước đóng và hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế chưa được cấp thẻ bảo hiểm y tế (khoảng 16,2 triệu người gồm đối tượng thuộc hộ gia đình nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng kinh tế – xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, người sinh sống ở xã đảo, huyện đảo), sẽ được gỡ theo hướng vẫn giữ nguyên chế độ bảo hiểm y tế, tiếp tục được hưởng các quyền lợi khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế đến hết ngày 30/6. Từ ngày 1/7, có quy định hướng dẫn mới sẽ cấp thẻ bảo hiểm y tế theo quy định mới.
Ý kiến ()